Nền tảng và thị trường sẵn có
Ông Lê Hồng Thái, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết: Từ đầu tháng 10, bắt đầu có những nhóm khách đăng ký chương trình tour trải nghiệm vào cuối tuần, đi ngoại thành Hà Nội, tới Ba Vì và Sóc Sơn, gắn liền với trải nghiệm văn hóa nông thôn Việt Nam. Tại các điểm du lịch nông trại sẽ gắn liền với trải nghiệm về trồng rau, nuôi gà, một số gắn với trải nghiệm sinh tồn dành cho trẻ em. Hầu hết các nhóm khách gia đình đều mong muốn cho trẻ em có hoạt động thư giãn, tìm hiểu cuộc sống nông thôn sau thời gian dài giãn cách.
Một số trang trại nhanh nhạy với sự nhu cầu này để tạo dựng chương trình phù hợp. Phải kể đến trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì) hấp dẫn trẻ em trải nghiệm không gian làng Việt xưa với ngôi nhà mái ngói, cái cuốc, cái cày, cối xay gạo; được làm quen với nghề nông khi tự tay bắt cá, trồng rau, thu hoạch nông sản, chế biến món ăn dân dã... Để tăng sức hấp dẫn du khách, chủ trang trại Đồng Quê đã chủ động phối hợp với cư dân bản địa, đưa khách tham quan làng nghề thuốc nam của đồng bào Dao, thưởng thức múa cồng chiêng của người Mường... tại các bản làng lân cận.
Còn tại điểm du lịch Bản Rõm (Sóc Sơn), hoạt động trải nghiệm sinh tồn theo dạng trò chơi trên đồi núi mang lại nhiều cảm giác thú vị với trẻ em. “Thông thường, chương trình 1 ngày chỉ tham quan, còn 2 ngày sẽ nhiều hoạt động trải nghiệm hơn. Trong bối cảnh hiện nay, với việc điều kiện an toàn phòng dịch lên hàng đầu thi du lịch nội tỉnh, nội thành phố vẫn là chủ yếu. Do đó, du lịch ngoại thành Hà Nội đang là lựa chọn của nhiều gia đình Thủ đô. Khi thị trường là khách trong nội đô và điểm đến là ngoại thành đều sẵn có, vấn đề là tổ chức sao cho hợp lý”, ông Lê Hồng Thái cho biết.
Trên nền tảng của phong trào xây dựng nông thôn mới tại các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thạch Thất, Đan Phượng..., xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch, hấp dẫn du khách. "Lượng khách đặt phòng các homestay khu vực ngoại thành Hà Nội trong khoảng một tháng qua đều kín khách", ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty AZA travel chia sẻ.
Sớm có quy hoạch tổng thể
Theo ông Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, mới với những tiêu chí xanh – sạch – đẹp – an toàn, vùng nông thôn mới là nền tảng sẵn có để phát triển du lịch. Kết hợp với nền tảng đó là những mô hình nông nghiệp chất lượng cao và văn hóa, di tích lịch sử, kiến trúc - những yếu tố thu hút khách. Trong tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu huyện triển khai có tiêu chí về hình thành các điểm du lịch.
Trên cơ sở hạ tầng sẵn có từ xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng tổ chức lại hoạt động dịch vụ, mời hợp tác với doanh nghiệp du lịch gắn kết trải nghiệm văn hóa lịch sử với các mô hình sản xuất nông nghiệp địa phương, nổi bật phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tiêu biểu như: mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp tại xã Phương Đình và Đan Phượng; 9 mô hình sản xuất công nghệ cao, rau hữu cơ ở các xã Đan Phượng, Song Phượng, Thọ Xuân; 2 mô hình trồng nấm ở xã Đan Phượng và Hạ Mỗ;...
Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên phong cho biết: Nông thôn mới có lợi thế có hạ tầng giao thông tương đối tốt, môi trường xanh, sạch… Tuy nhiên, để phát triển du lịch, cần có quy hoạch tổng thể và có điểm nhấn về di tích lịch sử, nghề truyền thống để tạo thành sản phẩm kết hợp trải nghiệm. Bên cạnh chương trình theo tour thì nhiều người cũng tự đi, nhất là tới các điểm có homestay, cơ sở nghỉ dưỡng. Trong khoảng 1 tháng qua, các điểm homestay ngoại thành tại Hà Nội luôn kín khách. Điều này cho thấy sức hút của các khu vực ngoại thành Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Văn Chi, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng chương trình nông thôn mới Hà Nội, các làng, xã của Hà Nội cũng mong muốn được quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, cải tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp để phát triển du lịch nông thôn. Cùng với đó, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp lồng ghép với vùng du lịch để hình thành chuỗi sản phẩm và chợ đầu mối về nông sản thực phẩm xanh, sạch mang tính bản địa... Đây là cơ sở để Hà Nội tập trung đầu tư, hỗ trợ các sản phẩm phát triển du lịch ở nông thôn trên cơ sở đề xuất của ngành du lịch Thủ đô.
Sở Du lịch Hà Nội cũng đang xây dựng và lấy ý kiến các sở, ngành góp ý dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Từ mô hình du lịch nông thôn mới tại làng nghề Bát Tràng và các mô hình trang trại tại Ba Vì cho thấy quá trình tham quan, khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp sẽ tạo ra hứng thú mới khi khách được cuộc sống sinh hoạt người dân nông thôn, văn hóa vùng miền và được hòa mình với thiên nhiên. Sự gắn kết xây dựng nông thôn mới kết hợp với du lịch mở trong bối cảnh mới còn tạo sự phát triển bền vũng các vùng ngoại thành Hà Nội, giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, OCOP tại địa phương.
Do vậy, để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do đô thị hóa, các chuyên gia du lịch cho rằng, cần đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó, phát triển du lịch là hướng đi mới; phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa ngành. Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ, là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững.
Tuy vậy, tổng nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn thời gian còn rất hạn chế, chủ yếu từ ngân sách nhà nước thông qua các dự án đầu tư công trình hạ tầng như điện, đường, nước sạch..., phần lớn từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Việc phát triển du lịch vẫn mang tính tự phát và vẫn chưa có quy hoạch tổng thể. Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới, cơ quan quản lý cần sớm công bố quy hoạch và kế hoạch phát triển loại hình du lịch này, trong đó với 3 loại hình: Du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, trong đó, trọng tâm là phát triển du lịch cộng đồng.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.