Những tháng đầu năm 2012, Sơn La là điểm đến của nhiều du khách, nhất là cao nguyên Mộc Châu. Điều này khẳng định hiệu quả nhất định của công tác xúc tiến du lịch “Qua miền Tây Bắc” mà tỉnh đã làm mạnh mẽ trong năm 2011. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Lương Văn Định (ảnh), Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Sơn La xung quanh chủ đề này.
Cao nguyên Mộc Châu đang là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách, vậy tỉnh Sơn La có những chính sách ra sao để tạo liên kết thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thưa ông?
Trong Chương trình Du lịch qua miền Tây Bắc – Sơn La năm 2011, mục tiêu của tỉnh xây dựng sản phẩm kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc mở rộng; trong đó Sơn La khởi động để kết nối bốn tỉnh trên tuyến quốc lộ 6 để làm sao có sản phẩm kết nối giữa các địa phương mang tính đặc sắc của vùng miền. Đối với Sơn La, Sở VH,TT&DL tham mưu cho Tỉnh ủy,UBND tỉnh ban hành một Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chính sách phát triển du lịch; đặc biệt quan tâm phát triển du lịch ở Mộc Châu.
Với đặc điểm tự nhiên và khí hậu, Mộc Châu đang được quy hoạch với sự giúp đỡ của Viện phát triển du lịch Việt Nam. Tỉnh cũng đang trình Bộ VH,TT&DL để xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ để công nhận trở thành một khu du lịch quốc gia.
Cánh đồng chè Mộc Châu - điểm thu hút khách du lịch. |
Du lịch Sơn La tập trung khai thác thế mạnh là du lịch lịch sử, sinh thái và văn hóa. Tuy nhiên với những điều kiện khó khăn về cơ sở hạ tầng đang là vấn đề rất khó để tạo thành sản phẩm hấp dẫn như Sapa của Lào Cai. Du lịch Sơn La sẽ khai thác thế mạnh liên kết qua tuyến quốc lộ 6, nối tới cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Điện Biên) để kết nối với các tỉnh Bắc Lào. Gần hơn để đến Mộc Châu từ Bắc Lào có thể qua cửa khẩu Lóng Sập (Mộc Châu) một cách thuận tiện.
Để hấp dẫn khách, du lịch Mộc Châu cần giữ nguyên được bản sắc cũng như cảnh quan thiên nhiên. Đây là một bài toán khó trong quá trình phát triển du lịch của Sơn La. Do đó, chúng tôi đang mong muốn nâng cao nhận thức của người dân địa phương để cùng quản lý tài nguyên thiên nhiên và nhân văn thực hiện đúng quy hoạch tổng thể đã được xây dựng. Dù chưa được phê duyệt, nhưng người dân sẽ là chủ thể làm du lịch, chứ không phải là các công ty, đơn vị doanh nghiệp. Nếu như mà không có sự tham gia của người dân, tài nguyên thiên nhiên đó sẽ bị phá vỡ.
Trong quá trình phát triển khu du lịch Mộc Châu, đâu sẽ là điểm nhấn, thưa ông?
Trong quy hoạch tổng thể phát triển của du lịch của Mộc Châu nói riêng và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của Sơn La, đặc biệt tỉnh Sơn La rất quan tâm việc giữ được nét hoang sơ của cao nguyên Mộc Châu, nhất là định hướng nơi đây trở thành các khu trung tâm du lịch cao cấp. Tiếp đến là vẫn giữ không gian cho phát triển du lịch nông nghiệp; giữ gìn môi trường sinh thái trong sạch. Cao nguyên Mộc Châu sẽ nổi bật với những cánh đồng chè, đồng cỏ và các hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao mang tính sản phẩm sạch đều được quan tâm.
Để phát triển bền vững, trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ chú trọng khâu đột phá nào thưa ông?
Cơ bản nhất của vấn đề phát triển du lịch theo tôi đó là nâng cao kỹ năng của người làm du lịch; trong đó chúng tôi hướng tới người dân và họ tham gia vào các khâu để phát triển du lịch Mộc Châu bền vững. Tiếp đó là đầu tư cơ sở hạ tầng.
Với lòng hồ thuỷ điện Sơn La, đây là lợi thế và chúng tôi đang xây dựng một chương trình quy hoạch chi tiết các khu điểm du lịch trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La gắn với các điểm di dân tái định cư vùng thủy điện. Đó là các bản làng văn hóa, đồng thời là các điểm du lịch sinh thái thăm các đảo, ốc đảo của các vùng lòng hồ.
Trong khoảng hai năm trở lại đây thì lượng khách đến Sơn La khoảng 800 nghìn lượt, tỷ lệ khách quốc tế đến Sơn La mới đạt khoảng 10-20%. Và đây là con số khiêm tốn. Với nỗ lực quảng bá “Cung đường Tây Bắc” từ năm 2011, Sơn La kỳ vọng sẽ có những đột phá trong việc thu hút khách và trở thành điểm đến mới vùng Tây Bắc của Tổ quốc, góp phần xóa đói nghèo, vươn lên làm giàu.
Xin cám ơn ông!
Bài và ảnh:Hồng Lĩnh – Quý Ngọc