Khó tuyển người
Khi du lịch phục hồi, nhiều doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng khó tuyển dụng hoặc tuyển dụng được nhân sự nhưng thiếu nhiều kỹ năng và phải đào tạo lại.
Ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc công ty quản lý nhà hàng Ngũ Vị đã đầu tư cả trăm triệu đồng để thuê lại địa điểm trước kia tại 24 Hồng Phú (Hà Nội), thiết kế chỉnh trang lại để phục khách du lịch, chủ yếu là dòng khách Âu Mỹ, Australia… Cùng với việc huy động vốn đầu tư nhưng vấn đề khó nhất với ông Phạm Xuân Trường là tuyển nhân sự phục vụ khách theo đúng quy chuẩn.
“Sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhân viên cũ đã chuyển việc khác. Tôi liên lạc lại, mọi người đều báo đã ổn định công việc khác, không muốn quay lại lĩnh vực dịch vụ. Tôi tìm tuyển người từ nhiều nguồn từ Trung tâm Dịch vụ việc làm, đăng tuyển trên face, website, qua người thân giới thiệu… Từ gần 100 ứng viên, tôi tuyển được 15 người. Đa số các ứng viên đến tuyển đều hỏi trước tiên về mức lương, khoản hỗ trợ… Rất ít người hỏi về vị trí làm cần những kỹ năng, tiêu chuẩn gì. Tuyển xong nhân viên, tôi vừa làm vừa hướng dẫn. Nhiều hôm, khách đông, tôi phải kiêm cả chạy bàn, bưng bê, giới thiệu món ăn cho khách…”, ông Phạm Xuân Trường chia sẻ.
Tình trạng khó tuyển dụng nhân lực du lịch, dịch vụ phổ biến tại các điểm du lịch. Trong năm qua, nguồn nhân lực hầu hết tuyển mới nên vừa làm vừa đào tạo. “Lượng khách chưa đông nên nhiều nơi, nhân viên đang kiêm nhiệm để đảm bảo hiệu quả kinh tế như 1 người phục vụ 15 khách nay phải phục vụ khoảng tầm 30 khách. Hầu hết các nhà hàng phục vụ khách quốc tế khởi động lại giai đoạn này chỉ mong cầm cự hoà vốn”, ông Phạm Xuân Trường khẳng định.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Liên chi hội Đầu bếp Việt Nam, Giám đốc Công ty Bếp Việt cho biết: Theo phản ánh từ hội viên, chỉ có khoảng hơn 30% số nhà hàng chuyên phục vụ khách theo tour hoạt động trở lại. Còn lại, các chủ doanh nghiệp vẫn chưa tái đầu tư vì lượng khách quốc tế chưa nhiều và đang phải giải quyết nợ từ đợt dịch. Một số nhà hàng hướng sang khách nội địa với tiêu chuẩn thấp hơn và mang tính bình dân hơn. Ngoài tìm kiếm vốn đầu tư, vấn đề của các chủ nhà hàng dịch vụ đang gặp phải là nhân lực. Để tuyển nhân lực và duy trì hoạt động, lương và chi phí trả cho một nhân sự tăng khoảng 15-20% so với trước. Dù vậy, để có nguồn tuyển lao động có kỹ năng, các đơn vị chuyển hướng hợp tác với trường nghề để tuyển dụng.
Một “điểm sáng” phải kể đến là Ecolodge Mekong Rustic tại Phong Điền (Cần Thơ) và Ninh Binh Rustic (Ninh Bình). Sau 2 năm đóng cửa, hai cơ sở này đã mở cửa trở lại với mức bình quân gần 70% công suất phòng. Ông Nguyễn Ngọc Bích, CEO Công ty Du lịch Mekong Rustic cho biết: Lượng khách quốc tế đi du lịch thuần tuý bắt đầu tăng từ khoảng tháng 10/2022 nhưng chưa nhiều như kỳ vọng. Trong khi đó, đội ngũ nhân sự trước đây đã nghỉ thì chỉ có một số ít quay trở lại. “Số nhân viên còn lại là tuyển mới và đang trong quá trình việc làm vừa đào tạo. Một số nhân sự quản lý có chuyên môn phải đưa từ Hà Nội vào. Tuy nhiên, các nhân sự quản lý cũng phản ánh lượng khách ít nên thu nhập không như kỳ vọng và có ý định xin nghỉ, chuyển nghề”, ông Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ.
