Du lịch lễ hội: Nhộn nhịp tour hành hương

Vài năm gần đây, cứ sau Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lễ tăng mạnh, nhất là tại miền Bắc có nhiều lễ hội. Điều này cũng phản ánh một nét văn hóa tâm linh muốn cầu an, làm ăn thuận lợi ngay từ đầu năm của người dân Việt.

Thỏa nguyện tâm linh

Trước bộn bề cuộc sống, hiện nay, vào dịp đầu năm, mọi người có xu hướng tìm về nơi yên tĩnh, để lòng mình lắng đọng lại. Nếu như trước kia, trong các tour du lịch chỉ có 1 – 2 cảnh chùa trong tuyến tham quan thì giờ đây, rất nhiều điểm đến là chùa, đền được giới thiệu trong các đường tour du lịch hành hương ngay dịp sau Tết Nguyên đán hàng năm. Không chỉ có du khách trung niên, lớn tuổi tìm đến các tour du lịch tâm linh (hay còn gọi là du lịch hành hương), đông đảo bạn trẻ đăng ký tour này cũng khá đông. Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Vietravel cho biết: “Đối với tour trong nước, du khách miền Nam, sẽ có xu hướng hành hương phương Bắc. Hiện tại, Vietravel giới thiệu 4 chương trình tour “Hành hương Phương Bắc” với nhiều điểm đến ý nghĩa như: Chùa Bái Đính, Tràng An, Đền Đô, Yên Tử… Bên cạnh đó, tour hành hương xuôi về miền tây viếng chùa bà Chúa Xứ đang là tour “hot” do đây là điểm đến linh thiêng nhất của du khách miền Nam. So sánh với cùng kỳ năm 2011, tour hành hương năm nay tăng khoảng 30%”.

Du khách tấp nập đi lễ hội chùa Hương


Với nhu cầu đi tour hành hương tăng mạnh, một số công ty lữ hành mạnh về nội địa tại TP.HCM đang liên kết với hàng không chào bán một số tour sử dụng vé máy bay giá rẻ để kích thích nguồn khách ưa thích hành hương ra Bắc chiêm bái Phật đầu năm, nhưng băn khoăn giá tour quá cao. “Các doanh ngiệp lữ hành đã chủ động lường trước những khó khăn chung về kinh tế, tìm kiếm cơ hội hợp tác song phương với hệ thống cung cấp dịch vụ trong nhiều lĩnh vực như hàng không, khách sạn... nhằm ổn định cho các hành trình. Như ngay từ đầu năm Vietravel đã hợp tác với Hãng hàng không VietJet Air, giảm đến 2 triệu đồng/người đối với tour khám phá lễ hội miền Bắc được khởi hành đến hết tháng 4/2012”, ông Mẫn cho hay.

Du khách hành hương về Yên Tử.

Đại diện hãng lữ hành trong Nam cũng nhận xét: “Để cạnh tranh với tour du lịch Thái hoặc Malaixia, giờ chúng tôi đang chờ hàng không chấp thuận dành cho mức vé rẻ và hy vọng giữ được giá tour không tăng so với cuối 2011. Thực tế, giá tour từ TP Hồ Chí Minh đi phía Bắc còn hơn so với giá tour đi các nước trong khu vực. Sau một thời gian quan sát, chúng tôi cũng có hợp tác với hãng hàng không giá rẻ mới thâm nhập thị trường VietJet Air để có mức giá hợp lý. Với việc khởi hành đúng giờ, VietJet Air đang là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp lữ hành phương Nam khi đưa khách ra Bắc”. Bên cạnh đó, để kích cầu, các doanh nghiệp lữ hành cũng giảm giá 10-20% cho nhóm từ 8 khách trở lên, hoặc mua tour trước ngày khởi hành hai tuần trở lên.

Cũng trong dịp này, tour hành hương về đất Phật Tây Tạng, Nepal hay Ấn Độ cũng là lựa chọn của khá đông khách du lịch Việt Nam, dù chi phí khá đắt đỏ như tour đến Ấn Độ - Nepal (10 ngày) giá khoảng 44 triệu đồng/người; Vientiane (Lào) - Udonthani (4 ngày) giá khoảng 14 triệu đồng/người…

Giá thuê xe tăng

Theo ông Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Công ty du lịch Tầm nhìn Việt, không phải chỉ riêng mùa lễ hội mà cả những ngày lễ tết, mùa hè thì phương tiện vận chuyển, giá thuê xe những ngày cao điểm thường tăng trên 30% so với ngày thường.

“Các nhà xe thường nhìn “mặt khách hàng” để tăng giá. Với khách hàng là doanh nghiệp lữ hành thuê ổn định của họ trong cả năm thì thường họ chỉ dám tăng nhỉnh hơn chút vào ngày cao điểm. Còn khách lẻ thuê theo chuyến theo kiểu cả năm mới có một lần thì việc bị “chặt” đẹp là chuyện dễ xảy ra”, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour cho hay. Chính vì vậy mới có chuyện giá thuê 1 xe 45 chỗ tour Yên Tử ước định 400 km, thông thường được tính 12 nghìn/km, tương đương với 4,8 triệu đồng cho một tour cả chiều đi và chiều về… Tuy nhiên trong thời kỳ cao điểm, giá tính không phải theo tour mà là theo ngày, lên đến khoảng 8 triệu đồng/ngày. Còn đi Bái Đính, đền Trần, giá đặt trước Tết khoảng 3,5 triệu đồng thì dịp này nhà xe hét 7-8 triệu đồng mà không có xe.

Chị Thu Huyền làm tại VCCI nhận xét: Tính chi tiết chi phí, giá thuê xe và các chi phí khác còn đắt hơn mua tour. Chình vì vậy, thay vì thuê xe, đơn vị quay sang mua tour du lịch, giá cũng “xêm xêm” mà lại chẳng phải lo gì. Nhất là hiện nay, một số doanh nghiệp lớn có thương hiệu, họ mở tour đi hàng ngày.

Theo nhận định, giá tour hành hương năm nay tăng khoảng 15% nhưng sức hút của tour lễ hội vẫn không giảm. Tour hành hương sẽ vẫn hút khách đến khoảng cuối tháng 3 và sau đó là các doanh nghiệp du lịch lại chuẩn bị cho mùa du lịch hè sẽ khởi động vào cuối tháng 4 với các điểm đến hấp dẫn tại miền Trung.

Bài và ảnh: Xuân Minh 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN