Lộ trình phục hồi, đảm bảo an toàn phòng dịch
Sau khi trở lại trạng thái "bình thường mới", Thành phố Hồ Chí Minh - thị trường du lịch sôi động sớm triển khai một số tour du lịch nội thành cũng như đến một số địa phương đã sẵn sàng đón du khách với các điểm đến là các “vùng xanh”, kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022, du lịch thành phố thực hiện kế hoạch phục hồi với quan điểm an toàn về: Nhân lực, điểm đến và các dịch vụ , tăng cường kết nối với các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn, liên vùng. Ngay trong tháng 10 và 11 nhiều hoạt động kết nối và các tour du lịch khai thác thương mại đã được thực hiện, đưa du khách đến các điểm tham quan, du lịch tiêu biểu của vùng Đông và Tây Nam Bộ như: Các di tích lịch sử, làng nghề khu du lịch sinh thái xứ dừa Bến Tre hoặc các khu, điểm du lịch thuộc vùng Đồng Tháp Mười trong mùa nước nổi ở tỉnh Long An.
Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, thực hiện lộ trình khôi phục, sau các tour thí điểm tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch, Công ty đã liên kết với các doanh nghiệp du lịch tại một số địa phương nhanh chóng khởi động, làm mới các sản phẩm để đưa du khách đến trải nghiệm. Đơn cử, tour đến tham quan, trải nghiệm xứ Dừa - Bến Tre do đơn vị thực hiện vào giữa tháng 11 đã diễn ra an toàn, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19, tạo đà cho các hành trình tour tiếp theo trong thời gian tới.
Các sản phẩm tour do Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cung cấp tới du khách trong giai đoạn thích ứng, an toàn với dịch COVID-19 hiện nay được tổ chức theo đoàn, mô hình khép kín, khách chủ yếu trải nghiệm không gian sinh thái thông thoáng, sông nước, thưởng thức ẩm thực đặc sắc bản địa kết hợp nghỉ dưỡng, phục hồi, tăng cường sức khỏe. Các tour đều bảo đảm các tiêu chí an toàn về y tế cho tất cả các bên tham gia, gồm đơn vị phục vụ tour, du khách, cộng đồng địa phương và cơ sở dịch vụ tại điểm đến.
Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), thực hiện “mục tiêu kép” phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 và khôi phục du lịch, các hoạt động dịch vụ lữ hành được doanh nghiệp được áp dụng theo tiêu chí “3 lá chắn” là: Sàng lọc toàn diện - khử khuẩn an toàn - trang bị bảo hộ đầy đủ, lấy an toàn làm hàng đầu. Vietravel cũng nỗ lực khai thác và tìm kiếm các điểm đến là “vùng xanh” nhằm mang lại cho du khách nhiều lựa chọn phù hợp.
Góp phần phát triển du lịch liên vùng Thành phố Hồ Chí Minh- Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp này đã chuẩn bị loạt sản phẩm và linh hoạt khai thác tùy thuộc vào công tác kiểm soát dịch COVID-19 ở từng địa phương, cụ thể như các tour: Thành phố Hồ Chí Minh- Khu du lịch Xẻo Quýt và Làng hoa kiểng Tân Quy Đông ở tỉnh Đồng Tháp; Thành phố Hồ Chí Minh- Khu du lịch Làng nổi Tân Lập (Long An); Thành phố Hồ Chí Minh- trải nghiệm Homestay Út Trinh và làng Gốm Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long); Thành phố Hồ Chí Minh- Rừng tràm Trà Sư (An Giang)-thành phố Hà Tiên, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) - Cần Thơ…
Tiếp tục hoàn thiện, làm mới sản phẩm
Theo nhiều chuyên gia, phục hồi du lịch không đồng nghĩa với việc quay trở lại ngày hôm qua với những sản phẩm, trải nghiệm đã quen thuộc. Do đó, để thu hút du khách, mỗi địa phương, điểm đến cần có những sáng tạo mới, những sản phẩm được hoàn thiện ở mức độ cao hơn, có sức hấp dẫn nhiều hơn.
Đề cập về lộ trình khôi phục du lịch cũng như kế hoạch phát triển sản phẩm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Việt Phường, khẳng định: Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 7 vùng du lịch của cả nước, có đa dạng tài nguyên du lịch từ các khu rừng nguyên sinh, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên, vùng đất ngập nước, biển đảo cùng rất nhiều tài nguyên du lịch nhân văn từ những nét văn hóa đặc trưng. Trên cơ sở thế mạnh này, tương ứng với kế hoạch phục hồi hoạt động ở từng địa phương, các sản phẩm có ưu thế sẽ được mỗi địa phương tiếp tục sáng tạo, hoàn thiện và làm mới để sẵn sàng phục vụ du khách.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An Nguyễn Anh Dũng thông tin, thực hiện kế hoạch phục hồi du lịch, địa phương tiếp tục phối hợp với các đoàn khảo sát, kết nối tour, tuyến, hoàn thiện các sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, mới mẻ từ việc khai thác tối đa lợi thế của du lịch địa phương, phù hợp điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt trong thời điểm này. Các điểm đến sớm đón khách trở lại tại Long An như: Khu du lịch Cánh đồng bất tận, Khu du lịch Làng nổi Tân Lập đều đã nỗ lực đưa ra các sản phẩm, trải nghiệm mới hoặc được hoàn thiện hơn như giới thiệu thêm nhiều loại các sản phẩm vừa được nghiên cứu, sản xuất từ nguồn dược liệu vùng Đồng Tháp Mười, hoặc đầu tư việc thuyết minh, hướng dẫn du khách cách chế biến, thưởng thức nhiều loại thực phẩm, rau lá trong mùa nước nổi, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tạo thêm năng lượng tích cực cho du khách.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười, thực hiện kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn trong điều kiện thích ứng an toàn với COVID-19, những tháng cuối năm 2021 và trong năm 2022, các địa phương, đơn vị chức năng của tỉnh Bến Tre tạo thuận lợi, khuyến khích các đơn vị kinh doanh du lịch nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm mới theo hướng tour khép kín, tập trung vào các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, các chương trình tham quan ngoài trời, trải nghiệm, mua sắm đặc sản địa phương…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng đẩy mạnh xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ nhau, làm mới, bổ sung giá trị gia tăng cho từng sản phẩm dịch vụ, đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19; hưởng ứng việc thiết kế sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp tình hình và duy trì chất lượng các sản phẩm để từng bước phục hồi và phát triển du lịch ở địa phương.