Đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lượng khách tăng cao đột biến đã chứng minh thành phố Đà Lạt luôn là một điểm đến hấp dẫn nhất cả nước.
Lượng khách tăng đột biến
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua có thể là kỳ nghỉ đặc biệt nhất đối với ngành du lịch Đà Lạt, bởi ngay từ trước Tết, lượng du khách đến Đà Lạt nghỉ dưỡng vẫn rất nhộn nhịp. Trong đó, cao điểm từ 31/1 đến ngày 6/2/2022, dù trường khách du lịch quốc tế chưa mở cửa bình thường trở lại, ngành du lịch thành phố đã đón hơn 300.000 lượt khách chỉ trong một tuần nghỉ Tết. Suốt trong tháng 2/2022, du lịch Đà Lạt cũng chưa hề giảm nhiệt, luôn nhộn nhịp du khách, nhất là thời điểm các ngày cuối tuần.
Du khách Vũ Thị Thủy (ngụ tỉnh Đồng Nai) cho biết, chị đã đi Đà Lạt nhiều lần nhưng lần này có con nhỏ nên cả gia đình quyết định đi tham quan, nghỉ dưỡng để tận hưởng thời tiết mát mẻ của Đà Lạt. "Thành phố này còn rất nhiều tiềm năng, tôi cũng như mọi người đều rất thích đến Đà Lạt, nhất là sau một thời gian dài giãn cách không được đi đâu" - chị Thủy cho hay.
Khu du lịch TTC World - Thung lũng tình yêu là một trong các điểm du lịch truyền thống của Đà Lạt. Khác với thời điểm cuối năm 2021 chỉ vài trăm lượt khách mỗi ngày, những ngày này khu du lịch luôn nhộn nhịp khách ra vào, đặc biệt dịp cuối tuần đạt 2.000 – 3.000 lượt khách/ngày. Thống kê cho thấy, trong tháng 2 (tháng du lịch Tết Nguyên đán) vừa qua, Thung lũng tình yêu đón hơn 50 ngàn lượt khách, đạt doanh thu gần 12 tỷ đồng. Một con số "biết nói" sau chuỗi ngày tạm đóng cửa vì dịch bệnh của năm 2021.
Theo ông Nguyễn Võ Kim Khôi, Giám đốc Khu du lịch TTC World - Thung lũng tình yêu, dịch bệnh đã điều chỉnh xu thế tiêu dùng của khách du lịch, họ chọn những tour hoặc sản phẩm du lịch an toàn, chăm sóc sức khỏe và hướng về thiên nhiên, hạn chế tiếp xúc. Nắm bắt theo xu hướng này, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố cũng phải thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của du khách. "Một trong những sản phẩm chúng tôi hướng theo thị trường là xu thế trọn gói. Tức là từng nhóm khách khách hàng như gia đình, nhóm bạn bè chỉ cần đến với một điểm đến nhưng có thể cung ứng nhiều dịch vụ khác nhau như lưu trú, tham quan, ăn uống, vui chơi giải trí" - ông Khôi cho hay.
Phát triển sản phẩm du lịch mới
Ngay thời điểm bước sang năm mới 2022, ngành du lịch Đà Lạt đã đón nhận tin vui, khi thành phố Đà Lạt được nhận giải thưởng "Thành phố du lịch sạch ASEAN 2022". Đây là danh hiệu giúp cho ngành du lịch thành phố có thêm sức hút để đón du khách quốc tế, đặc biệt các nước ASEAN với tiềm năng vô cùng lớn.
Theo UBND thành phố Đà Lạt, trước mắt, thành phố sẽ tập trung phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ngành chuyên môn, đơn vị liên quan triển khai kịp thời các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành địa phương; tăng cường quản lý nhà nước đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch; hỗ trợ bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch phù hợp trên địa bàn thu hút khách; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Trong mục tiêu phục hồi ngành du lịch trong năm 2022, Lâm Đồng phấn đấu trở thành điểm đến "An toàn, tiềm năng và khác biệt" và đạt 5 triệu khách lưu trú, 150.000 lượt khách quốc tế. Để đạt mục tiêu này, tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình hành động với nhiều giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch mới, phù hợp với tình hình hiện nay.
Song song đó, Lâm Đồng tăng cường tuyên truyền, xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch bằng các chương trình cụ thể như chương trình "Tuần lễ vàng du lịch năm 2022 Đà Lạt – thiên đường nghỉ dưỡng"; triển khai xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh trong lĩnh vực du lịch; phối hợp tổ chức quảng bá chương trình kích cầu du lịch…
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, trong năm 2022, ngành du lịch sẽ xây dựng mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe bởi đây là một sản phẩm theo khảo sát mà khách du lịch rất quan tâm, trong khi Đà Lạt lại có nhiều tiềm năng phát triển. Đồng thời dựa trên lợi thế về văn hóa của địa phương, ngành có chương trình cụ thể để xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo. "Trải qua thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã khiến nhân lực của ngành du lịch phải chuyển đổi ngành nghề nên chúng tôi cũng cần tăng cường công tác đào tạo, nâng cấp, duy trì chất lượng cơ sở vật chất và dịch vụ đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách" – bà Ngọc cho biết.