Lượng khách sụt giảm mạnh
Theo ghi nhận tại nhiều điểm đến, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian công bố được mở cửa trở lại các điểm vui chơi, du lịch, điểm di tích gần sát với dịp nghỉ 30/4-1/5, nên du khách chỉ lác đác, chủ yếu là khách tự đi và khách nội vùng.
Được phản ánh đông khách nhất năm nay là Đà Lạt (Lâm Đồng). Theo ghi nhận của chính quyền địa phương, khách di chuyển từ TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt chủ yếu bằng phương tiện cá nhân. Lượng ô tô 4 và 7 chỗ, xe máy lên Đà Lạt đông nên một số nút giao thông trọng điểm nơi đây đã xảy ra tình trạng ùn ứ.
Tuy vậy, theo đánh giá của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Lâm Đồng, lượng khách lên Đà Lạt kỳ nghỉ lễ dịp 30/4 -15 giảm mạnh, chỉ đạt gần 25.000 lượt khách, giảm 86% so cùng kỳ. Sở VHTT&DL Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt yêu cầu khách lưu trú tại khách sạn, cơ sở lưu trú phải chấp hành đúng việc khai báo y tế, đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập quá 30 người. Tuy nhiên, lượng khách chấp hành chưa nghiêm về đeo khẩu trang và tụ tập đông người.
Điểm du lịch được ghi nhận đông tiếp theo là bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) do địa phương cho phép người dân tắm biển.
Theo quy định, thành phố Sầm Sơn cho phép khách tắm biển, nhưng yêu cầu đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, như đứng cách nhau ít nhất 1m, không tập trung tại 1 điểm quá 20 người. Theo đại diện phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Sầm Sơn, đến 80% lượng khách đổ về bãi biển Sầm Sơn là khách nội tỉnh. Khách ngoại tỉnh chủ yếu từ Hà Nội nhưng không nhiều. Do đó, công suất phòng chưa đạt 50% so với dự kiến. Lượng khách tắm biển đông vào buổi chiều cũng chưa tuân thủ nghiêm về quy định phòng dịch.
Còn tại nhiều địa điểm du lịch khác, lượng khách đến tham quan nhưng không như các năm trước. Trong dịp 30/4-1/5, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện quy định cấm tắm biển nên một số địa điểm du lịch như đường lên ngọn Hải Đăng, khu vực tượng Chúa Giang tay… khá đông khách. Còn tại Bãi Sau, Bãi Trước, Bãi Dâu… lượng khách chủ yếu là nhóm nhỏ.
Cũng duy trì lệnh cấm tắm biển, lượng khách về Nha Trang (Khánh Hòa) giảm sút hẳn so với mọi năm. Dọc tuyến đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, các con đường ở khu phố Tây như: Hùng Vương, Biệt Thự, Nguyễn Thiện Thuật… khách sạn đã mở cửa nhưng gần nhưng lượng đặt phòng chỉ khoảng 10-20%. Theo báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa, ước tính tháng 4, toàn tỉnh đón khoảng 1.000 khách du lịch, bằng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 700 khách nội địa và 300 lượt khách quốc tế (đến Nha Trang từ cuối tháng 3).
Còn tại Quảng Ninh, ngày 1/5, UBND tỉnh mới cho phép hoạt động tham quan trên vịnh Hạ Long và một số điểm du lịch nổi tiếng. Theo đó, các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch bệnh COVID-19 duy trì việc kiểm tra thân nhiệt toàn bộ hành khách đến địa bàn tỉnh...
Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, do thời gian thông báo gấp nên kỳ nghỉ này đa phần các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại các khu du lịch như: Bãi Cháy (Hạ Long), Trà Cổ (Móng Cái) và Minh Châu, Quan Lạn (Vân Đồn), các chủ nhà hàng, khách sạn chỉ huy động nhân viên chuẩn bị dọn dẹp phòng, nhà ăn, nhà bếp, tổng vệ sinh môi trường để đón khách cho dịp hè tới.
