Du lịch đường bộ lên ngôi
Theo thống kê của các công ty lữ hành tại TP Hồ Chí Minh, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, để “né” việc phải bỏ ra chi phí quá cao khi di chuyển bằng máy bay, nhiều du khách đã chuyển hướng sang chọn tour du lịch đường bộ; đồng thời những điểm đến trong nội thành cũng có sức hút với người dân hơn.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, những tour đường bộ đang có sức tăng và rất nóng. Lượng khách đặt tour di chuyển bằng máy bay lại đang có xu hướng chuyển sang chọn các tour du lịch đường bộ.
"Để thu hút khách, dịp lễ năm nay, chúng tôi tập trung khai thác các sản phẩm combo. Bởi từ năm 2024, 30% sản phẩm du lịch trọn gói của Saigontourist có xu hướng được thay thế bằng các sản phẩm combo. Đây là những sản phẩm linh hoạt, phù hợp nhu cầu mới của du khách và thị trường hiện nay bởi rất nhiều gia đình có xe riêng, dễ dàng trải nghiệm những cung đường cao tốc thuận tiện ở cả miền Bắc và miền Nam. Họ có thể sử dụng dịch vụ combo để tạo sản phẩm du lịch cho cá nhân, gia đình", bà Đoàn Thị Thanh Trà cho biết.
Bà Phạm Phương Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt cũng cho biết, những tuyến tour như Phú Quốc, Quy Nhơn đi từ TP Hồ Chí Minh bằng máy bay nhu cầu vẫn khá chậm, đạt khoảng 60% so với kế hoạch. Một nguyên nhân khác là do hạ tầng giao thông đường bộ đang khá phát triển, nhất là hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đã đưa vào khai thác nên cũng giúp thúc đẩy du lịch bằng ô tô từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh lân cận dễ hàng hơn.
Cụ thể, lượng khách gia đình đi du lịch đường bộ đến các điểm xung quanh những thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc, Ninh Thuận, Cần thơ; hay từ Hà Nội đi Mộc Châu, Sa Pa, Thanh Hóa… có xu hướng tăng. Đáng chú ý, nhóm các công ty, tổ chức… đặt cho nhân viên đi nghỉ dưỡng bằng đường bộ cũng dự báo sẽ tăng thêm 30 - 40%.
Ngoài xu hướng du lịch bằng đường bộ đang tăng, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh còn chọn khám phá du lịch ngay tại nơi mình sinh sống với các điểm đến, sản phẩm du lịch mới. Nắm bắt xu hướng này, các công ty lữ hành đang chào bán các tour nội đô như: Ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn, trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Cần Giờ, ngắm TP Hồ Chí Minh từ xe buýt hai tầng, buýt sông hai tầng… Thống kê từ các công ty lữ hành, lượng khách đặt tour nội thành đang tăng 50 - 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, có tới hơn 90% khách trong các đoàn du lịch rất thích thú khi biết có thêm chương trình mới tại TP Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, ghi nhận của phóng viên, các điểm du lịch bằng đường bộ từ TP Hồ Chí Minh đến Măng Đen (Kon Tum), thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đà Lạt (Lâm Đồng)... lượng khách đặt phòng khách sạn đang tăng cao. Ở một số điểm đến, nhiều khách sạn, nhà nghỉ đã có thông báo hết nhận khách vì đã kín chỗ. Chẳng hạn tại Măng Đen, nhiều phòng nghỉ giá bình dân đã kín chỗ, một số khách sạn chỉ còn hạng cao cấp, giá từ 900.000 - 1,2 triệu đồng/đêm. Tại thành phố Vũng Tàu, từ ngày 26 đến ngày 30/4, khách sạn mặt tiền giáp biển có tỷ lệ đặt phòng đã đạt hơn 90%.
Thống kê của nền tảng đặt phòng Mustgo, hiện tỉ lệ đặt phòng một số tỉnh, thành đạt mức trung bình (khoảng 50%) trong kỳ nghỉ lễ. Ví dụ như ở Sa Pa (Lào Cai), phân khúc khách sạn 4 - 5 sao đạt tỉ lệ đặt phòng 50 - 60%, dự kiến những ngày cận lễ tỷ lệ đặt phòng tại các điểm du lịch sẽ tăng cao hơn.
