Khôi phục du lịch nội địa
Để đón đầu cho trạng thái bình thường mới, chiều 28/9, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) đã tổ chức lễ phát động trực tuyến chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19".
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch VITA cho hay: "Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua. Doanh nghiệp du lịch đã vô cùng khó khăn để tồn tại và khác với 3 lần dịch trước là dịch ổn rồi mới hoạt động. Nay khôi phục hoạt động du lịch song hành với phòng chống dịch trong điều kiện an toàn”.
Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư này, có thời điểm gần như toàn bộ ngành du lịch ngừng hoạt động, hơn 2 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp phải nghỉ việc, toàn ngành vẫn tin tưởng sẽ vượt qua những khó khăn chưa từng gặp để vươn lên, khôi phục lại ngành kinh tế đang được cả xã hội kỳ vọng.
“Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư cũng xuất hiện khái niệm “Du lịch an toàn” với nội hàm hoàn toàn mới. Yếu tố an toàn đã trở thành một yêu cầu, một nội dung bắt buộc trong mọi hoạt động du lịch. Trong bối cảnh đại dịch vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ xã hội, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các nguyên tắc phòng chống dịch là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát COVID-19, thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, VITA cùng các thành viên của mình và các cơ quan chức năng triển khai “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19”, ông Vũ Thế Bình chia sẻ.
Chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu khôi phục lại du lịch Việt Nam, trước tiên là khôi phục du lịch nội địa, trên cơ sở phù hợp một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến thực tế của dịch bệnh, từng bước chuyển du lịch theo khái niệm mới - du lịch an toàn, tiến tới khôi phục du lịch trong bối cảnh sống chung với COVID-19.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá: Việc phát động chương trình khôi phục hoạt động du lịch cho thấy sự nhạy bén của doanh nghiệp trong hiệp hội. Dù nguồn lực kiệt quệ qua gần 2 năm chống dịch COVID-19 và gần như “chạm đáy”, nhưng doanh nghiệp du lịch tiếp tục đồng hành cùng ngành. Tổng cục mới ban hành kế hoạch triển khai các chính sách hoạt động du lịch an toàn, các cơ quan quản lý về du lịch địa phương và các doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, để sẵn sàng bước vào giai đoạn mới.
Chọn doanh nghiệp có năng lực thí điểm
Về tiêu chí an toàn khi tham gia chương trình phục hồi du lịch, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: Tiêu chí an toàn tuân theo các quy định và hướng dẫn của ngành Y tế.
Cụ thể, với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”, ông Thắng cho hay: Mục tiêu của chương trình là chuyển các hoạt động du lịch sang trạng thái bình thường mới, xây dựng du lịch thành một ngành kinh tế du lịch an toàn. Đồng thời tổ chức các hoạt động du lịch một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế phòng chống dịch.
Tiếp theo là kết nối khách du lịch đi từ vùng xanh (an toàn) với các điểm du lịch xanh (an toàn) trên cơ sở xác định vùng xanh của cơ quan quản lý y tế, cơ quan quản lý có thẩm quyền ở địa phương và ranh giới vùng xanh ở phạm vi chia càng nhỏ, càng có tính thích ứng cao trong bối cảnh bình thường mới.Bên cạnh đó là xây dựng các tiêu chí an toàn cho hoạt động của các doanh nghiệp du lịch nhằm nhanh chóng khôi phục hoạt động du lịch, trước mắt là du lịch nội địa, đồng thời đáp ứng yêu cầu dễ dàng, thuận lợi trong việc áp dụng vào thực tế và tạo điều kiện đánh giá mức độ an toàn của du lịch Việt Nam.
Chương trình xây dựng tiêu chí an toàn ở các vị trí làm việc trong chuỗi dịch vụ du lịch cung cấp cho khách nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch phù hợp.
Ông Lê Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết: Tỉnh đã có kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch nội tỉnh và kết nối vùng du lịch xanh liên tỉnh. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự thống nhất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, không để tình trạng mỗi tỉnh một tiêu chí.
Còn bà Vũ Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh mong muốn khôi phục lại hoạt động du lịch. Theo đó nguồn nhân lực du lịch đã được tiêm phòng vaccine và dự kiến cho chương trình phát động du lịch vào 7/10.
Về các việc cần làm để chuẩn bị mở hoạt động du lịch trở lại, ông Vũ Thế Bình hướng dẫn các hiệp hội du lịch địa phương cần làm việc với sở du lịch để xem xét lại bộ tiêu chí du lịch an toàn của địa phương, làm sao để vừa đảm bảo an toàn vừa cởi mở, dễ thực hiện. Một số địa phương vừa qua đưa ra bộ tiêu chí du lịch an toàn rất khó thực hiện được trong thực tế. Trước mắt, chương trình khôi phục du lịch nội địa chỉ nên chọn một số doanh nghiệp du lịch đủ năng lực và triển khai trước ở một số địa phương sẵn sàng và mong muốn được mở cửa hoạt động du lịch, bởi hiện còn nhiều địa phương chưa muốn đón khách.
“Do đó, chương trình khôi phục này sẽ làm thí điểm trong tháng 10, làm cơ sở xây dựng tiêu chí sát với thực tế trong đón khách nội địa và quốc tế”, ông Vũ Thế Bình nhận xét.
Còn ông Phùng Quang Thắng cho biết, đã có khách đăng ký tham gia chương trình, đăng ký tour, với giá không hề rẻ do phải đáp ứng tiêu chí phòng dịch an toàn. Lần này, du lịch sẽ không theo số đông và tiêu chí an toàn cao hơn.