Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ Vườn quốc gia Cúc Phương Đỗ Hồng Hải cho biết: Lịch sử 56 năm xây dựng và phát triển Vườn quốc gia Cúc Phương cũng là lịch sử hình thành và phát triển của hoạt động du lịch của Vườn. Từ Tổ nhà khách trực thuộc phòng Tổ chức - Hành chính quản trị, đến nay đã phát triển thành Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ như hiện nay.
Quá trình phát triển Vườn cũng chính là quá trình nhận thức về du lịch sinh thái. Bởi từ khi thành lập đến 1986, hoạt động du lịch ở Cúc Phương đơn thuần là thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, giới thiệu, hướng dẫn cho các đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập hoàn toàn mang tính phục vụ. Nhưng từ năm 1990, nhờ có sự đầu tư của Nhà nước, cùng với nhiều chương trình, dự án trong nước và quốc tế được triển khai, đặc biệt là thời điểm bắt đầu kinh tế mở cửa, hội nhập, hoạt động du lịch của Cúc Phương có bước phát triển mạnh mẽ.
Đội ngũ cán bộ của Vườn quốc gia Cúc Phương đã có bước đột phá trong nhận thức, đó là phát triển du lịch ở Khu bảo tồn thiên nhiên nói chung, ở Cúc Phương nói riêng phải tổ chức theo định hướng du lịch sinh thái. Để phục vụ mục tiêu bảo tồn, Vườn đã tổ chức nhiều loại hình du lịch, song du lịch sinh thái được xác định là loại hình du lịch chính với những nguyên tắc cơ bản. Đó là các hoạt động du lịch không làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, đời sống tự nhiên của các loài động thực vật hoang dã, cảnh quan thiên nhiên, văn hoá cộng đồng.
Thông qua hoạt động du lịch để giáo dục nâng cao nhận thức cho du khách về môi trường, về các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hoá, lịch sử, tạo ý thức tham gia của du khách vào các hoạt động bảo tồn; thu hút, tạo điều kiện để cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch và được hưởng lợi từ những hoạt động đó.
Trên cơ sở này, Cúc Phương đã xây dựng được nhiều tuyến du lịch chuyên đề, gồm các tuyến xem chim, xem côn trùng, xem dơi, xem trà hoa vàng, tuyến xuyên rừng ngủ bản Mường. Năm 2005, Cúc Phương bắt đầu triển khai các hoạt động du lịch mang lại tính hấp dẫn và thu hút khách rất cao, như xây dựng được nhiều tuyến đi bộ trong rừng có nội dung và thời gian khác nhau, du khách có thể lựa chọn cho mình những tuyến phù hợp, một số tuyến đi bộ du khách có thể tự khám phá. Hoặc có sự hướng dẫn, giới thiệu của hướng dẫn viên để chuyến đi của du khách sẽ trở nên thú vị và ý nghĩa hơn. Riêng tuyến cắm trại và ngủ đêm trong rừng, tuyến đi bộ dài ngày lên Khu bảo tồn Ngọc Sơn, Khu bảo tồn Pù Luông là những tuyến hấp dẫn được nhiều du khách quan tâm.
Ngoài ra du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng cũng là giải pháp quan trọng, góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương. Với 1 hay 2 đêm nghỉ lại tại bản Mường, du khách đã tạo thu nhập thêm cho người dân và hỗ trợ công tác bảo tồn. Trong thời gian ở bản, đồng bào Mường với lòng nhiệt tình mến khách sẽ mang lại cho du khách thời gian thoải mái và cơ hội để tìm hiểu, khám phá những nét văn hoá bản địa độc đáo, được thưởng thức những điệu múa, những bài hát truyền thống của dân tộc Mường và các dân tộc vùng cao. Hoạt động này được xây dựng nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá các dân tộc vùng núi nói chung và văn hoá dân tộc Mường nói riêng.
Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, Vườn quốc gia có thể tổ chức chương trình xem động vật hoang dã ban đêm, thực hiện chương trình này du khách sẽ có cơ hội được nhìn thấy một số loài động vật hoang dã như: Sóc đen, Sóc bay, Hoẵng, Culi và một số loài thú ăn thịt nhỏ. Xem chim Cúc Phương là một trong những điểm đa dạng nhất về khu hệ chim ở miền Bắc Việt Nam, với 308 loài đã được phát hiện và thống kê, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Gõ kiến đầu đỏ, Gà lôi trắng, Niệc nâu, Đuôi cụt bụng vằn… và nhiều là loài đặc hữu của Việt Nam và bán đảo Đông Dương.
Cúc Phương đã trở thành một địa điểm không thể bỏ qua đối với các nhà khoa học. Thời điểm tốt nhất để xem chim là buổi sáng sớm và chiều tối. Một trong những hình thức khám phá bí ẩn của thiên nhiên Cúc Phương là đạp xe đạp trong rừng, mang lại cho du khách không chỉ những cảm giác yên tĩnh, cảm nhận thực sự về thiên nhiên mà còn giúp cho du khách có được những cơ hội để bắt gặp những loài động vật khó gặp ở Cúc Phương. Hay chèo thuyền kayak trên hồ Mạc và hồ Yên Quang là một trong những hoạt động hấp dẫn được nhiều du khách ưa thích.
Vườn cũng đã điều tra và thống kê được 110 loài bò sát và lưỡng cư, 1.899 loài côn trùng, trong đó có nhiều loài là loài đặc hữu của Cúc Phương và Việt Nam. Một số loài dễ bắt gặp và có hình dạng kỳ lạ như: Rắn lục, Ếch xanh hay các loài bọ que… Hiện đã thống kê được 43 điểm đa dạng sinh học, đây là kết quả từ sự hợp tác nghiên cứu giữa Vườn quốc gia Cúc Phương và nhóm hợp tác nghiên cứu đa dạng sinh học quốc tế (ICBG). Thăm các điểm đa dạng sinh học này du khách sẽ có nhiều cơ hội để học tập và tìm hiểu các loài thực vật nhiệt đới. Vườn cũng xây dựng chương trình kết hợp giữa tham quan và học tập, tìm hiểu các giá trị tài nguyên thiên nhiên cho học sinh phổ thông...
Đề cập về hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Vườn quốc gia Cúc Phương trong những năm tới, ông Đỗ Hồng Hải cho rằng, du lịch sinh thái là loại hình du lịch còn mới mẻ với Việt Nam, bởi vậy cần tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về hoạt động này. Đối tượng không chỉ cho các nhà quản lý, hướng dẫn viên du lịch của các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, cộng đồng địa phương mà kể cả các nhà hoạch định chính sách và khách du lịch. Cùng với việc hoàn thiện các cơ chế chính sách, cần có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuê môi trường rừng, có chính sách ưu đãi về thuế cũng như đơn giản hóa các thủ tục đầu tư cho các dự án du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên.
Vườn quốc gia Cúc Phương mong muốn có được quy hoạch tổng thể và quy hoạch cho từng khu vực, từ đó xây dựng và đầu tư thích đáng cho các hoạt động du lịch phù hợp dựa theo tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng du lịch vùng và khu vực. Đối với tuyến du lịch có sự tham gia của cộng đồng, phải xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích rõ ràng và phù hợp. Từ đó sắp xếp lại cơ cấu tổ chức hợp lý, phù hợp hơn với từng vị trí công việc gắn với đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách.
Bài cuối: Hoàn thiện cơ chế chính sách xây dựng các mô hình đích thực