Khởi động lại hoạt động du lịch
Du khách đi chơi dịp nghỉ lễ ngắn ngày dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch cho thấy nhu cầu đi du lịch lớn. Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên phong cho rằng, quan trọng nhất là tâm lý của khách về dịch bệnh đã ổn định hơn nhiều. Việc trở thành F0 cũng đã trở nên bình thường và mọi người chủ động phương án xử lý.
“Trong thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức thành công chương trình “Get on Hanoi 2022” thu hút sự chú ý của người dân. Có tác dụng quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội và kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân Thủ đô - thị trường khách nguồn trọng điểm”, ông Phùng Xuân Khánh chia sẻ.
Tại các điểm đến cũng có sự chuyển biến rõ nét về lượng khách đến. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: "Từ khi được mở cửa lại, bình quân mỗi ngày di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón khoảng 100 khách tham quan. Trước đây, bình quân di tích đón 60% là khách quốc tế, nên kỳ vọng thời gian tới khi mở cửa hoàn toàn sẽ thu hút nhiều du khách".
Còn tại ngoại thành Hà Nội, từ ngày 9/4, điểm du lịch bản Cooc, xã Minh Quang, huyện Ba Vì tổ chức các hoạt động của chợ phiên truyền thống để khởi động cho chương trình khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2022 vào ngày 16/4. Hiện nay, các điểm du lịch trên địa bàn huyện Ba Vì đã mở cửa thu hút đông khách tham quan.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, du lịch Thủ đô trong 3 tháng đầu năm 2022 đã có dấu hiệu ấm lên với nhiều hoạt động được tái khởi động, như khai mạc chương trình du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022, lễ hội khinh khí cầu… đã thu hút đông đảo khách du lịch đến với Thủ đô, tạo đà phát triển trong thời gian tiếp theo.
“Quý I/2022, khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 2,8 triệu lượt, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. Sự phục hồi này do chính sách mở cửa của Thủ đô và công tác kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả”, bà Đặng Hương Giang nhận định.
Còn theo ông Vũ Nam, Vụ phó Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch), chương trình khởi động du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022 đã có tác động lớn kích thích nhu cầu đi du lịch. Get on Hanoi 2022 với ý nghĩa hãy xách ba lô đi du lịch tác động lớn đến nhu cầu đi du lịch của giới trẻ.
Tạo dựng sản phẩm
Về phương án mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố đã ban hành phương án bảo đảm rõ quy trình đón, phục vụ khách du lịch quốc tế, xử lý các tình huống y tế phát sinh... Định hướng quý II/2022, thành phố sẽ tập trung vào khách nội địa vào các dịp nghỉ lễ và diễn ra SEA Games 31. “Sớm nhất đến quý III/2022, Thủ đô sẽ đón khách quốc tế”, bà Đặng Hương Giang cho biết.
Đối với khách du lịch quốc tế, thành phố cũng căn cứ hai nhóm khách để tăng cường tuyên truyền, quảng bá, bao gồm nhóm khách từ các quốc gia được miễn thị thực và nhóm từ các quốc gia có độ an toàn cao về phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Hà Nội triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã; chú trọng nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ trung tâm Thành phố đến Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất - Quốc Oai và Sơn Tây - Ba Vì; khuyến khích các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong khu vực nội, ngoại thành xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm, các dịch vụ trải nghiệm, ẩm thực phục vụ thị hiếu của khách du lịch quốc tế.
Các quận huyện cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đêm như làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; triển khai tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; tuyến phố đi bộ tại khu đô thị Nam vành đai 3, quận Hoàng Mai; không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng… Các quận huyện phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến du lịch, đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các giá trị truyền thống.
Hà Nội cũng tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và kênh CNN quốc tế, các kênh truyền thông quốc tế khác, trang website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn”.
Tại khu vực ngoại thành, thành phố sẽ đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các địa phương có tiềm năng, thế mạnh như Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Gia Lâm, Đan Phượng…
Để đảm bảo quyền lợi du khách, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã thông báo về việc đăng tải thông tin về các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đủ điều kiện hoạt động trên website của Sở nhằm tạo điều kiện cho du khách dễ dàng lựa chọn những đơn vị kinh doanh du lịch chất lượng, tránh những rủi ro không đáng có.
Du khách có thể truy cập vào địa chỉ https://sodulich.hanoi.gov.vn/, mục Hệ thống chứng nhận hoặc http://www.quanlyluhanh.vn để biết thông tin về các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đang hoạt động và có sản phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng.
Trước đó, nhiều đơn vị doanh nghiệp du lịch kiến nghị đến Sở Du lịch về tình trạng hiện có khá nhiều dịch vụ kinh doanh du lịch trôi nổi trên mạng xã hội, khiến nhiều du khách gặp không ít rủi ro, như: hiện tượng bán tour lừa đảo khách hàng; bán dịch vụ không đúng chất lượng cam kết… Việc công khai minh bạch của trên website của Sở Du lịch để du khách dễ dàng lựa chọn.