Du lịch sinh thái miệt vườn ở vùng đất 'Chín rồng' - Bài cuối: Cần thêm nhiều sản phẩm chuyên biệt

Không thể phủ nhận sự hấp dẫn của các sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn đối với du khách khi tới Đồng bằng sông Cửu Long. Song hiện nay, đã xuất hiện tình trạng trùng lặp sản phẩm, dịch vụ giữa một số điểm đến, địa phương có nét tương đồng về tài nguyên du lịch.

Bên cạnh đó, trước những thách thức liên quan đến thị hiếu du khách hay yếu tố biến đổi khí hậu ảnh hưởng môi trường sinh thái, đòi hỏi từng địa phương, điểm đến cần đầu tư, “chăm chút” kỹ lưỡng hơn để có thêm nhiều sản phẩm chuyên biệt, độc đáo, tạo sức hút mới với du khách.

Đặc sắc và thích ứng

Chú thích ảnh
Du khách tham gia trải nghiệm hoạt động hái ấu của người nông dân ở khu vực lòng hồ Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Đề cập về phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy, thời gian tới, các địa phương trong vùng cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch với thứ tự ưu tiên lần lượt là sản phẩm đặc thù, sản phẩm quan trọng và sản phẩm bổ trợ. Các sản phẩm du lịch đặc thù chính là du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sông nước, miệt vườn; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa gắn với các giá trị di sản và bản sắc văn hóa của đồng bào Nam Bộ...
 
Cũng theo ông Phạm Văn Thủy, hiện nay, dư địa để phát triển sản phẩm du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long còn rất nhiều bởi các lý do: Lượng khách du lịch đến khu vực này luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách du lịch của cả nước trong nhiều năm, thể hiện giá trị tài nguyên, sức hút du lịch của khu vực vẫn khá lớn. Xu thế phát triển du lịch trải nghiệm thiên nhiên, du lịch xanh, thân thiện môi trường, du lịch dựa vào cộng đồng đang tạo cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn, vốn là một trong các sản phẩm tiêu biểu của vùng. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các địa phương trong vùng được cải thiện nhiều, tạo thuận lợi để gia tăng năng lực đón và vận chuyển khách đến với vùng cũng như luân chuyển nội vùng.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, dù sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng, có nét đặc trưng mà các khu vực khác không có nhưng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Một trong những hạn chế lớn của vùng về phát triển du lịch trong nhiều là sự trùng lặp về sản phẩm du lịch do cùng khai thác sắc thái chung của tài nguyên tự nhiên là sông nước, miệt vườn.
 
Bên cạnh đó, khó khăn, thách thức đặt ra đối với phát triển du lịch vùng còn đến từ biến đổi khí hậu tác động tới đời sống, sinh kế của người dân, ảnh hưởng đến khai thác sản phẩm du lịch, trong đó có sản phẩm du lịch sinh thái. Các biểu hiện xâm nhập mặn vào sâu ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lúa và các vườn cây trái. Mùa lũ về chậm lại mang theo ít cá tôm, ít phù sa bồi đắp gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái tại đồng bằng.
 
Trước thực tế này, phát triển, đổi mới các sản phẩm du lịch trên cư sở làm nổi bật hơn thế mạnh, nét riêng từng địa phương trong vùng, tạo ra nhiều sản phẩm mang tính chuyên biệt, đặc sắc hơn, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, thích ứng  với biến đổi khí hậu, là quan điểm được nhiều chuyên gia gợi mở, đề xuất.
 
Theo Thạc sĩ Dương Trường Phúc (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), dựa trên nguồn tài nguyên bản địa phong phú, đa dạng các địa phương có thể phát triển mạnh các loại hình du lịch đặc trưng hấp dẫn du khách như du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái... theo hướng thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của khách du lịch. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến đầu tư hoặc khuyến khích xây dựng các điểm vui chơi giải trí để “giữ chân” khách dài ngày. Quy hoạch du lịch cần tính đến sự liên hoàn giữa các khu du lịch, điểm đến, kết nối tạo thành chuỗi giá trị không những trong ngành Du lịch và hỗ trợ tạo điều kiện lẫn nhau trong thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
 
Nhìn nhận dưới góc độ phát triển sản phẩm vừa thích ứng biến đối khí hậu, vừa tăng tính đặc sắc, các Tiến sĩ Tạ Duy Linh và Dương Đức Minh, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch (Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam) dẫn chứng mô hình du lịch “thuận thiên” được triển khai tại ấp Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh). Triết lý “du lịch thuận thiên” của người dân Cồn Chim được xác định là tôn trọng và bảo vệ các giá trị của hệ sinh thái tự nhiên, gìn giữ môi trường và văn hóa bản địa. Người dân ở đây thực hành du lịch “thuận thiên” theo tinh thần tôn trọng các quy luật của tự nhiên, “nương tựa” vào tự nhiên để thích ứng với tự nhiên và phát triển. Người dân địa phương giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, phát triển vùng quê miệt vườn xanh, sạch, đẹp. Mô hình sản xuất của người dân Cồn Chim là “con tôm ôm cây lúa”, vừa nuôi tôm sạch vừa trồng lúa sạch. Mùa ảnh hưởng nước mặn về, người dân nuôi thủy sản, mùa nước ngọt trồng cây lúa. Tất cả các sản vật của địa phương đều hướng đến cung ứng các sản phẩm an toàn và vệ sinh cho du khách.
 
Theo nhóm chuyên gia, chính mô hình du lịch “thuận thiên”, tôn trọng tự nhiên, gìn giữ hệ sinh thái ở Cồn Chim đã trở thành sản phẩm du lịch “dẫn dắt” cảm xúc, làm nên sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành đưa du khách đến với điểm du lịch này.
 
Liên kết, tăng sức cạnh tranh

Chú thích ảnh
Du khách trong trang phục áo bà ba chuẩn bị tham gia các trò chơi dân gian. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch ở Đồng bằng Cửu Long nói chung, với loại hình du lịch sinh thái miệt vườn ở khu vực này nói riêng sẽ giúp phát huy nét đặc thù, tính độc đáo của sản phẩm ở từng địa phương, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Thạc sĩ Dương Trường Phúc (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất, liên kết phát triển du lịch đang trở thành xu hướng được nhiều khu vực lựa chọn. Liên kết trong du lịch, ngoài liên kết dọc giữa các vùng, các địa phương với nhau còn cần chú ý liên kết ngang, nghĩa là lấy du lịch làm trọng tâm và có sự phối hợp, hỗ trợ từ nhiều ngành nghề khác. Đơn cử như giữa du lịch và nông nghiệp, du lịch và thương mại, góp phần tăng “chiều sâu”, tích hợp đa giá trị cho sản phẩm.
 
Liên quan đến giải pháp kết nối, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho rằng, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh phát triển nhiều tuyến du lịch, trong đó có các tuyến du lịch theo chuyên đề như tuyến du lịch nội vùng, gồm các tuyến chính, theo quốc lộ kết nối trung tâm du lịch, các khu, điểm du lịch. Tuyến du lịch phụ trợ (có hệ thống giao thông kết nối trung tâm du lịch địa phương đến các điểm phụ cận) hay tuyến du lịch chuyên đề (sinh thái rừng, biển, khám phá vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, rừng U Minh, Năm Căn, du khảo đồng quê...). Các địa phương phát triển nhiều tuyến du lịch liên vùng theo đường bộ, đường thủy và đường không, tăng kết nối đến các địa phương vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và các địa phương phía Bắc, tạo sự đa dạng trong sản phẩm cho du khách.
 
Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế dựa trên việc mở rộng các tuyến du lịch liên vùng gắn với Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang), Thường Phước (Đồng Tháp) và Bình Hiệp (Long An) hoặc tuyến đường biển qua các cảng biển và tuyến đường sông trên sông Tiền, sông Hậu kết nối với Phnompenh, Seam Reap của nước bạn Campuchia...

Thanh Trà (TTXVN)
Du lịch sinh thái miệt vườn ở vùng đất 'Chín rồng' - Bài 1: Dấu ấn khác biệt
Du lịch sinh thái miệt vườn ở vùng đất 'Chín rồng' - Bài 1: Dấu ấn khác biệt

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, đóng góp cho bảo tồn, phát triển bền vững với sự tham gia của cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN