Du lịch Hà Nội thích ứng với tình hình mới - Bài 3: Xây dựng 'vùng xanh' du lịch

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trong cả nước đang giảm dần, số ca mắc tại Thủ đô ở mức thấp, mục tiêu của thành phố Hà Nội là bảo đảm chung sống một cách chủ động, an toàn với dịch.

 Ngay lúc này, ngành Du lịch thành phố đang hối hả khởi động đón khách trở lại, với chủ trương xây dựng các “vùng xanh” du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách và những người làm dịch vụ ở mức cao nhất.

Thích ứng, linh hoạt trong tình hình mới

Chú thích ảnh
Hà Nội triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN

Hà Nội đã thực hiện tiêm vaccine mũi 1 đạt trên 96,3% dân số trên 18 tuổi và trên 69,8% tổng dân số; hiện đang tiếp tục tiêm mũi 2. Tình hình dịch bệnh đang có những tín hiệu tốt trong việc kiểm soát, thành phố dần nới lỏng các hoạt động kinh tế, xã hội. Đó là cơ sở để ngành Du lịch Thủ đô xây dựng các phương án phục hồi, xúc tiến các giải pháp thu hút khách. Tuy vậy, trong bối cảnh ngành Du lịch liên tục chịu ảnh hưởng của các đợt dịch, khi đợt dịch lần thứ 4 này đang dần được khống chế, việc xây dựng các giải pháp phát triển được ngành thực hiện khẩn trương nhưng thận trọng, thích ứng với thực tế.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, thời điểm này, Thủ đô tiếp tục hành động và phục hồi du lịch nhưng bối cảnh đã thay đổi nhiều so với trước đây. Dù dịch bệnh dần được kiểm soát nhưng vẫn ẩn chứa nguy cơ cao, chuỗi dịch vụ du lịch bị chia cắt, năng lực của các doanh nghiệp và điểm đến bị sụt giảm, sức cầu thị trường cũng như cơ cấu khách hàng thay đổi. Theo ông Trần Trung Hiếu, thành phố Hà Nội đang hoàn chỉnh kịch bản hoạt động kinh tế theo từng diễn biến dịch. Các doanh nghiệp, đơn vị trong lĩnh vực du lịch cần bám sát các kịch bản này để hoạt động.

Bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng rất mong chờ việc tái khởi động lại hoạt động đón khách du lịch, khi thời gian qua, nhiều đơn vị rơi vào tình trạng “đóng băng” khá lâu. Tuy nhiên, các đơn vị khẳng định, thời gian đầu, khó có thể trở lại trạng thái bình thường như trước, doanh nghiệp cần linh hoạt, thích ứng với điều kiện thực tế. Việc tìm hướng đi phù hợp là điều không dễ dàng, buộc các doanh nghiệp phải năng động, thận trọng trong xây dựng phương án thu hút, đưa đón khách.

Công ty Du lịch quốc tế ITC trước kia được biết đến là một trong những doanh nghiệp thu hút khá đông khách. Khi dịch COVID-19 liên tiếp bùng phát, doanh nghiệp này buộc phải thu hẹp hoạt động. Tuy nhiên, trước khả năng đón khách trở lại, bà Trịnh Mỹ Nghệ, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế ITC xác định đón khách trong sự linh hoạt, phù hợp với tình hình mới. Bởi, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu khách đã có nhiều thay đổi, điều quan trọng nhất là phải chủ động thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn nguy cơ bùng phát.

Thời điểm này, điểm đến và xu hướng du lịch không còn như trước. Khi nhiều tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung chưa hoàn toàn khống chế được dịch bệnh, việc tìm những điểm đến phù hợp để tổ chức tour được nhiều doanh nghiệp lữ hành đặt ra.
 
Theo bà Dương Mai Lan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành và Sự kiện Thuận An - Ascend Travel and Media, việc trở lại này nếu xét về hành vi tiêu dùng của du khách chắc chắn sẽ có sự thay đổi đáng kể, yếu tố an toàn trong môi trường "bình thường mới" được đặt lên hàng đầu. Với du lịch nội địa, du khách sẽ hướng tới việc lựa chọn các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Kế đến là du lịch sinh thái, du lịch tâm linh hướng tới sức khỏe bình an, hay du lịch kết hợp giáo dục sẽ là những sản phẩm thu hút khách trong 1-2 năm tới.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng, doanh nghiệp cần nghiên cứu hành vi tiêu dùng của du khách, trên cơ sở đó có đánh giá để điều chỉnh và xây dựng sản phẩm; trong đó chú trọng xây dựng sản phẩm an toàn, sản phẩm ngách. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang phát triển sản phẩm ngách như xây dựng sản phẩm du lịch cho người già…