Ông Bùi Việt Hà, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thị trấn Măng Đen cho biết, lượng khách đặt dịch vụ du lịch đến Măng Đen đang tăng cao. Hiện tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn đã đạt từ 80 - 90% trong các ngày từ 27 - 29/4, còn ngày 30/4 lượng phòng trống khoảng 20%. Thị trấn Măng Đen hiện nay có hơn 1.000 phòng dành cho du khách lưu trú.
Ngăn chặn tình trạng "chặt chém, chèo kéo" khách
Theo các chuyên gia du lịch, dự báo du lịch nội địa trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sẽ bùng nổ. Theo đó, nhiều người lo ngại sự quá tải của các điểm đến và chất lượng dịch vụ, cũng như giá cả tăng cao gây ảnh hưởng đến việc trải nghiệm, từ đó tạo ấn tượng xấu khiến nhiều người không muốn quay lại. Vì vậy, các điểm đến trên cả nước cũng đã và đang có giải pháp chấn chỉnh tình trạng "chặt chém", chèo kéo khách.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Sở đã yêu cầu các tổ chức kinh doanh du lịch tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; không để xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, đầu cơ kiếm lời bất chính trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới. Đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ không sử dụng "cò mồi", ghim phòng, cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của tỉnh. Khi các cơ quan chức năng phát hiện trường hợp "chặt chém", chèo kéo du khách, giá cả dịch vụ không rõ ràng... sẽ bị xử lý nghiêm. Trong thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra các điểm đến, dịch vụ du lịch...
Là điểm du lịch hút khách, ông Hoàng Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho biết, việc đảm bảo an ninh trật tự, xử lý hàng rong được lực lượng chức năng quận thực hiện thường xuyên. Trong cao điểm dịp lễ 30/4 - 1/5 và Hè 2024 sắp tới, quận sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động bán ràng rong, lang thang xin ăn biến tướng, chèo kéo khách du lịch... Trong đó, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng hoạt động kinh doanh buôn bán tại các khu vực thuộc các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng và danh lam thắng cảnh.
Tại Phú Quốc, sau một vài vụ việc “chặt chém” du khách, cuối tháng 2/2024, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc đã ký ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Phú Quốc. Bộ quy tắc nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch tại thành phố này. Trong đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch tuân thủ pháp luật và các quy định tại điểm đến, không phân biệt đối xử với khách du lịch, tích cực hỗ trợ du khách trong trường hợp xảy ra rủi ro, cần giúp đỡ; yêu cầu các dịch vụ du lịch cung cấp sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa uy tín, chất lượng, an toàn; công khai giá cả, dịch vụ, hàng hóa và bán đúng theo giá niêm yết; cạnh tranh lành mạnh, giữ uy tín; không chèo kéo, đeo bám, tranh giành, nài ép khách du lịch; không cấu kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khác để trục lợi từ khách du lịch…
Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc cho biết: "Chúng ta cần cam kết với khách du lịch và người dân Phú Quốc là 100% các cơ sở tư nhân đều phải thực hiện việc cam kết giá, bán đúng theo giá niêm yết. Những hộ kinh doanh nào không thực hiện phải xử lý, xử phạt nghiêm. Hiện nay, để thu hút du khách trở lại Phú Quốc, các cơ quan, các phòng ban, hải quan, công an phải có sự hỗ trợ tối đa cho ngành du lịch, kể cả đường bay charter hay thương mại đến Phú Quốc phải thuận lợi nhất; thể hiện sự hiếu khách, trách nhiệm; để họ thấy tới Phú Quốc là niềm nở, tích cực. Ngay cả người dân, học sinh, sinh viên, người lao động khi ra đường, gặp bất cứ đoàn khách nào, cúi chào nhẹ thể hiện sự tôn trọng, mến khách, văn minh, lịch sự. Với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống, hy vọng sẽ giúp Phú Quốc xây dựng hình ảnh điểm đến chuyên nghiệp, độc đáo, thân thiện, được du khách yêu thích trong bối cảnh du lịch nội địa đang phục hồi".