Tấp nập khách
Anh Nguyễn Minh Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa đặt vé và phòng cho gia đình 4 người đi Đà Nẵng vào cuối tháng 6 này hết 22 triệu đồng. "Nếu đặt vào ngày cuối tuần giá đắt thêm hơn 20%. Do đó, tôi và vợ quyết định đi vào ngày thường và xin nghỉ phép cơ quan. Gần như đặt dịch vụ du lịch vào dịp này rất khó vì nhiều nơi báo hết phòng hoặc vé máy bay khá đắt", anh Đức cho biết.
Còn chị Trần Quỳnh Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) mới đây tìm dịch vụ phòng nghỉ khách sạn tại Đồng Hới (Quảng Bình) cũng rất khó và giá tăng cao. “Do đó, tôi chọn nghỉ tại homestay giá 1 giường đôi và giường đơn là 500.000 đồng/ngày đêm. Dù không được tiện nghi nhưng cũng là dịp trải nghiệm cuộc sống người dân ven biển, được thưởng thức hải sản tươi”, chị Trần Quỳnh Hoa cho biết.
Trong khi đó, anh Nguyễn Tiến Hưng (Hà Nội) tổ chức cho nhóm bạn bè đại học đi Hạ Long (Quảng Ninh) dịp tháng 6 cũng không còn dịch vụ mà phải đẩy sang tháng 7. Anh Hưng cho biết, đầu tháng 6 anh liên hệ với hàng loạt hãng tàu, công ty du lịch, lữ hành nhưng không dễ tìm được sản phẩm thích hợp. Nhiều chủ tàu cho biết, do quá lâu không hoạt động nên tàu du lịch trên vịnh Hạ Long xuống cấp, không thể sử dụng được nữa, các tàu đang được mang đi sửa chữa, bảo dưỡng... “Số lượng tàu giảm, trong khi lượng khách lớn nên gần như không đủ đáp ứng”, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, Tổng giám đốc du lịch Vân Hải Xanh chia sẻ.
Từ góc độ đơn vị làm dịch vụ, ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP Du lịch Tân Thế giới (New World Travel) cùng với đội ngũ nhân viên phải chạy hết "công suất" tư vấn, phục vụ khách trong dịp hè này. "Lịch các đoàn, dịch vụ đu lịch đặt kín trong tháng 6 và và đầu tháng 7. Hiện cũng đã có nhiều đoàn khách đặt dịch vụ trong tháng 8. Có thể khẳng định du lịch nội địa hồi sinh dịp hè này, trong đó du lịch biển được nhiều người lựa chọn", ông Đặng Thanh Tùng khẳng định.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, tổng hợp thông tin từ các doanh nghiệp hội viên cho thấy, khách đặt kín các dịch vụ từ nay cho đến hết tháng 7. Do lâu ngày không được dịch chuyển vì dịch COVID-19 nên nhân dịp hè, trẻ được nghỉ học, nhiều người muốn có những chuyến du lịch thật ý nghĩa. Tuy cầu hiện nay đang vượt cung về du lịch, điều kiện doanh nghiệp lại khó khăn hơn trước nhiều nhưng các doanh nghiệp du lịch uy tín vẫn cố giữ chất lượng, giá cả các dịch vụ ổn định.
“Hiện nay khó nhất là dịch vụ hướng dẫn viên. Sau thời gian 2 năm nghỉ dịch nên nhiều hướng dẫn viên chuyển nghề nay tìm người đủ điều kiện hành nghề rất khó khăn. Hiện công tác phí trả lên 800.000 – 900.000 đồng/ngày, thậm chí 1 triệu đồng/ngày nhưng vẫn khó tìm. Đó là chưa kể hiện tượng đến sát giờ nhiều hướng dẫn viên huỷ lịch nhận tour với doanh nghiệp khiến đơn vị tổ chức khách đoàn gặp nhiều phiền phức. Do phần lớn hướng dẫn viên hiện nay hoạt động tự do nên chủ yếu dựa vào chữ tín chứ không có chế tài nào ràng buộc”, ông Phạm Hải Quỳnh chia sẻ.
Cùng với du lịch nội địa, du lịch ra nước ngoài, nhất là các nước không còn quy định khắt khe về thủ tục liên quan đến phòng dịch cũng hút khách lựa chọn. Trong đó các tour đi Dubai, châu Âu hoặc điểm đến trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Bali (Indonesia)… cũng nhiều khách đăng ký. "Thậm chí vé máy bay đi Dubai cũng đã kín không đặt được trong tháng 6”, ông Phạm Hải Quỳnh cho biết.
Theo Tổng cục Du lịch, khách du lịch nội địa trong tháng 5/2022 ước đạt 12 triệu lượt, tăng 243% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có khoảng 8,2 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú du lịch. Tính chung 5 tháng đầu năm, khách du lịch nội địa đạt khoảng 48,6 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch 5 tháng đầu năm ước đạt 211 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 6 và tháng 7 được nhận định là tháng cao điểm hè.
Nhiều hoạt động quảng bá thu hút khách quốc tế
Để khôi phục lại hoạt động du lịch dịp hè, các địa phương có thế mạnh du lịch biển tổ chức, giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới để thu hút khách. Đơn cử như tại Quảng Bình, ngoài các sản phẩm du lịch vẫn đang được chú trọng phát triển như: Du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên và hệ thống hang động kỳ vĩ tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; du lịch sinh thái suối Nước Moọc, sông Chày-hang Tối… thì nhiều sản phẩm du lịch mới đã được đưa vào hoạt động và khai thác thử nghiệm như: Khám phá Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong, hành trình thám hiểm rừng sâu hang Ba, tour thăm làng văn hóa Cự Nẫm…
Các hoạt động vui chơi, giải trí cũng được doanh nghiệp du lịch tại Quảng Bình đa dạng hóa loại hình như: Chạy bộ, đạp xe, đi thuyền quanh các làng quê, làng nghề khu vực Phong Nha, lướt ván, dù lượn cao tốc, chèo SUP, teambuilding tại các bãi biển Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú… nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Sở Du lịch Quảng Bình cũng đã phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam tổ chức hội nghị giới thiệu điểm đến và kích cầu du lịch với chủ đề “Miền di sản diệu kỳ”.
Từ đầu tháng 6/2022, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) tổ chức chức các hoạt động "Nha Trang - Chào hè 2022" như chương trình nghệ thuật Văn hóa dân gian Khánh Hòa "Đêm sắc màu huyền diệu"; Đêm hội thời trang "Sắc biển"; Chương trình nghệ thuật "Nha Trang - Rực rỡ những sắc màu"; Lễ hội "Ocean Holic Nha Trang 2022".
Còn Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn phát triển đường bay châu Á-Routes Asia 2022 (chính thức từ ngày 6 đến 8/6). Đây có thể coi là một trong những sự kiện MICE quốc tế lớn nhất của Đà Nẵng kể từ sau dịch. Sự kiện góp phần kết nối, xúc tiến và phát triển mạng lưới đường bay duy nhất và lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương với sự tham gia của nhiều đại biểu là các đơn vị, tổ chức quốc tế về hàng không thế giới. Đây là dịp truyền thông, quảng bá diễn đàn và hình ảnh điểm đến Đà Nẵng tới các thị trường quốc tế, đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện, chuẩn bị tốt nội dung làm việc với các đối tác quốc tế...
Hiện nay, theo ghi nhận từ các đơn vị lữ hành, khách quốc tế cũng đã vào Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trở lại trong tháng 5/2022 đạt 172.900 lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt 365.300 lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vẫn còn thấp hơn nhiều so với thời điểm trước dịch, nhưng đây là tín hiệu rất tích cực đối với ngành du lịch sau hơn 2 tháng Việt Nam chính thức công bố mở cửa hoàn toàn du lịch. Đặc biệt, tại SEA Games 31 vừa qua, Việt Nam là tâm điểm thu hút các đoàn vận động viên, quan chức thể thao, khách du lịch trong khu vực Đông Nam Á đến hội tụ, thi tài và thưởng ngoạn du lịch Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm, các thị trường khu vực trên thế giới đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể thị trường khu vực châu Á đạt 230.988 lượt khách, tăng 3,2 lần; khu vực châu Mỹ đạt 49.675 lượt khách, tăng 22,9 lần; khu vực châu Âu đạt 65.253 lượt khách, tăng 10,7 lần.
Dữ liệu theo dõi xu hướng thị trường du lịch của Google cho thấy Việt Nam tiếp tục nằm trong số quốc gia dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin quốc tế, nằm trong khoảng từ 50% đến 75%. 10 thị trường tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm Mỹ, Singapore, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Đức, Thái Lan, Canada, Anh...
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, kết quả tích cực của du lịch Việt Nam trong thời gian vừa qua đã phản ánh những thành tựu trong công cuộc phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam, sự thích ứng an toàn, linh hoạt của ngành du lịch, cũng những quyết sách quan trọng về việc mở cửa trở lại hoàn toàn hoạt động du lịch, sự phục hồi của các đường bay trong nước, quốc tế và các chính sách xuất nhập cảnh và y tế thông thoáng dành cho khách du lịch quốc tế.
Để đẩy mạnh quảng bá truyền thông, Tổng cục Du lịch kêu gọi sự hưởng ứng của người dân, du khách bình chọn cho du lịch Việt Nam tại Giải thưởng du lịch World Travel Awards 2022; tập trung vào các hạng mục: Điểm đến hàng đầu châu Á; Điểm đến di sản/văn hóa/du lịch bền vững hàng đầu châu Á.
Năm nay là lần thứ 29 WTA tổ chức hoạt động bình chọn và trao giải thưởng. Hoạt động bình chọn cho các giải thưởng cấp khu vực và châu lục bắt đầu diễn ra kể từ ngày 30/5/2022 để chọn ra những ứng viên xuất sắc nhất tranh giải cấp toàn cầu.
Việc bình chọn cho du lịch Việt Nam có cơ hội nhận giải thưởng của WTA - tổ chức Giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực du lịch là niềm tự hào không chỉ của riêng ngành Du lịch mà còn của con người Việt Nam nói chung khi hình ảnh một Việt Nam an toàn và tuyệt đẹp được truyền tải rộng khắp các kênh truyền thông nước ngoài, góp phần tăng cường truyền thông mời khách du lịch quốc tế trở lại, trải nghiệm một Việt Nam đầy sức sống với thiên nhiên tươi đẹp và nền văn hóa đầy bản sắc được quốc tế tôn vinh.