Theo giới thiệu của anh hướng dẫn viên đoàn khảo sát của Tổng cục Du lịch, khám phá phố đêm Hội An sẽ đem lại cho du khách nhiều cảm nhận về nét quyến rũ, gần gũi nhưng cũng đầy mới lạ, rất riêng của nơi này.
Đã đến Hội An (Quảng Nam) vài lần nhưng chưa lần nào đi thăm khu phố cổ này về đêm, nên dù trời mưa lất phất, chúng tôi vẫn quyết định tự tìm góc nhìn mới lạ về những khu phố Cổ Hội An.
Khách Phương Tây thích dạo phố Cổ Hội An về đêm. |
Đắm mình trong ánh đèn lồng ở những tuyến phố đi bộ vắng vẻ làm chúng tôi có cảm giác đang lạc vào thế giới xa xưa. Phố đêm ở Hội An những ngày cuối tuần không một tiếng xe máy, chỉ có bước chân của du khách phương xa chiêm ngưỡng nét cổ, mộc mạc của phố Hội. Anh Văn Lập, hướng dẫn viên cho biết, đến Hội An về đêm, du khách được sống với nét cổ, với không gian hoài niệm ở đây. Họ đến để tìm cảm giác bình yên trước những sự ồn ào của đô thị và cao ốc nơi họ đang sống, làm việc.
Người Hội An rất biết làm du lịch, họ sáng tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo từ việc kết hợp tiềm năng của họ. Đó là vào đêm 14 Âm lịch hàng tháng, cả phố Hội càng thêm quyến rũ bởi ánh sáng nhẹ nhàng tỏa ra từ những chiếc đèn lồng
Những đêm đó, phố cổ không có ánh đèn điện… Chính vì thế, nét đặc sắc này đã được truyền tai nhau và những người “hoài niệm” muốn tìm sự yên ả, yêu nét rêu phong thường chọn đêm 14 Âm lịch để đến phố Hội. Suốt 8 năm nay, cứ đến đêm này, phố cổ không có ánh đèn điện, thay vào đó là những chiếc đèn lồng truyền thống được thắp nến lung linh. Không gian của những thế kỷ trước như tràn về trên những mái cổ rêu phong.
Một Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất trong suốt hai thế kỷ 17 và 18. Chị Hồ Liên, chuyên viên của Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) tâm sự: Chị rất thích đi giữa Hội An trong đêm đèn lồng, có vậy mới thưởng lãm hết vẻ đẹp của phố cổ. Những mái nhà rêu phong, những con đường uốn lượn huyền ảo dưới ánh trăng. Đèn lồng lung linh tái hiện lại không gian thế kỷ 17-18 của phố Hội làm xao xuyến lòng người. Khi không có điện, những đô thị hiện đại trở nên ngột ngạt nhưng ở Hội An, đêm không ánh đèn điện thật nên thơ.
Dạo quanh phố cổ về đêm, khách thưởng ngoạn về trầm mặc, bình yên đến kỳ lạ của phố Hội, ngắm những mái nhà xưa cũ, chùa Cầu, những kiến trúc tôn giáo của những cư dân đầu tiên ở phố cổ vẫn còn được giữ nguyên vẹn đến ngày nay… Nếu có thời gian, du khách có thể vào thăm những ngôi nhà cổ để được những người dân hiếu khách nơi đây nói rõ về lễ phép gia phong, kiến trúc của ngôi nhà và nhất là kể về cuộc sống chung với lũ mấy năm qua và phương án kê kích đồ đạc cũng như việc tuân thủ nghiêm ngặt tại đây là các công trình duy tu, sửa chữa trong khuôn viên phố cổ đều phải giữ được nguyên kiến trúc của nhiều thế kỷ trước, từ màu sơn, mái ngói đến bố trí không gian bên trong… Đó là lý do tại sao Hội An vẫn giữ được “hồn” phố cổ trước làn sóng kiến trúc hiện đại đang đổ vào Việt Nam.
Đi giữa phố Hội An về đêm, điểm đến của cuối hành trình thường là Chùa Cầu. Đây là một kiến trúc đặc trưng và trở thành biểu tượng của Hội An. Chùa Cầu còn gọi là Lai Viễn Kiều theo tên gọi mà chúa Nguyễn Phúc Chu tặng, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17. Ban đầu, cây cầu này được người Nhật xây dựng.
nhiều lần trùng tu và sửa chữa, cây cầu mang dáng dấp như ngày nay, mất dần phong cách Nhật, thay vào đó là phong cách Việt Nam xưa. Cầu dài 18 m, chân xây bằng gạch, gỗ được chạm trổ rất công phu trên phần thân cầu, mái lợp ngói. Đứng bên ngoài nhìn vào, cầu có dáng dấp của một ngôi nhà cổ. Bên trong thờ vị thần bảo hộ xứ sở tạc bằng gỗ. Hiện nay, Chùa Cầu vẫn là nơi chiêm bái của cư dân phố cổ và khách đến từ phương xa.
Chùa Cầu hấp dẫn du khách về đêm bởi từ đây, du khách sẽ nhìn xuôi dòng sông được treo nhiều ngọn đèn lung linh huyền ảo, kết hợp với ánh đèn lồng từ các dãy nhà dọc phố tạo thành dòng sông ánh sáng kỳ ảo và nên thơ.
Xuân Cường