Tạo dựng sản phẩm mới
Theo các doanh nghiệp du lịch Hà Nội, từ trước đến nay, nhắc đến du lịch tỉnh Điện Biên, người ta sẽ nghĩ ngay đến Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ và Lễ hội hoa Ban. Đây là hai sản phẩm du lịch đặc trưng tạo thành thương hiệu của du lịch Điện Biên mà các du khách đều mong muốn tìm hiểu và trải nghiệm.
Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gồm 45 di tích thành phần. Đây là một không gian lịch sử và cũng là sản phẩm du lịch nổi bật, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhắc nhở người Việt Nam về ký ức hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cho địa phương.
Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên bao gồm các di tích nổi bật như: Đồi A1, đồi Ðộc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hay hầm Đờ Cát), Tượng đài chiến thắng, Tượng đài kéo pháo, Sở chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ... Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 20km là Sở chỉ huy chiến dịch nằm sâu trong khu rừng Mường Phăng. Đây là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 31/1 đến 15/5/1954. Trong những ngày ở đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, mang tính lịch sử. Rừng Mường Phăng đã trở thành biểu tượng sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam và được người dân gọi là “Rừng Đại tướng”.
Trong nhiều năm qua, quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ luôn được tỉnh Điện Biên quan tâm giữ gìn và bảo vệ, đồng thời phát triển thành điểm nhấn trong hành trình tham quan của du khách. Bà Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên cho biết: Lượng khách du lịch tham quan quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng tăng theo từng năm. Rất nhiều điểm di tích tiêu biểu tại đây đã được đầu tư tôn tạo, phục dựng, gắn với việc phát huy, khai thác giá trị du lịch, góp phần thu hút du khách. Tỉnh Điện Biên cũng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di tích.
Bên cạnh các tuyến tham quan truyền thống, mới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Điện Biên phối hợp với CLB lữ hành Unesco Hà Nội đã tổ chức khảo sát và đặt đỉnh chóp ghi dấu Đài quan sát trên đỉnh Pu Tó Cọ, nơi ghi dấu sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến để quan sát thung lũng Mường Thanh trước khi phát lệnh Tổng tiến công chiến dịch Điện Biên Phủ và toàn thắng vào ngày 7/5/1954.
Hành trình đến với đỉnh Pu Tó Cọ bắt đầu từ bản Khá, xã Mường Phăng (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) với quãng đường hơn 4km theo lối mòn của người dân trong vùng. Từ đỉnh Pu Tó Cọ, vào hôm trời trong xanh có thể nhìn về lòng chảo Điện Biên Phủ, ngắm toàn cảnh hồ Pá Khoang và lòng chảo Mường Thanh.
Bà Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên cho biết: Do địa điểm xa, nên điểm di tích này vẫn ít người biết đến. Đơn vị cũng vài lần tổ chức cho cán bộ của Ban lên khảo sát với mục đích để mọi người hiểu hơn về các điểm di tích đang quản lý. Việc tổ chức đoàn khảo sát đặt biểu tượng hình chóp đánh dấu độ cao đỉnh núi và vị trí đặt Đài quan sát chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ tạo thành một điểm check in và thu hút khách ưa khám phá trong thời gian tới.
Từ góc độ doanh nghiệp du lịch, ông ông Nguyễn Văn Hân, đại diện Công ty Lữ hành Vietsky Travel chia sẻ: Hành trình chinh phục đỉnh Pu Tó Cọ sẽ tạo dựng sản phẩm du lịch mới để kéo dài thời gian lưu trú của khách. Đây là một điểm tham quan văn hóa lịch sử mà bất cứ ai đến Điện Biên cũng nên dành thời gian để chinh phục, nhất là nhóm khách học sinh sinh viên, nhóm khách ưa thích tìm hiểu văn hóa lịch sử.
Theo góp ý của doanh nghiệp lữ hành Hà Nội tham gia đoàn khảo sát, đây là điểm đến phù hợp với loại hình trekking để hiểu hơn về một điểm di tích đóng góp phần quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, để thành điểm du lịch thì trước hết tuyến đường lên đỉnh Pu Tó Cọ cần sớm lắp biển báo chỉ đường vì có nhiều lối mòn; đồng thời đặt điểm thu gom rác kết hợp với các dịch du lịch cộng đồng.
