Phát triển theo trọng tâm
Theo chuyên gia du lịch, sau dịch COVID-19, tâm lý và nhu cầu của du khách đã có nhiều thay đổi với xu hướng tìm kiếm, lựa chọn điểm đến và đánh giá cao các giá trị trải nghiệm mới. Do vậy, các địa phương, đơn vị xây dựng, khai thác sản phẩm cần có giải pháp, chiến lược theo hướng trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở thế mạnh địa phương và nhu cầu thị trường du khách.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm, nắm bắt các xu hướng du lịch mới với định hướng phát triển du lịch thành phố thành điểm đến du lịch sống động hàng đầu châu Á, nơi du khách có nhiều trải nghiệm với những giá trị khác biệt, độc đáo của di sản văn hóa, lối sống trong một thành phố thông minh, mang đến sự khởi sắc và cảm xúc trong mỗi hành trình. Với trên 4.000 cơ sở lưu trú, gần 1.300 doanh nghiệp lữ hành, trên 360 tài nguyên du lịch đã được công bố, thành phố có nhiều thuận lợi phát triển đa dạng sản phẩm, phục vụ lượng lớn du khách.
Thành phố tiếp tục phát triển, đổi mới sản phẩm theo chương trình "Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách", khảo sát điểm đến tham quan, xây dựng chương trình tour, chú trọng sản phẩm đậm nét văn hóa, trải nghiệm, sản phẩm du lịch đêm, du lịch kết hợp công tác, du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch y tế...
Cùng mục tiêu đa dạng sản phẩm, Kiên Giang tập trung triển khai theo trọng tâm, thế mạnh của các cụm như: Cụm du lịch Phú Quốc và phụ cận, cụm du lịch Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận, cụm du lịch Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận. Trên cơ sở đó, đối với sản phẩm du lịch cộng đồng, tỉnh tập trung phát triển mạnh, nâng tầm các điểm đến, tạo bứt phá cho du lịch như: Làng chài Hàm Ninh, khu nhà thùng nước mắm và khu vườn tiêu ở thành phố Phú Quốc, các điểm đến đầm Đông Hồ, quần đảo Hải Tặc ở thành phố Hà Tiên, quần đảo Bà Lụa tại huyện Kiên Lương, đồng cỏ bàng Phú Mỹ thuộc huyện Giang Thành, các đảo ở huyện Kiên Hải, Khu Di tích danh thắng Ba Hòn và Khu Di tích lịch sử Ba Hòn thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, Vườn Quốc gia U Minh Thượng, dải rừng phòng hộ ven biển huyện An Biên - An Minh...
Cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười, địa phương phát triển đa dạng sản phẩm du lịch để tạo sự khác biệt với các tỉnh lân cận, tập trung khai thác thế mạnh về dừa, văn hóa miệt vườn, quê hương của phong trào Đồng Khởi, đẩy mạnh liên kết vùng để đa dạng sản phẩm du lịch. Tỉnh tập trung phát triển các cụm du lịch sinh thái và trải nghiệm khu vực Bắc Bến Tre, du lịch giải trí - nghỉ dưỡng ven biển gắn với bảo vệ rừng tại các huyện Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại, phát triển tour du lịch văn hóa - tâm linh gắn với các di tích, phát triển du lịch MICE ở huyện Châu Thành và thành phố Bến Tre. Tỉnh nghiên cứu củng cố, nâng chất các lễ hội đặc trưng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của Bến Tre để thu hút du khách.
Đẩy mạnh liên kết và quảng bá
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, trong giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương là đúng hướng, thể hiện sự năng động, sáng tạo. Để liên kết phát triển du lịch đạt hiệu quả cao, từng địa phương, các sở, ngành tạo thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, dịch vụ kết nối, hợp tác, trao đổi, đồng thời tăng cường quảng bá về điểm đến nổi bật cùng chuỗi sản phẩm, hành trình qua nhiều địa phương.
Liên quan đến phát triển sản phẩm, đẩy mạnh liên kết, lãnh đạo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh thông tin, ngành Du lịch thành phố tiếp tục triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam và Bắc Trung Bộ, Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc. Du lịch thành phố tiếp tục phát huy vai trò then chốt của các doanh nghiệp lữ hành, hiệp hội, dịch vụ trong xây dựng, phát triển sản phẩm theo hướng hấp dẫn, độc đáo của mỗi địa phương và toàn vùng song vẫn đảm bảo tính kết nối, tạo thành chuỗi điểm đến đa dạng, hấp dẫn để khai thác thị trường khách nội địa, khách quốc tế.
Về công tác quảng bá, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức các chiến dịch truyền thông điểm đến theo chủ đề cụ thể của từng quý, ví dụ quý III/2022 là “Phong phú điểm hẹn, vui từng trải nghiệm”, quý IV là “Bừng sắc lễ hội, sắm thỏa đam mê”. Thành phố nâng cao chất lượng và tính phong phú các thông tin trên Cổng thông tin của Sở Du lịch nhằm phục vụ tốt hơn người dân, du khách, cập nhật dữ liệu phục vụ khách du lịch về địa điểm nổi tiếng, địa điểm tiện ích lên các nền tảng Goggle Maps, Goggle Arts & Culture.
Cùng đề cập giải pháp liên kết vùng, trong đó, có các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của địa phương trọng điểm về du lịch trong hợp tác, gắn kết với các địa phương thuộc vùng trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch. Đối với xây dựng, quảng bá thương hiệu và sản phẩm đặc trưng, tỉnh tiếp tục coi liên kết vùng là trọng tâm phát triển du lịch. Tỉnh tập trung liên kết hiệu quả hơn các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ và mở rộng ra vùng khác như Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ để khai thác hiệu quả hơn sản phẩm đặc thù từng địa phương, đa dạng loại hình du lịch, tăng tính cạnh tranh cho vùng. Tỉnh khuyến khích Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch chủ động liên kết, hợp tác để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển dịch vụ phục vụ du khách.
Đồng quan điểm xem việc đẩy mạnh liên kết là giải pháp quan trọng góp phần khai thác hiệu quả nguồn khách, phát triển đa dạng sản phẩm, ở góc độ doanh nghiệp, ông Trương Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) đề xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện chính sách, văn bản pháp lý liên quan để việc liên kết vùng được thực hiện tốt hơn dựa trên cơ chế theo dõi, đôn đốc và điều phối hiệu quả. Các địa phương cũng như từng vùng du lịch đẩy mạnh xúc tiến du lịch vùng thông qua xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch của vùng, phát huy tác dụng của công nghệ số để quảng bá, xúc tiến du lịch.