Còn theo đại diện phòng Văn hóa - Thông tin Sa Pa (Lào Cai), trong dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5, lượng khách đến Sa Pa đạt 12.800 khách, chỉ bằng 15,5% so với kỳ nghỉ năm trước.
Trong dịp này, đa phần lượng khách đến các điểm du lịch là tự đi theo hình thức gia đình hoặc nhóm bạn với cự ly di chuyển dưới 200 km. Khách đi theo tour do công ty tổ chức gần như không có.
Sẽ thúc đẩy du lịch nội địa
Bà Phạm Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch CLB du lịch Thủ đô cho biết: Dù mới bỏ cách ly toàn xã hội và nhiều địa phương công bố mở cửa trở lại sát dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng một số điểm vẫn có khách du lịch cho thấy nhu cầu đi du lịch của người Việt Nam rất lớn.
Các doanh nghiệp du lịch Thủ đô cũng đã họp bàn và liên kết với nhau để có sản phẩm du lịch nội địa, trong đó tập trung các tour ngắn nội địa để khởi động thị trường. Hiện, nhóm liên kết đang xây dựng sản phẩm du lịch dịp hè Hà Nội - Quảng Ninh - Cô Tô. Từ sản phẩm này, nhóm liên kết sẽ triển khai bán các sản phẩm du lịch nội địa khác.
Trong khi đó, Sa Pa (Lào Cai) đang trở thành địa phương đầu tiên tung ra chương trình kích cầu du lịch quy mô lớn tại phía Bắc khi các khách sạn, homestay, xe du lịch giảm giá dịch vụ từ 30 - 50%. Chương trình kích hoạt dịp 30/4 đã thu hút 27 khách sạn, homestay, 2 hãng xe, một số nhà hàng và khu du lịch...
Còn Sở Du lịch Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch sau dịch COVID-19. Theo đó, ngành du lịch xác định sẽ tập trung thu hút khách nội địa, sau đó mới đến các thị trường quốc tế trọng điểm. Theo thống kê, quý I/2020, tỉnh Khánh Hòa chỉ đón được khoảng 644.000 lượt khách, bằng 41,4% so với cùng kỳ năm 2019. Với việc giảm mạnh lượt khách đến trong quý I, ngành du lịch bị thiệt hại khoảng 5.400 tỷ đồng.
Trong mùa hè năm nay, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa sẽ tập trung triển khai các giải pháp thu hút khách trong nước, đặc biệt là khách từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Sở Du lịch Khánh Hòa đặt mục tiêu đón 300.000 khách nội địa trong quý II.
Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp bàn về việc triển khai gói kích cầu du lịch và chương trình xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và quốc tế. Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình kích cầu do hiệp hội phối hợp với Sở Du lịch Khánh Hòa để triển khai.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng cho rằng: Theo quy luật từ sau dịch SARS năm 2003 thì du lịch phục hồi nhanh là mảng nội địa. Do đó, ngành du lịch Thủ đô cũng đã xây dựng kịch bản phục hồi du lịch nội địa nhưng phải căn cứ vào thực tế diễn biến phòng chống dịch COVID-19 của địa phương.
Theo bà Cao Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, Hiệp hội sẽ phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa trong tình hình mới vào khoảng trung tuần tháng 5. Theo đó, Ban thường trực Liên minh kích cầu du lịch đang hoàn thiện việc xây dựng một số chương trình du lịch kích cầu du lịch nội địa đáp ứng những yêu cầu, tiêu chí phòng, chống dịch trong tình hình mới. Hiện một số địa phương cũng đang xây dựng và sẽ công bố tiêu chí điểm đến, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống... an toàn trong mùa dịch và liên kết các địa phương lân cận đón khách.
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 được đánh giá có tính thăm dò thị trường du lịch nội địa nhưng kết quả cho thấy rất khả quan. Tuy nhiên, để phòng dịch, các địa phương và doanh nghiệp du lịch nâng cao việc tuyên truyền, kỹ năng phòng dịch.