Di sản văn hóa luôn được coi là tài nguyên du lịch quan trọng. Việc khai thác các di sản văn hóa trong hoạt động du lịch phải đảm bảo tăng trưởng nhưng không để lại những hậu quả tiêu cực cho văn hóa và môi trường bản địa. Vấn đề cân bằng giữa phát triển du lịch và gìn giữ di sản văn hóa bởi vậy luôn là mối quan tâm của những người làm du lịch có trách nhiệm.Tiềm năng lớnTheo tài liệu Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (gọi tắt là dự án EU), có tới 37% khách du lịch “có động cơ văn hóa” - dịch chuyển để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu văn hóa. Khách tham gia hoạt động này thường tham quan các di tích lịch sử, đền đài; tìm hiểu nghệ thuật; tiếp xúc với người dân tộc thiểu số hoặc đơn giản là đắm mình trong cuộc sống của dân bản địa để hiểu hơn bản sắc địa phương... Khách du lịch di sản văn hóa thường đi thăm nhiều nơi hơn 2 lần, ở lại lâu hơn 2,5 lần và chi tiêu nhiều hơn.
Phong cảnh đảo Titov trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Đán - TTXVN |
Trong khi đó, với nền văn hóa đa dạng, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Đến nay, nước ta có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, gồm các di sản văn hóa, thiên nhiên và di sản hỗn hợp (văn hóa và thiên nhiên); 7 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 2 di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; 4 di sản tư liệu... Bên cạnh đó, có 34 di tích quốc gia đặc biệt, 3.1 di tích quốc gia, các báu vật quốc gia, di vật, cổ vật...
Bà Dương Bích Hạnh, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Di sản văn hóa là yếu tố quan trọng để thúc đẩy du lịch. Ngược lại, du lịch góp phần phục hồi, bảo tồn di sản, đem lại lợi ích kinh tế và tăng cường đối thoại, trao đổi giữa các nền văn hóa. Tuy nhiên, nếu không phát triển đúng hướng, du lịch cũng góp phần gây hư hại cho di sản”.
Điều này có thể thấy qua việc vịnh Hạ Long không ít lần bị UNESCO “tuýt còi” bởi những bất cập trong quản lý, bảo vệ di sản, từ xả chất thải, tràn dầu... cho đến những dự án “san đồi, lấn biển”. Cũng là di sản thế giới, Phố cổ Hội An và quần thể khu di tích Mỹ Sơn lại đối mặt với những vấn đề do lượng khách du lịch tập trung quá đông.
Do đó, để bảo tồn di sản song hành với phát triển du lịch, các chuyên gia đã tính đến phương án đẩy mạnh phát triển dịch vụ “du lịch vệ tinh”, nhằm “kéo” bớt du khách ra khỏi khu di sản.
“Bao giờ cũng vậy, khi một danh thắng trở thành di sản thế giới thì lượng du khách tăng lên rất nhanh. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với quốc gia thành viên cũng như đối với các địa phương nơi có các di sản, là làm thế nào để có thể cân bằng được việc phát triển du lịch, phát triển kinh tế đối với việc bảo tồn các di sản này. Bởi vì nếu phát triển du lịch làm ảnh hưởng đến những giá trị toàn cầu của di sản, thì khi đó UNESCO phải xem xét đưa di sản này vào danh sách khuyến nghị bảo tồn”, bà Hạnh chia sẻ,
Bên cạnh đó, có rất nhiều di sản trước đây là của cộng đồng địa phương, nhưng dưới áp lực của du lịch, người dân thay đổi hành vi, tập quán, hình ảnh để phù hợp với thị hiếu của khách du lịch, dẫn đến mất bản sắc. Cái lợi từ du lịch cũng có thể khiến cộng đồng dân tộc đánh mất bản sắc, như câu chuyện đồng bào dân tộc ở Sa Pa. Còn đối với những di sản vật thể, những di tích lịch sử - văn hóa, di chỉ khảo cổ, việc có quá nhiều khách tham quan có thể gây hư hại nghiêm trọng. Tại Việt Nam, du lịch phát triển chưa thật sự đi đôi với bảo tồn di sản. Nhiều nơi, sản phẩm du lịch nghèo nàn, chất lượng thấp; nhiều hướng dẫn viên chưa hiểu biết thấu đáo về di sản... Hơn nữa, du lịch văn hóa chưa phát triển đồng đều giữa các khu vực, địa phương. Có khu vực đón được trên 2 triệu khách/năm như Cố đô Huế, nhưng cũng có nơi lượng khách thăm di sản chưa tới 100.000 lượt như khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ.
Khai thác song song với bảo tồnThực tế, nếu chỉ cố gắng khai thác mà không quan tâm tới bảo tồn di sản văn hóa thì chỉ trong 5 - 10 năm, các di sản này sẽ bị khai thác kiệt quệ. Do đó, khi tham gia du lịch có trách nhiệm, doanh nghiệp phải chia sẻ lợi ích, bằng cách thuê người địa phương, khuyến khích khách du lịch mua sắm sản phẩm địa phương. Doanh nghiệp cũng cần đóng góp thông qua mua vé, bởi tiền vé này sẽ được dùng để bảo tồn di sản. Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa Nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng. Nếu không có điểm tựa vững chắc từ 3 đối tượng này thì rất khó để bảo đảm du lịch phát triển bền vững và di sản văn hóa được bảo tồn lâu dài.
Ông Kai Partale, chuyên gia dự án EU cho rằng, cần thiết phải kết nối chặt chẽ giữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các nguyên tắc và hoạt động du lịch có trách nhiệm để mang lại hiệu quả và lợi ích lâu dài cho ngành du lịch. Du lịch có trách nhiệm cần nâng cao năng lực quản lý để lên kế hoạch và quản lý khối lượng khách viếng thăm cũng như thái độ và các tác động; tăng cường những tác động thực tế của doanh nghiệp lên nguồn lực di sản; giảm thiểu thương mại hóa và những yếu tố gây ra sự suy yếu và sụt giảm giá trị của nguồn lực di sản; giảm thiểu tác động tiêu cực từ các ngành kinh tế khác lên nguồn lực di sản.
Hiện nay, CLB du lịch có trách nhiệm quy tụ hơn 10 doanh nghiệp du lịch để cùng nhau tạo ra các sản phẩm du lịch có trách nhiệm, dựa trên việc nhân rộng các kỹ năng làm du lịch hướng đến cộng đồng địa phương như: Nhận thức văn hóa, quản lý kinh doanh, quản lý sự kiện, dịch vụ lưu trú, ăn uống và ngôn ngữ.
Đồng thời, các thành viên CLB du lịch có trách nhiệm hướng tuyên truyền tới khách du lịch cũng phải có trách nhiệm với di sản văn hóa, không để lại tác động tiêu cực tới điểm di sản.
Du lịch có trách nhiệm là phải đưa vấn đề bảo tồn lên hàng đầu, phải chia sẻ lợi ích công bằng, đóng góp cho di sản thông qua mua vé và có sự phối hợp công - tư - cộng đồng. Trong đó, doanh nghiệp và du khách giữ vai trò quyết định.
“Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp cơ bản nhất để phát triển du lịch trách nhiệm là phải chia sẻ lợi ích, đảm bảo sự tham gia đồng đều của các bên. Thực tế, nhiều nơi du lịch rất phát triển, nhưng cộng đồng địa phương chưa được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít. Lợi ích chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp nước ngoài hay các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chứ không phải các doanh nghiệp địa phương. Cho nên, cộng đồng, đặc biệt là các làng nghề cần được hỗ trợ để họ làm ra các sản phẩm phục vụ du lịch; hoặc có những chính sách đào tạo cho người dân địa phương làm công tác quản lý cho doanh nghiệp chứ không phải chỉ là làm thuê. Thời gian qua, đã có những doanh nghiệp du lịch liên kết với người dân bản địa tạo ra sản phẩm du lịch như: Dạy tiếng Anh cho người bản địa, hỗ trợ về môi trường, rác thải...”, bà Dương Bích Hạnh cho biết.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Du lịch có trách nhiệm sẽ là con đường đạt tới phát triển du lịch bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh chính sách hỗ trợ cho nguồn lực bảo vệ văn hóa, môi trường, cần có sự hợp tác của các doanh nghiệp du lịch, truyền thông. Đồng thời, du khách cũng cần nêu cao ý thức để “du lịch có trách nhiệm” như phản xạ có trong mỗi người”.
Thủy Mai