Khơi dậy tiềm năng du lịch mới
Ông Phạm Văn Thăng, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Điện Biên) chia sẻ: Đầu năm 2021, khi chưa bị ảnh hưởng của dịch, tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các Câu lạc bộ, Hiệp hội du lịch Hà Nội tổ chức các đoàn famtrip để khảo sát, giới thiệu các sản phẩm du lịch mới. Các điểm đến mới mà tỉnh hướng đến là cung đường đến huyện Tủa Chùa, cột mốc số 0 ngã ba biên giới nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc tại huyện Mường Nhé… Cùng với những tuyến điểm mới, tỉnh Điện Biên sẽ kết hợp khai thác giá trị lịch sử, phát triển thành sản phẩm du lịch trải nghiệm hấp dẫn. Đối với du lịch văn hóa, tỉnh chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với các lễ hội, nghề truyền thống, ẩm thực, phong tục tập quán. Đồng thời, các địa phương khai thác những giá trị văn hóa đa dạng và phong phú của các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Hà Nhì, Lào...; xây dựng những sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo, hấp dẫn.
Ông Lương Duy Doanh, Trưởng ban Truyền thông Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội cho biết: Cung đường Tây Bắc dường như đã quá quen thuộc với các công ty lữ hành, các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước nên cần tạo điểm mới để tiếp tục thu hút khách, nhất là du lịch trải nghiệm. Mới đây hãng Bamboo Airways mở đường bay thẳng Hà Nội - Điện Biên bằng máy bay phản lực Embraer 190, sẽ là cơ hội lớn để thu hút khách tới Điện Biên.
“Không chỉ là liên kết liên tỉnh, với cung đường đến Điện Biên, chúng tôi từng khảo sát liên kết tuyến điểm du lịch với Lào. Từ măm 2018, chúng tôi khảo sát tuyến đường kết nối đi từ Hà Nội lên Điện Biên, qua cửa khẩu Tây Trang đi theo vòng cung Đông Bắc Lào rồi về qua cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An). Sau chuyến khảo sát, có một số doanh nghiệp triển khai tour caraval theo vòng cung này, nhưng chương trình này hấp dẫn với khách nước ngoài đi dài ngày ưa trải nghiệm khám phá. Việc khảo sát cung điểm mới của CLB lữ hành Unesco và Sở VHTTDL Điện Biên là cơ sở để doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm kết nối tour khi dịch COVID-19 được khống chế”, ông Lương Duy Doanh cho biết.
Còn theo ông Bùi Anh Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Điện Biên, một số doanh nghiệp du lịch của tỉnh kết hợp với doanh nghiệp Hà Nội đang tích cực nghiên cứu, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác lợi thế về tài nguyên du lịch, như: Sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch khám phá, trải nghiệm... nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ du khách sau khi khống chế được dịch.
Mới đây, Bộ GTVT cũng đã có chỉ đạo đẩy nhanh dự án nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Điện Biên.
Dự án dự kiến sẽ khởi công vào tháng 12/2021, hoàn thành vào tháng 10/2023.
Cảng hàng không Điện Biên là cảng hàng không nội địa cấp 3C. Kết cấu hạ tầng chính gồm: một đường cất/hạ cánh kích thước 1.830x30m được đưa vào sử dụng từ năm 1994. Các hệ thống trang thiết bị sân bay cũng khá đơn giản gồm: sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ; nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm. Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất/hạ cánh (vướng núi) nên hiện tại cảng hàng không Điện Biên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày trong điều kiện thời tiết cho phép.
Theo nội dung dự án, sẽ đầu tư mới công trình khu bay đáp ứng khai thác máy bay A320, A321 và tương đương tại cảng hàng không Điện Biên . Đồng thời, cải tạo nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 500.000 hành khách/năm cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.547 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm.
Dự kiến, khi đi vào hoạt động, đây sẽ là một động lực mới cho việc phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên.