Tư duy thu hút khách du lịch thông qua việc kích cầu giảm giá không còn là giải pháp tối ưu sau khi dịch bệnh được kiểm soát, mà thay vào đó, các doanh nghiệp, các điểm đến Hà Nội tập trung vào việc xây dựng các sản phẩm độc đáo, sáng tạo mang đặc trưng riêng của Hà Nội. Buổi tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo trong phát triển du lịch Hà Nội” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 23/9 đã chuyển tải vấn đề này.
Sản phẩm mang chiều sâu văn hóa
Nếu trước kia, du khách đến Hà Nội thường được tham quan những giá trị văn hóa hiện hữu như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu di tích Phủ Chủ tịch, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, hồ Hoàn Kiếm, Phố cổ Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò… thì nay, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, các doanh nghiệp lữ hành và điểm đến xây dựng các sản phẩm mang chiều sâu văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Có nghĩa, vẫn trên nền các điểm đến truyền thống, những người làm du lịch nghiên cứu tạo nên những sản phẩm mới “kể” những câu chuyện để du khách hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa của nó. Tất nhiên, cùng với những câu chuyện đó là những trải nghiệm để tạo ấn tượng cho du khách khi tới tham quan, làm thế nào khi ra khỏi di tích du khách vẫn còn đọng lại những dấu ấn đẹp.
Điển hình như tour tham quan di tích Hỏa Lò về đêm mới đưa vào khai thác từ tháng 6 vừa qua và tour khám phá Hoàng thành Thăng Long về đêm hay tour giới thiệu lịch sử văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được xây dựng đã thể hiện rõ điều đó.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết, Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhân văn nhưng việc khai thác phát triển du lịch mới dừng ở một góc nhỏ. Ngành du lịch vẫn còn nhiều cơ hội để “biến” thành các sản phẩm du lịch và buộc doanh nghiệp phải thêm “gia vị” để “món ăn” thêm hấp dẫn. Trong đó, việc tạo ra trải nghiệm và tạo cảm xúc cho du khách không dễ nhưng doanh nghiệp cần nghiên cứu, sáng tạo ra.
Đó cũng là hướng phát triển sản phẩm mới của Công ty Du lịch Tiên Phong. Thay vì kết nối nhiều điểm đến như trước, giờ đây, đơn vị tập trung khai thác các giá trị của 36 phố phường Hà Nội, đưa khách đến tham quan các đền chùa trong khu phố cổ, mua sắm, thưởng thức nghệ thuật và ẩm thực đặc trưng, trải nghiệm cuộc sống của người dân ở đây. Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty chia sẻ, bản chất các tour này không quá độc đáo nhưng đơn vị làm mới sản phẩm để khác với các tour truyền thống, tạo nhiều hứng thú cho du khách. Bởi chỉ với các đồ ăn sáng, nếu muốn khám phá cần mất 2 tháng mới thưởng thức hết tất cả các món ăn sáng ở đây. Hay nét văn hóa của phố cổ không phải người dân Hà Nội nào cũng biết.
Các nhà nghiên cứu du lịch cũng như các doanh nghiệp còn cho rằng, bên cạnh dòng sản phẩm du lịch có tính đại chúng cao, nhiều sản phẩm cần được chú trọng phát triển nhiều hơn sau thời dịch COVID-19 như: Dòng sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; sản phẩm du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch thể thao…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ, xa hơn ngành du lịch Thủ đô cần chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, nhất là sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống, mua sắm và trải nghiệm để kích thích nhu cầu tiêu dùng của du khách. Trong đó, đặc biệt phát triển kinh tế đêm để tăng trải nghiệm cho du khách.
Phát triển dòng sản phẩm “tại chỗ”
Thông thường, các doanh nghiệp thường tập trung xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến Hà Nội hay khách Hà Nội đi các địa phương khác nhưng trong thời điểm này, nhiều đơn vị chú trọng xây dựng sản phẩm phục vụ ngay chính người Hà Nội. Bởi không phải ai cũng biết nhiều, hiểu nhiều về văn hóa, lịch sử, các giá trị nhân văn văn của Hà Nội. Việc xây dựng dòng sản phẩm này có tính đặc thù cao, có những trải nghiệm độc đáo.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours: Nếu trước đó các doanh nghiệp xây dựng một sản phẩm tour hoàn chỉnh thì nay các doanh nghiệp có thể làm mới bằng cách phát triển từng phần của sản phẩm du lịch. Một khách sạn, một cửa hàng bán sản phẩm lưu niệm có thể biến thành sản phẩm du lịch… doanh thu của tất cả nơi đó cũng là doanh thu du lịch. Hiện nay, thị trường du lịch đang xuất hiện xu hướng du lịch tại chỗ và nắm bắt thị hiếu này, khi dịch COVID-19 tái phát, Flamingo Redtours đã xây dựng sản phẩm du lịch tại chỗ, kết hợp với khách sạn 5 sao tạo dòng sản phẩm phục vụ khách tham quan, giới thiệu lịch sử khu phố Tây, Nhà hát Lớn, khách sạn Sofitel Legend Metropole, Ngân hàng Nhà nước, Nhà khách Chính phủ… kết hợp nghỉ dưỡng tại khách sạn. Khách không thể đi xa, đã có những “resort” tại chỗ như: Nghỉ dưỡng, tham quan khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake, thưởng lãm cảnh quan hồ Tây. Ông Nguyễn Công Hoan cũng bày tỏ sự bất ngờ, khi tung ra sản phẩm mới, chính người Hà Nội đã đón nhận tốt.
Cũng với hướng đi đó, ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - Chi nhánh Hà Nội đồng tình khi thời điểm hiện nay khách quốc tế chưa hồi phục thì các khách sạn 5 sao tại Hà Nội cần có chính sách giảm giá sâu, khuyến mại để kích thích khách đến trải nghiệm. Bên cạnh các thị trường khách đến Hà Nội nhiều như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ thì chính người Hà Nội cũng muốn trải nghiệm lưu trú ở các khách sạn cao cấp. Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Bảy cũng đề xuất Hà Nội thực hiện chiến dịch kích cầu du lịch cũng cần đặt một khẩu hiệu mang tính hấp dẫn cao, kích thích nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách.
Các doanh nghiệp Hà Nội đều cho rằng, sẽ nghiên cứu, tạo ra sản phẩm cho riêng mình, không chỉ để duy trì hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra mà còn để phát triển hoạt động du lịch sau này. Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng cho rằng, các doanh nghiệp, điểm đến đã chủ động tạo ra những sản phẩm độc đáo, riêng có của Thủ đô nhưng thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp, điểm đến tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác lâu dài để thu hút khách đến với Thủ đô.