Xây dựng “vùng xanh” du lịch

Chú thích ảnh
Hồ Gươm, điếm tham quan du lịch hấp dẫn tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Nhiều chuyên gia du lịch ví von các đợt dịch COVID-19 giống như những dãy núi cao buộc doanh nghiệp lữ hành phải vượt qua nhưng dãy núi thứ 4 này cao hơn, khó khăn hơn, nếu đi thẳng sẽ rất khó mà phải tìm ra con đường “xanh”, thoai thoải hơn. Việc xây dựng vùng “xanh” du lịch an toàn được coi là điều kiện tiên quyết đặt ra với ngành Du lịch Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong thời điểm này; đồng thời nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Điều đó có thể hiểu, khi hoạt động du lịch chuyển sang trạng thái "bình thường mới", các quy chuẩn, quy trình an toàn, phù hợp với từng điểm đến, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển, dịch vụ lữ hành và trong từng hoạt động phục vụ được đặt ra. Doanh nghiệp và du khách phải chủ động tuân thủ các quy trình, quy chuẩn sản phẩm du lịch an toàn với di chuyển “xanh”, dịch vụ “xanh”, điểm đến “xanh”. Dù trước đó, tiêu chuẩn an toàn phòng, chống dịch từ lữ hành đến lưu trú, điểm đến được triển khai rộng khắp. Song, sau tác động nặng nề của đợt dịch lần thứ 4 này, quy trình, quy chuẩn an toàn trong du lịch càng được coi trọng hơn bao giờ hết.

Theo chia sẻ của ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, trong tình hình hiện nay, du lịch nội địa vẫn là cứu cánh của doanh nghiệp, giúp nhiều đơn vị tham gia vào mảng thị trường này khi khả năng đón khách quốc tế chưa thể xác định cụ thể đến thời điểm nào. Muốn vậy, không còn cách nào khác là phải đảm bảo an toàn trong phát triển du lịch.

Cũng theo ông Phùng Quang Thắng, chương trình du lịch an toàn là tour và dịch vụ du lịch phải khép kín, không thể tự do, linh hoạt như trước đây. Việc xây dựng tuyến điểm tham quan, dừng nghỉ… phải đảm bảo an toàn. Cụ thể, những đoàn khách lớn phải chia nhỏ ra từng nhóm, không thể tập trung như trước. Dù các điểm đến có đảm bảo an toàn nhưng các doanh nghiệp cần tính toán khả năng đưa khách đến các không gian kín, không gian mở và cùng lúc có nhiều đoàn khách. Cơ sở lưu trú cần có biện pháp tránh để khách tiếp xúc nhiều với nhau, có thể bố trí phòng cho các nhóm khách hợp lý. Vai trò của doanh nghiệp lữ hành rất quan trọng, phải thường xuyên kiểm soát, đánh giá mức độ an toàn nhằm đảm bảo cho khách.

Về phía các doanh nghiệp lữ hành, thời điểm này là cơ hội cho doanh nghiệp trở lại đón khách, song cũng là thách thức đối với họ trong vấn đề đảm bảo an toàn. Ông Lê Hồng Thái, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết, thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội , Công ty nghiên cứu, đánh giá và xây dựng kế hoạch cho việc sẵn sàng đón khách trở lại, trên nguyên tắc: du khách, điểm đến và dịch vụ an toàn. Công ty Lữ hành Hanoitourist đã xây dựng 5 nhóm sản phẩm: Trải nghiệm du lịch Carnavan an toàn, Du lịch Mice an toàn, Du lịch mùa Thu an toàn, Đặt phòng khách sạn an toàn và Homestay an toàn.

Giám đốc Công ty Du lịch Bàn chân Việt (Vietfoot Travel) Phạm Duy Nghĩa cho hay, đơn vị vừa đưa ra sản phẩm du lịch xe đạp nhằm quảng bá dòng sản phẩm an toàn, kết nối du lịch Hà Nội với các tỉnh, thành khác, khám phá vùng đất mới bằng xe đạp. Đây là hình thức trải nghiệm đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách khác nhau.

Thời gian gần đây, các cơ quan quản lý, các hiệp hội du lịch liên tục tổ chức bàn thảo về việc khởi động lại hoạt động du lịch. Với lợi thế là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp lớn vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố, việc làm này không chỉ được đặt ra mà còn là niềm mong mỏi của rất nhiều doanh nghiệp. Vì thế, thành phố đang xúc tiến các điều kiện để sớm thúc đẩy việc mở cửa du lịch.

Bài cuối: Sớm thúc đẩy mở cửa du lịch 

Đinh Thuận (TTXVN)
Du lịch Hà Nội thích ứng với tình hình mới - Bài 2: Nắm bắt xu hướng, làm mới sản phẩm
Du lịch Hà Nội thích ứng với tình hình mới - Bài 2: Nắm bắt xu hướng, làm mới sản phẩm

Nhắc đến du lịch Hà Nội, người ta nghĩ ngay tới du lịch văn hóa, ẩm thực, làng nghề với những địa danh nổi tiếng, được ghi danh trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, làng nghề Bát Tràng…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN