Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Luật Du lịch ban hành 2005 và đến nay có nhiều quy định không còn phù hợp với quá trình hội nhập. Do đó, việc sửa đổi Luật Du lịch là cần thiết và Tổng cục Du lịch đang lấy ý kiến từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương để chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung luật".
Điểm đáng lưu ý là đề xuất quản lý chặt hơn mảng du lịch nội địa. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa cũng phải ký quỹ như với kinh doanh lữ hành quốc tế. Đề xuất này được sự đồng ý cao của cả cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp lữ hành, bởi thời gian qua, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký kinh doanh lữ hành nội địa với Sở Kế hoạch đầu tư là có thể quảng cáo bán tour, thu tiền của khách nhưng khi xảy ra tranh chấp thì không tìm thấy địa chỉ và doanh nghiệp để xử lý. “Do đó, để tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp, trong Luật sửa đổi cần quy định loại hình ký quỹ hoặc mua bảo hiểm doanh nghiệp để khi xảy ra tranh chấp có cơ sở để xử lý”, ông Lưu Đức Kế, giám đốc Hanoitourist cho biết.
“Bên cạnh đó, khi đã có quy định thành lập Khu du lịch thì cũng cần có cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư. Thực tế, cùng trên địa bàn 1 tỉnh đầu tư vào Khu công nghiệp được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế nhưng đầu tư vào Khu du lịch thì không có một ưu đãi nào”, đại diện Sở VHTTDL Nam Định kiến nghị.
Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị thành lập Thanh tra chuyên ngành du lịch. Tổng cục Du lịch ban hành văn bản quy định nhưng không có đơn vị kiểm tra, giám sát nên hiệu lực không cao. Do đó, trong Luật du lịch sửa đổi cũng cần quy định thành lập riêng thanh tra chuyên ngành du lịch.
“Trung tuần tháng 12/2015, Tổng cục Du lịch và ban soạn thảo Luật du lịch sửa đổi sẽ làm việc với cơ quan chuyên môn Quốc hội để báo cáo những vấn đề cần sửa đổi phù hợp với thực tiễn. Dự kiến Luật Du lịch sửa đổi sẽ trình Quốc hội trong khóa tới vào khoảng tháng 11/2016.