Nổi danh là “đất trăm nghề”, Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó 198 làng được công nhận “làng nghề truyền thống”. Những làng nghề này gắn liền với lịch sử của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến và mang trong mình nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú. Thế nhưng trên thực tế, dù đã có đề án khai thác của cả hai ngành Công Thương và Du lịch, nhưng đến nay, làng nghề phát triển vẫn chỉ là tiềm năng.
Ít đầu tư
Nhìn vào các lịch trình tour tham quan Hà Nội của các doanh nghiệp lữ hành, dễ dàng nhận thấy chỉ có 2 điểm làng nghề đã hình thành sản phẩm du lịch của riêng mình gồm: Làng nghề gốm sứ Bát Tràng và lụa Vạn Phúc. Các điểm làng nghề khác, dù đã định hướng phát triển gắn với du lịch nhưng các doanh nghiệp lữ hành gần như không đưa khách đến.
Du khách tô vẽ tượng ở Bát Tràng. Ảnh: Xuân Cường |
Xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), cách trung tâm Thủ đô gần 40 km về phía Nam, từ lâu đã nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước với những sản phẩm mỹ nghệ khảm trai đa dạng như: Tủ, bàn ghế, tranh phong cảnh, hộp đựng khăn giấy và đồ trang sức…
Dưới bàn tay tài hoa của những người thợ nơi đây đã tạo ra những bức tranh khảm trai nổi tiếng về khảm trai xuất khẩu. Tương tự, nhờ việc “thổi hồn vào sừng”, những người thợ làng Thụy Ứng (huyện Thường Tín) đã tạo ra những sản phẩm lưu niệm được nhiều người yêu thích. Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử của làng Thụy Ứng cho biết, trong thời gian diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất bán được hàng nghìn đồ trang sức được làm từ sừng như: Lược, vòng, nhẫn, móc chìa khóa…
Tuy vậy, đằng sau những cơ ngơi bề thế, khu sản xuất khiến du khách nghẹt thở vì đủ mùi hôi, tanh bốc ra từ xương, sừng, vỏ trai, vỏ ốc, vụn gỗ, các loại hóa chất… Khi được hỏi về biện pháp xử lý, anh Sử chỉ lắc đầu im lặng.
Bên cạnh đó, với nhiều làng nghề truyền thống, thu nhập khấm khá từ nghề, phong cảnh làng quê nhiều thay đổi từ những chiếc cổng làng, đến những ngôi nhà mái ngói rêu phong đang dần bị bê tông hóa thành nhà cao tầng, khiến làng mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn rất được du khách ưa thích.
“Làng nghề truyền thống được xem như một dạng tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi các sản phẩm du lịch làng nghề luôn bao hàm trong nó cả những giá trị vật thể và phi vật thể.
Thừa tiềm năng nhưng thiếu định hướng, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phát triển theo hướng tự phát đang là thực trạng chung của các làng nghề hiện nay”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) nhận xét. Và đó cũng chính là lý do khiến làng nghề chưa phát triển được tiềm năng du lịch của mình.
Làm điểm tour làng nghề chuyên biệt
Ông Colin Septon, du khách người Ôxtrâylia chia sẻ: “Chúng tôi đến Việt Nam, ngoài tham quan danh lam thắng cảnh thì cũng rất muốn tìm hiểu đời sống, văn hóa bản địa.
Đến làng nghề, không chỉ để mua các mặt hàng thủ công mà chúng tôi còn muốn trao đổi trực tiếp với người dân bản địa, xem quá trình làm sản phẩm, thậm chí tự tay làm để có trải nghiệm rằng làm một sản phẩm thủ công khó khăn như thế nào?
“Đây chính là mô hình du lịch homestay được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đang triển khai hiệu quả. Nhất là lâu nay, trên các diễn đàn du lịch nước ngoài có nhận xét, nhiều sản phẩm lưu niệm bày bán tại các điểm du lịch nhập từ Trung Quốc, vậy thì đến chính làng nghề, vừa để khách tham quan, vừa để khách trực tiếp mua sản phẩm.
Trong khi đó, có một nghịch lý là sản phẩm làng nghề truyền thống của Việt Nam chủ yếu xuất ra nước ngoài, trong khi thị trường trong nước (bán trực tiếp cho du khách) thì bỏ ngỏ”, anh Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty Mai Phượng Vy tại Hà Nội nhận xét.
Tuy nhiên, do cách làm “ăn xổi”, chỉ nặng khai thác các điểm di tích sẵn có, chưa có sự đầu tư, hướng dẫn du lịch bài bản nên khi đặt chân đến các làng nghề truyền thống của nước ta, khách du lịch không biết phải tìm hiểu phong tục, tập quán và văn hóa như thế nào.
“Đáng tiếc nhất là du khách không có cơ hội trực tiếp tham gia vào công việc của người dân bản địa. Nhìn chung cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng được việc đưa đón khách nhưng các dịch vụ phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế”, đại diện công ty lữ hành trên địa bàn Hà Nội nhận xét.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT& DL Hà Nội cho biết: Trong đề án phát triển du lịch Hà Nội 10 năm tới, Sở VH,TT&DL Hà Nội đang xây dựng riêng đề án phát triển làng nghề, trong đó lựa chọn từ 5-7 làng nghề truyền thống xây dựng thành tour du lịch chuyên biệt như tại các điểm làng nghề truyền thống khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, trạm sừng Thụy Ứng và mây tre đan Phú Vinh, đúc đồng Ngũ Xã...
Đây có thể là cách làm phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Xuân Cường