Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm 1,1 tỷ lượt, tổng thu du lịch toàn cầu tổn thất 1.100 tỷ USD; khoảng 100-120 triệu lao động ngành du lịch bị mất việc.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ở Việt Nam, dù dịch COVID-19 đã nhanh chóng được khống chế tốt, nước ta trở thành điểm sáng về an toàn phòng dịch trên toàn thế giới nhưng ngành du lịch không tránh khỏi những tổn thất nặng nề. Do đó, ngành du lịch đã chuyển hướng sang phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh du lịch quốc tế ngưng trệ từ đầu năm 2020.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã 2 lần phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa vào tháng 5/2020 với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và tháng 9/2020 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Chương trình kích cầu nội địa đã nhận được sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân hưởng ứng tích cực nên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến giữa tháng 7/2020, lượng khách đến một số địa phương, trung tâm du lịch được ghi nhận tăng từ 1,5 – 3 lần, hầu hết các đường bay nội địa được nối lại. Đồng thời, nhiều đường bay mới được đưa vào khai thác để phục vụ khách du lịch nội địa.
Tính đến tháng 10/2020, khách du lịch nội địa đã đạt 42,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 10 tháng của năm 2020 ước đạt 253.100 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng khách sạn ở nhiều địa phương như ở Đà Lạt, Sầm Sơn, Sa Pa, Hạ Long, Phú Quốc...đã đạt tới 30- 50%, vào dịp cuối tuần lên tới 80 – 90%. Có thể thấy rằng dù khách du lịch quốc tế chưa được nối lại nhưng hoạt động du lịch nội địa đã góp phần duy trì hoạt động của ngành du lịch nước ta, hạn chế thấp nhất tổn hại do dịch COVID -19.
Trong bối cảnh dịch bệnh, quá trình chuyển đổi số trong quản lý, kinh doanh, nghiên cứu thị trường, tiếp thị và bán sản phẩm du lịch là yêu cầu mang tính chất “sống còn”. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, trong đề án này nội dung chuyển đổi, ra mắt ứng dụng, tiện ích trong hoạt động du lịch đang được các doanh nghiệp du lịch nước ta triển khai rộng khắp.
Các địa phương và doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động liên quan đến chuyển đổi số trong quản lý; thông tin du lịch, thông tin các điểm đến, sản phẩm du lịch của các địa phương đang dần được số hóa. Các doanh nghiệp du lịch đã chủ động tận dụng các lợi thế của công nghệ thông tin, mạng xã hội để đẩy mạnh hoạt động tiếp thị số và thương mại điện tử, xây dựng các kênh phân phối, bán hàng trực tuyến.
*Trang web của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards- WTA) đã công bố: Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2020”. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Việt Nam giành chiến thắng ở hạng mục này, tiếp tục khẳng định sức hút của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Trước đó, đầu tháng 11/2020, Việt Nam đã được vinh danh tại các hạng mục “Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á” tại lễ công bố kết quả bình chọn giải thưởng Giải thưởng Du lịch thế giới khu vực châu Á năm 2020...