Ngày 25/5, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Những giải pháp cấp bách thúc đẩy Du lịch Việt Nam phát triển”. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 11 tháng liên tiếp và nếu không có giải pháp cấp bách thì ngành du lịch Việt Nam khó đạt kế hoạch về tổng lượng khách và khó duy trì phát triển trong các năm tiếp theo.
Đại diện các doanh nghiệp du lịch địa phương kiến nghị đơn giản hóa việc cấp visa cho du khách |
Việt Nam đã thực hiện miễn visa cho các nước trong khối Asean và 7 thị trường trọng tâm (Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan). Sau khi miễn visa, các thị trường mục tiêu đều có mức mạnh. Cụ thể với 3 thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, lượng khách tăng trưởng 352%. “Việc miễn visa được coi là khởi đầu cho việc thu hút du khách đến với Việt Nam. Hiệp hội hội du lịch Việt Nam kiến nghị Chính phủ tiếp tục miễn visa cho một số thị trường trọng điểm Pháp, Anh, Đức, Australia. Đây là những thị trường ổn định, luôn nằm trong top 10 thị trường khách đến Việt Nam. Việc miễn visa sẽ tạo cơ hội cho khách nối tour đến Việt Nam. Đơn cử như khách Pháp hiện đến Thái Lan đạt hơn 1 triệu lượt khách. Nhiều khách có nguyện vọng nối tour đến Việt Nam nhưng khi thấy thủ tục xin visa phức tạp, họ liền hủy chương trình đến Việt Nam”, ông Vũ Thế Bình cho biết.
Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, với khách quốc tế, chi phí để làm 45 USD để làm visa là khoản tiền nhỏ nhưng thủ tục rất phức tạp. “Chi phí để làm được visa vào Việt Nam thường phải trên 100 USD, trong đó chi phí “bôi trơn” cho nhân ngoại giao tại đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài không phải là nhỏ”, ông Trần Khang Thụy, giám đốc Exo travel cho biết.
Do đó, các doanh nghiệp lữ hành kiến nghị phải giảm thiểu thủ tục làm visa, có như vậy, đây cũng là động lực thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Cùng với kiến nghị miễn visa cho 4 thị trường trọng điểm, Hiệp hội du lịch Việt Nam cũng kiến nghị miễn lệ phí visa cho tất cả các thị trường trong 6 tháng cuối năm 2015. Ông Vũ Thế Bình cho biết: “Căn cứ để đưa ra đề xuất này là năm 2009, khi lượng khách suy giảm, trên đề xuất của Bộ VHTTDL, Chính phủ đã miễn lệ phí làm visa cho tất cả thị trường trong thời gian cuối năm 2009, nhờ đó hơn 100.000 lượng khách quốc tế hưởng lợi từ chương trình này và đã tạo đà cho lượng khách quốc tế tăng 36% vào năm 2010.
Đồng thời, Hiệp hội đề xuất miễn thuế VAT một năm cho doanh nghiệp du lịch tham gia Chương trình kích cầu du lịch (từ tháng 7/2015-6/2016), cho phép nộp chậm 6 tháng đến 1 năm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp với các chương trình tham gia kích cầu du lịch. “Thực tế hiện nay, chương trình kích cầu du lịch hiện nay chủ yếu đến từ sự hỗ trợ của hàng không. Còn các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ tự giảm lợi nhuận để kích cầu. Tuy nhiên, để giảm tour, cần hỗ trợ giảm giá từ hỗ trợ thuế”, đại diện Hiệp hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Ông Vũ Thế Bình khẳng định, giá thuê đất với những khu vui chơi, giải trí và dịch vụ lưu trú hiện nay bất hợp lý, góp phần đẩy giá dịch vụ, lưu trú Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực. Vấn đề thuế đất với các khu dịch vụ vui chơi giải trí, lưu trú, hiện Bộ Tài chính đã có công gửi Thủ tướng Chính phủ và giao việc giải quyết bất cập này cho các tỉnh thành giải quyết. Hiện đã có một số tỉnh thành giải quyết cụ thể vấn đề này và các hiệp hội du lịch địa phương cần tập hợp thống kê gửi Hiệp hội du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch để cùng phối hợp với địa phương giải quyết.
Với tình trạng khách quốc tế giảm như hiện nay, các ngành chức năng sớm có giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ thu hút khách quốc tế, trong đó có việc bổ xung thêm việc miễn visa với 4 thị trường trọng tâm, đơn giản hóa thủ tục làm visa. Đồng thời, các tỉnh sớm triển khai việc tính thuế đất hợp lý với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú để từ đó có thể giảm giá dịch vụ.
Xuân Cường