Liên kết nhà trường – doanh nghiệp
Dù nhân lực cho ngành dịch vụ du lịch đang đắt hàng, nhưng việc tuyển sinh học viên cho các trường nghề về du lịch lại không hề dễ. Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết: Năm học vừa qua chỉ tuyển được khoảng 70% theo chỉ tiêu. Việc tuyển sinh gặp khó do nhiều người lo sợ nghề du lịch, dịch vụ vẫn bấp bênh như thời gian dịch bệnh vừa qua. Bên cạnh đó, nhiều học sinh cho rằng thu nhập thấp, vất vả nên không muốn theo nghề.
Trước dịch COVID-19, khi du lịch phát triển với lượng khách quốc tế đạt 18 triệu lượt, nhân lực ngành du lịch luôn trong tình thừa số lượng nhưng yếu chất lượng. Sau đợt dịch COVID-19, nhân lực du lịch vừa thiếu cả số lượng lẫn chất lượng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng: Các khảo sát cho thấy, trong các lĩnh vực du lịch dịch vụ, thiếu nhất là lĩnh vực khách sạn, nhà hàng. Thực tế, sau dịch bệnh COVID-19, tuyển dụng nhân lực làm việc trong các khách sạn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng Cục Du lịch), dự báo năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800 nghìn đến năm 2025 và năm 2030 là hơn 1 triệu lao động; giai đoạn 2022 - 2030, trung bình ngành du lịch cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động. Dự báo cho thấy, việc khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực cơ sở lưu trú du lịch là rất lớn. Cả nước hiện có gần 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm về dạy nghề… Cơ sở du lịch ngày càng tăng, nhưng năng lực đào tạo còn hạn chế dẫn đến tuyển sinh chưa đạt như kỳ vọng …
GS.Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo – Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ: Trong đại dịch, lĩnh vực du lịch, dịch vụ bị cắt giảm nhân sự nhiều nhất nên khi phục hồi lại thiếu hụt nguồn nhân lực nhiều nhất. Hiện nguồn nhân lực khách sạn thuộc phân khúc từ 1 đến 3 sao tăng nhanh; tuy nhiên tại khu vực khách sạn 4 đến 5 sao lại phục hồi chậm, và thực tế nhân lực chất lượng cao phục vụ trong các khách sạn lớn, chuyên phục vụ khách quốc tế đang chuyển dịch sang ngành nghề khác.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều khách sạn cao cấp liên kết với các trường cao đẳng trong đào tạo. Bà Đinh Bích Diệp, Hiệu trường Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu cho biết: Liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo không chỉ giúp các em sớm tích luỹ kinh nghiệm mà còn tạo cơ hội cho các em có việc làm ngay khi tốt nghiệp. Trong năm học 2022-2023, nhà trường đã ký kết hợp tác với 5 đối tác là khách sạn 5 sao để tạo điều kiện cho các em được thực tập với môi trường chuyên nghiệp nhất.
Cùng với đó là chương trình đạo tạo với dự án nước ngoài. Đơn cử như Dự án du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững (ST4SD) tại Việt Nam liên kết đào tạo giữa các trường du lịch hàng đầu Thuỵ Sỹ phối hợp với các trường du lịch tại Việt Nam, tập huấn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ các sáng kiến phát triển bền vững.
“Sau dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch đặt ra những yêu cầu mới về sản phẩm, dịch vụ, nhất là yếu tố an toàn, sản phẩm có lợi cho sức khỏe, sự cá nhân hóa dịch vụ… nên lĩnh vực đào tạo du lịch sớm có những giải pháp thiết thực, kịp thời đào tạo hiệu quả bằng nhiều hình thức để bù đắp lượng nhân sự thiếu hụt, bổ sung nhân sự chất lượng cao, sẵn sàng đón làn sóng khách quốc tế quay lại Việt Nam...”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Do đó, để đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu, Nhà nước cần sớm có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng năng nghề du lịch; chú trọng đào tạo nhân lực quản lý cấp cao và lao động lành nghề; đa dạng hóa các hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cơ sở đào tạo, trường đào tạo nghề…
Bài cuối: Hướng phát triển xanh, bền vững