Trong bối cảnh hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được xác định là một trong những thế mạnh cần được khai thác hiệu quả, bài bản hơn để du lịch Đông Nam bộ nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững.
Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua hai bài viết với chủ đề: Điểm đến sinh thái - thế mạnh phục hồi du lịch Đông Nam bộ sau dịch COVID-19.
Bài 1: Nhiều lợi thế cạnh tranh
Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã chỉ rõ: Đông Nam bộ là một trong bảy vùng có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch cả nước và sản phẩm đặc trưng của vùng du lịch Đông Nam bộ là: du lịch sinh thái rừng, sinh thái biển-đảo, hệ sinh thái đất đỏ miền Đông với các giá trị văn hóa-lịch sử.
Sản phẩm nổi trội
Khái quát về tiềm năng du lịch sinh thái ở Đông Nam bộ, nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu lĩnh vực du lịch lý giải: Vùng Đông Nam bộ nằm trên vùng đồng bằng và bình nguyên rộng, chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung bộ đến Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng có khí hậu cận xích đạo với nền nhiệt độ cao và hầu như ít thay đổi trong năm, các diễn biến thất thường về khí hậu quanh năm rất nhỏ, ít có thiên tai, không quá lạnh; là khu vực có các sông lớn và dài với mật độ phân bố tương đối thấp 0,5km/km2, có nhiều hồ lớn và hệ sinh thái rừng đa dạng thuận lợi cho phát triển du lịch.
Đề cập về tài nguyên du lịch sinh thái gắn với biển đảo, sông hồ, núi rừng, theo Tiến sỹ Vũ Thịnh Trường và Thạc sỹ Nguyễn Hoài Nhân (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai): Vùng Đông Nam bộ có chiều dài bờ biển gần 180 km với thềm lục địa rộng trên 100.000 km2 có các bãi biển đẹp, nước trong tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu; hệ sinh thái đất ngập tại Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh); tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn như: Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, hệ thống các vườn quốc gia như Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước), Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát (Tây Ninh). Nhiều địa phương vùng Đông Nam bộ cũng sở hữu tài nguyên du lịch gắn liền với cảnh quan núi có ý nghĩa đối với phát triển du lịch như: Núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Bà Rá (Bình Phước), núi Chứa Chan (Đồng Nai); tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với cảnh quan, hệ sinh thái sông, hồ như: sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An (Đồng Nai), hồ Thác Mơ (Bình Phước).
Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm du lịch lớn của cả nước, bên cạnh thế mạnh về sản phẩm du lịch mua sắm, tham quan di tích lịch sử - văn hóa, du lịch ẩm thực, thành phố còn là một trong những địa phương có thế mạnh về du lịch sinh thái, tập trung ở các huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ. Theo các chuyên gia và đại diện một số công ty lữ hành, các điểm đến du lịch sinh thái trong đó tập trung ở các huyện ngoại thành chính là một trong những thế mạnh tăng thêm sức cạnh tranh cho du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ đối với các địa phương trong nước mà cả một số đô thị, trung tâm du lịch lớn ở khu vực ASEAN và thế giới.
Đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, nhiều điểm đến du lịch sinh thái trên địa bàn thành phố đã được các doanh nghiệp dịch vụ du lịch đưa vào khai thác rất hiệu quả. Dịp cuối năm 2020 cũng như trong những tháng đầu năm 2021, chương trình kích cầu du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào khai thác các sản phẩm du lịch tại chỗ với ưu điểm nổi bật là an toàn dịch bệnh, cự ly gần, giá cả hợp lý; trong đó, các điểm đến du lịch sinh thái như Nông trang Xanh Củ Chi (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), Khu du lịch sinh thái Vàm Sát (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ)… thường xuyên hiện diện trong các chương trình tour 1 ngày theo dòng Sài Gòn-du ngoạn bằng buýt đường sông.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, chỉ cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 20km, Bình Dương cũng có rất nhiều nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, bao gồm: hồ Dầu Tiếng, hồ Đá Bàn, hồ Cần Nôm cùng với hệ thống các sông ngòi, kênh rạch, tạo ra những cảnh quan sông nước hữu tình; những vườn cây ăn trái xanh tốt, các làng nghề truyền thống đặc trưng. Bình Dương đã và đang xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch thông qua các sản phẩm du lịch cụ thể như: thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình qua phương tiện buýt sông, đến thăm vườn cây ăn trái Lái Thiêu (thành phố Thuận An), vườn bưởi Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên) hay những vườn cây trái tại thị xã Bến Cát và huyện Dầu Tiếng.
Phù hợp nhiều phân khúc du khách
Một trong những ưu thế của du lịch sinh thái tại khu vực Đông Nam bộ là sản phẩm đa dạng từ du lịch sinh thái gắn với biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu hay huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh); gắn với hệ thống sông, hồ ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh. Với sự đa dạng này, sản phẩm du lịch sinh thái ở Đông Nam bộ có thể đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều phân khúc du khách tùy thuộc sở thích, thời gian và cả mức chi tiêu cho mỗi chuyến du lịch.
Theo ông Trịnh Hàng-Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu: Hiện nay, nhiều sản phẩm du lịch ở tỉnh, trong đó nổi bật là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều dòng du khách từ các doanh nhân, chuyên gia đến công tác làm việc kết hợp nghỉ dưỡng hoặc các du khách là người lao động đi theo đoàn của công ty, nhóm nghỉ bạn bè, gia đình vào dịp cuối tuần. Trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều dự án du lịch chất lượng cao đã dần được hình thành và bước vào vận hành, hoạt động kinh doanh hiệu quả như: Khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro, Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí phức hợp Hồ Tràm (The Grand Hồ Tràm Strip), Khu du lịch suối khoáng Bình Châu.
Cùng quan tâm việc phát triển du lịch sinh thái đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách, bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện các điểm đến của du lịch Đồng Nai từng bước được đầu tư cải tạo chất lượng dịch vụ; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được củng cố, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của các du khách trong và ngoài tỉnh, các chuyên gia sinh sống và làm việc tại Đồng Nai. Bên cạnh đó, tại thành phố Long Khánh, mô hình du lịch vườn trái cây phát triển mạnh, phù hợp với du khách chọn chuyến du lịch ngắn, vui chơi, tham quan kết hợp mua sắm nông sản, thu hút khoảng 4.000 - 5.000 du khách/ngày vào dịp cuối tuần trong mùa trái cây, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao giá trị nông sản cho người dân địa phương. Còn với những du khách yêu thích loại hình du lịch sinh thái khám phá, tìm hiểu rừng nhiệt đới, hệ động thực vật đa dạng, tại Đồng Nai có các điểm đến như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, rừng phòng hộ Xuân Lộc, Long Thành. (Còn nữa)