Du lịch Hải Dương: Tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ

Chuẩn bị cho Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013, tỉnh Hải Dương và Tổng cục Du lịch vừa tổ chức đoàn khảo sát và tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, truyền thông về khả năng khai thác các tuyến điểm du lịch trong tỉnh.


Khai thác thế mạnh du lịch văn hóa - tâm linh


Ông Lương Văn Cầu, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hải Dương cho biết: Trong chiến lược phát triển du lịch 2011-2015, tỉnh Hải Dương đề ra mục tiêu du lịch là ngành kinh tế quan trọng, trong đó đầu tư khu Côn Sơn - Kiếp Bạc là khu du lịch quốc gia; phát triển loại hình du khảo làng quê tại Nam Sách, Thanh Hà, Ninh Giang...


Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hải Dương: “Tỉnh có khu du lịch tâm linh Côn Sơn - Kiếp Bạc đã có tiếng từ lâu, lại nằm trên tam giác kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi. Tuy có tiềm năng nhưng hiệu quả khai thác vẫn còn nhiều bất cập do chưa được đầu tư đồng bộ, dịch vụ du lịch còn thiếu”.


Đền thờ Chu Văn An sau khi được tu bổ, tôn tạo thu hút du khách tới tham quan.


Đại diện các doanh nghiệp du lịch đến từ Hà Nội đều cho rằng, dù nằm giữa trục du lịch Hà Nội - Quảng Ninh nhưng ít đơn vị tổ chức tour đi Hải Dương bởi thông tin về các điểm du lịch và dịch vụ đi kèm rất thiếu. Do đó mới chỉ khai thác được dòng khách nội địa đến Côn Sơn - Kiếp Bạc. Tỉnh Hải Dương cần phân loại thị trường khách. Khi cơ sở dịch vụ chưa nhiều thì có thể khai thác dòng khách nội địa và tour ngắn ngày.


Khi hạ tầng hoàn thiện, nhất là với những khu du lịch, resort được đầu thư sẽ khai thác khách quốc tế và hướng tới các kỳ nghỉ cuối tuần. Tại khu vực phía Nam của tỉnh có thể khai thác điểm đến đảo Cò (huyện Thanh Miện) và rối nước Hồng Phong - đền Tranh (Ninh Giang), tuy nhiên khu vực này dịch vụ du lịch còn thiếu nhiều nên cần có sự liên kết tuyến điểm để khai thác hợp lý.


Thầy đồ cho chữ tại đền Chu Văn An (Hải Dương).


Đại diện Công ty lữ hành Toseco Hà Nội cho rằng: Thông tin du lịch Hải Dương rất thiếu nên cũng không nắm rõ được cụ thể sản phẩm du lịch để giới thiệu với khách. Thực tế khảo sát trên tuyến điểm du lịch qua chương trình famtrip của Tổng cục Du lịch và Sở VHTT&DL Hải Dương tổ chức cho thấy đây là điểm đến tiềm năng khai thác du lịch cuối tuần, nhất là thị trường khách Hà Nội đang thiếu điểm vui chơi. Tuy nhiên, hạ tầng khách sạn còn thiếu và không có dịch vụ vui chơi về đêm thì khó lưu chân khách nên thực tế có khai thác thì các điểm du lịch mới chỉ thu hút khách đi trong ngày.


Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, cho biết: “Du lịch Hải Dương vẫn chỉ là tiềm năng, quan trọng là tổ chức khai thác ra sao cho hiệu quả. Việc thiết kế tour văn hóa tâm linh một đến hai ngày theo nhu cầu của khách là hoàn toàn có thể như tuyến: Đền Chu Văn An - Côn Sơn Kiếp Bạc - múa rối nước Hồng Phong - đảo Cò. Thế mạnh của Hải Dương là khu đồng bằng sông Hồng với nhiều lễ hội nên Hải Dương sớm định hình sản phẩm mang đặc trưng để đẩy mạnh quảng bá, liên kết với các tỉnh bạn để cùng phát triển.


Hoàn thiện hạ tầng và dịch vụ


Ông Nguyễn Quý Phương cho rằng, ngoài lợi thế tiềm năng và vị trí gần Hà Nội, Hải Dương còn yếu về chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, cơ chế thu hút đầu tư và thông tin quảng bá. Ông Nguyễn Thanh Hải cũng thừa nhận: “Thực tế tại cơ sở kinh doanh của tôi khi nhận người vào làm đều phải đào tạo lại vì nhiều người học về du lịch, nhưng không biết rót rượu. Nhiều hướng dẫn viên lại thiếu hiểu biết về lịch sử và sản vật địa phương.


Hải Dương chỉ có “món sản phẩm” lẻ, rời rạc mà chưa có “gói sản phẩm” để chào bán tới các doanh nghiệp lữ hành trong cả nước. Đối với các điểm dừng chân khách quốc tế thì khu vệ sinh khá ổn, tuy nhiên khu vệ sinh cho khách nội địa còn nhiều điều đáng bàn, kể cả điểm du lịch đã có từ lâu như Côn Sơn - Kiếp Bạc".


Du khách tham quan xưởng sản xuất gốm Chu Đậu.


Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cũng đánh giá: Hải Dương được biết đến nhiều với các điểm dừng chân với nhiều dịch vụ bán hàng. Tuy nhiên, dịch vụ nhà hàng còn quá thiếu. Thực tế ở Hải Dương có khá nhiều nhà hàng nhưng nhỏ lẻ và thiếu nhà hàng đạt chuẩn. Bên cạnh đó, các điểm du lịch thiếu mặt bằng đỗ xe, với khu vực làng nghề như đặc sản bánh gai Ninh Giang cần chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm.


Đảo Cò là nơi hấp dẫn khách nhưng thiếu dịch vụ hỗ trợ như nhà hàng, nơi quan sát cò, thuyết minh viên... để du khách hiểu hơn về thiên nhiên. Nếu không có dịch vụ du lịch hỗ trợ thì việc đi từ Hà Nội xuống đảo Cò (Thanh Miện) mất hai giờ đồng hồ mà chỉ ngắm cảnh một tiếng thì quá phí và khó tổ chức tour thu hút khách. Ngay như Côn Sơn - Kiếp Bạc được nhiều người biết thì ăn uống và vệ sinh chưa đáp ứng được chuẩn.


Ông Chirtophem, Giám đốc điều hành khách sạn Nam Cường cho biết: Là người nước ngoài sống ở Hải Dương, tôi thấy dịch vụ du lịch tại Hải Dương còn nghèo nàn và tẻ nhạt. Tôi rất ấn tượng với đảo Cò ở Thanh Miện nhưng nếu không có dịch vụ bổ trợ như câu cá, tìm hiểu về đời sống làng quê xung quanh đó thì sẽ ít khách quay trở lại và giới thiệu bạn bè đến nghỉ ngơi cuối tuần.


Ông Nguyễn Quý Phương cho biết: Vấn đề nhà vệ sinh đang được Tổng cục Du lịch chỉ đạo làm theo chuẩn trên cả nước. Đây là chuyện nhỏ nhưng hóa lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Hải Dương có nhiều điểm dừng chân trên trục du lịch Hà Nội - Quảng Ninh nên cần tập trung vấn đề này.


Bên cạnh đó là vấn đề nâng cấp các dịch vụ tại các điểm du lịch mới thu hút khách và tạo nguồn thu. Nếu chỉ có điểm du lịch mà không có dịch vụ hỗ trợ thì khó có thể tạo sản phẩm giới thiệu và quảng bá thu hút khách. Đây là điều mà Hải Dương cần nỗ lực cải thiện.


Định hướng trong thời gian tới, Hải Dương xác định sẽ phát triển du lịch văn hóa tâm linh, trong đó coi trọng vấn đề đào tạo thuyết minh viên. Tổng cục đã giao cho các tỉnh quản lý và đã phối hợp với UNESCO Việt Nam và dự án đào tạo nguồn nhân lực EU xây dựng khung hướng dẫn thuyết minh viên. Bên cạnh việc kỹ năng chung sẽ có những kỹ năng riêng phù hợp với từng loại hình du lịch như du lịch văn hóa, du lịch thiên nhiên, làng nghề…. Tỉnh cũng cần có đầu tư xúc tiến quảng bá, xây dựng dự án hạ tầng… phù hợp với cam kết của tỉnh trong phát triển du lịch khi có quy hoạch được duyệt.


Ông Lương Văn Cầu cho rằng: Du lịch Hải Dương có xuất phát điểm thấp, mới phát triển, nên cần xây dựng đề án phát triển từng điểm và vùng như quy hoạch đảo Cò, Côn Sơn - Kiếp Bạc. Những ý kiến của doanh nghiệp du lịch đến từ thị trường khách Hà Nội sẽ là cơ sở để tỉnh hoàn chỉnh trong việc triển khai đề án và liên kết hơn nữa giữa doanh nghiệp du lịch Hải Dương và Hà Nội trong vấn đề thu hút khách. Hy vọng trong thời gian tới, Hải Dương sẽ là điểm đến, nhất là loại hình nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch tâm linh.


Bài và ảnh: Xuân Minh

Phú Yên thu hồi Dự án Khu du lịch resort Biển Xanh

UBND tỉnh Phú Yên vừa ra thông báo chính thức chấm dứt hiệu lực đầu tư đối với Dự án Khu du lịch resort Biển Xanh, do nhà đầu tư là Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Song Kỷ không triển khai theo tiến độ đầu tư, không thực hiện các quy định về Luật Thuế, Luật Đất đai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN