Buổi sáng ở bãi biển Mỹ An, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Anh Tiếu
|
Nhờ đó từ đầu năm đến nay tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đạt gần 4.350.000 lượt, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2014 (đạt 98,1% so với kế hoạch); trong đó lần đầu tiên khách quốc tế đạt trên 1,1 triệu lượt, tăng 30,4% so với cùng kỳ 2014 (đạt 97,2% so với kế hoạch năm), khách nội địa tăng 21,1% so với cùng kỳ năm (đạt 98,5% so với kế hoạch). Tổng thu nhập từ hoạt động du lịch đạt gần 12 nghìn tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ 2014 (đạt 100% so với kế hoạch).
Đà Nẵng cũng đã quyết định tập trung đầu tư để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020, tạo cơ sở cho việc khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế du lịch để tạo bước đột phá đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.
Đề án đặt ra mục tiêu tập trung phát triển du lịch biển cao cấp, mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung phát triển chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp, hình thành các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao, ưu tiên phát triển theo 3 nhóm sản phẩm chính, gồm sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; sản phẩm du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE) và sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái làng quê, làng nghề. Theo đề án, Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 đón được 8 triệu khách, trong đó có 2 triệu khách quốc tế và 6 triệu khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 12,6%.
Để đạt được những kết quả trên, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, UBND các quận, huyện, Công an, Hải quan, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công thương, Sở Thông tin Truyền thông, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng, Công ty Cổ phần vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng, Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng, Ban Quản lý các chợ... một số trung tâm thương mại, siêu thị lớn và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố đã triển khai tuyên truyền và tổ chức thực hiện Bộ Quy tắc đến toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên tại đơn vị, tăng cường tuyên truyền phổ biến đến người dân.
Hình thức tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như văn bản phổ biến, tờ rơi, cổ động trực quan băng rôn, áp phích, tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh, truyền thanh địa phương, báo chí; đăng nội dung, tin bài về Bộ Quy tắc trên truyền hình, các trang báo, mạng xã hội, phát động phong trào thi đua, lồng ghép trong các cuộc họp tổ dân phố, tổ chức tập huấn văn minh thương mại, triển khai tuyên truyền và tổ chức thực hiện tại các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hệ thống các chợ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và các dịch vụ phục vụ du lịch khác trên địa bàn.
Đặc biệt các đơn vị trực tiếp quan hệ và tiếp xúc với nhân dân, khách du lịch như Công an thành phố đã được quán triệt và triển khai đồng bộ các nội dung của Bộ Quy tắc ứng xử từ cấp phường, đưa vào chương trình công tác tuần, tháng... Lực lượng Cảnh sát trật tự đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an, Quy tắc đô thị các quận trung tâm, nơi có đông du khách nhằm tăng cường đảm bảo trật tự đô thị tại các điểm như chợ Cồn, chợ Hàn, quán ăn dọc biển …cụ thể hóa các nội dung trong Bộ Quy tắc vào trong hoạt động thực tiễn của cán bộ chiến sĩ khi giao tiếp, làm việc với nhân dân và du khách.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đã có sáng kiến đề xuất cắm một số biển báo hướng dẫn giao thông bằng tiếng Anh tại các ngã ba, ngã tư, khu du lịch, khu tập trung đông khách nước ngoài… tạo thuận lợi cho du khách trong quá trình tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng.
UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã tăng cường thanh kiểm tra về chống chèo kéo, đeo bám khách: tại các nhà hàng, quán ăn trên các tuyến đường chính, kiểm tra, nhắc nhở thực hiện chống chèo kéo khách tại các nhà hàng, quán ăn trên vỉa hè, lòng đường.
Vận động các chủ nhà hàng đặt biển cấm bán hàng rong trong cơ sở mình quản lý. Sở Thông tin truyền thông đã thực hiện tuyên truyền, trích lọc từng chuyên đề của Bộ Quy tắc gửi đến toàn bộ Cán bộ công chức viên chức của thành phố và toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn qua email công vụ với 13.000 lượt tuyên truyền email.
Tại các khách sạn đã thực hiện in ấn, đặt nội dung quy tắc ứng xử dành cho du khách tại quầy lễ tân hoặc trong tập gấp thông tin khách sạn để du khách dễ dàng thực hiện. Ngoài ra, nhiều khách sạn tổ chức xét chọn và trao giải thưởng cho nhân viên phục vụ khách nhiệt tình, thân thiện, chu đáo do du khách bình chọn trực tiếp tại khách sạn hoặc trên Tripadvisors và các trang mạng khác như “Nụ cười của tháng”, “Chất lượng phục vụ chu đáo”…
Năm 2016, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các ban ngành, đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai thực hiện thường xuyên Bộ Quy tắc tại đơn vị, tại các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý; phát hành ấn phẩm tuyên truyền đến khách du lịch, sử dụng đội ngũ hướng dẫn viên làm đội ngũ tuyên truyền viên, tiếp tục tuyên truyền và thực hiện Bộ Quy tắc đến người dân, chiếu video đồ họa động hình ảnh hóa Bộ Quy tắc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chiếu trên tivi quầy thông tin sân bay, nhà ga đường sắt, trang mạng xã hội, khu điểm du lịch, khách sạn, rạp phim ….
Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải lắp đặt các bảng tuyên truyền hình ảnh hóa Bộ Quy tắc tại một số địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố, thực hiện phóng sự “hình ảnh đẹp” để tuyên truyền song song với video clip hình ảnh hóa Bộ Quy tắc... nhằm tạo hiệu ứng tích cực và hiệu quả đồng bộ trên toàn địa bàn thành phố.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, ngành du lịch thành phố đã xây dựng và trình bộ quy tắc ứng xử du lịch dành cho ba đối tượng, gồm người dân Đà Nẵng, những người phục vụ và hoạt động trong lĩnh vực du lịch và du khách. Đây sẽ là tiền đề để xây dựng Đà Nẵng thực sự là một thành phố an toàn, văn minh, hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Nhiều đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố cho rằng, việc ban hành quy tắc ứng xử của ngành du lịch thành phố là rất tốt, phù hợp, nhằm bảo đảm việc quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch địa phương.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố Đà Nẵng đánh giá: "Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc tạo ra điểm đến thân thiện, an toàn, mến khách, đồng thời cũng nhận được sự đồng tình từ phía các doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ nhanh chóng chuyển tải thông tin này đến khách hàng cả trong và ngoài nước, chuyển tải thông điệp một cách rõ ràng của điểm đến là luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, vì sự phát triển bền vững của du lịch thành phố Đà Nẵng".
Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch áp dụng cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc có liên quan đến du lịch, người dân địa phương và du khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố. Trong đó có các quy tắc về trang phục, bảo vệ môi trường, văn minh thương mại, ứng xử đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này như phải ứng xử đúng mực, tôn trọng khách, có thái độ thân thiện, niềm nở khi phục vụ, không phân biệt đối xử với khách du lịch, không lợi dụng khách du lịch để trục lợi bất chính, luôn sẵn sàng với các câu nói cần thiết như “Xin chào”, “Xin lỗi”, “Xin mời”, “Cảm ơn”…