Sôi động đón khách quốc tế
Trong quý I/2024, tổng số khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Khách nội địa đạt mức 30 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 195.000 tỷ đồng.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin, các thị trường lớn ở Đông Bắc Á tiếp tục tăng trưởng mạnh, là động lực chính cho sự phục hồi khách quốc tế; thị trường gần ở Đông Nam Á tăng trưởng tốt.
Các thị trường châu Âu tiếp tục tăng trưởng mạnh do hiệu quả từ chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày. Thị trường Trung Quốc mức độ phục hồi đã đạt 69% cho thấy tín hiệu khả quan. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 1,2 triệu lượt (chiếm 26,6%)...
Ở các trọng điểm du lịch trên toàn quốc cũng đón nhiều tin vui trong 3 tháng qua. Đây là kết quả của việc sớm tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến nhằm kích cầu du lịch và chính sách thị thực thuận lợi. Trong đó, Hà Nội ước đón 6,54 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023, tổng thu từ khách du lịch là hơn 25.000 tỷ.
Tại Quảng Nam, lượt khách tham quan, lưu trú là hơn 1,6 triệu lượt khách; khách quốc tế ước đạt hơn 910.000 lượt khách, tăng 36%.
Sở Du lịch Khánh Hòa từ sớm đã nỗ lực triển khai xúc tiến, quảng bá để thu hút khách. Toàn tỉnh đón 2,1 triệu lượt khách lưu trú, trong đó hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế trong quý I. Mỗi ngày có khoảng 17 chuyến bay từ Hàn Quốc, 16 chuyến bay từ Trung Quốc đến Cam Ranh, các thị trường Thái Lan, Kazakhstan, Malaysia từ 5-7 chuyến bay/tuần… Khánh Hòa đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.
Còn tại Đà Nẵng, khách quốc tế lưu trú ước gần 636.000 lượt; khách nội địa lưu trú là khoảng 1,25 triệu lượt. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 3.700 tỷ đồng. Đà Nẵng đã ký kết hợp tác để phát triển sản phẩm du lịch tàu hỏa nhằm gia tăng lựa chọn phương tiện cho du khách. Thành phố cũng công bố chương trình "Enjoy Da Nang 2024" nhằm lan tỏa hình ảnh điểm đến, thu hút du khách. Đây cũng là chiến dịch chung tay đem lại những giá trị cho du khách, đóng góp cho tăng trưởng du lịch Việt Nam.
Một địa điểm khác cũng gặt hái thành công trong những tháng qua, đó là Bình Định. Gần đây nhất, Tuần lễ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Bình Định (Amazing Fest 2024) đã thu hút gần 700.000 lượt du khách. Trong đó, điểm nhấn là Giải đua thuyền máy Nhà nghề quốc tế UIM F1H2O và UIM-ABP AQUABIKE Bình Định Grand Prix 2024 tầm cỡ thế giới lần đầu tiên diễn ra ở nước ta. Sự kiện này đã mở ra cho Bình Định một hướng đi mới về phát triển kinh tế du lịch hiệu quả gắn với tổ chức thi đấu thể thao quốc tế...
Đổi mới xúc tiến, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc
Năm 2024, ngành du lịch kỳ vọng đón 18 triệu khách quốc tế, 110 triệu du khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 850.000 ngàn tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ, để đạt được mục tiêu đề ra, ngành du lịch cần tập trung đồng bộ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Một trong số đó là cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; tập trung khai thác các phân khúc thị trường khách, các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh (MICE, golf, du lịch cộng đồng, nông thôn, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe), đẩy mạnh du lịch bằng đường sắt. Ngoài ra cần thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt là mở văn phòng tại Viêng Chăn (Lào).
Trong Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới nêu rõ, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chủ trì thực hiện đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mà Việt Nam có thế mạnh; xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài, tham mưu Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền Kế hoạch đẩy mạnh khai thác du lịch bằng đường biển, đường bộ.
Cục Hợp tác quốc tế phát huy vai trò của các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người và du lịch. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành và phát huy vai trò trong tổ chức triển khai các kế hoạch xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, việc tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, nhất là về đầu tư, thuế, cơ sở hạ tầng để du lịch phát triển đồng bộ, toàn diện. Về sản phẩm cần phát triển dựa trên các lợi thế, tiềm năng để nâng cao năng lực trạnh tranh thu hút du khách, tăng tỉ lệ khách quay lại. Sản phẩm phải hấp dẫn, phù hợp để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn...
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chủ động hình thành hệ sinh thái truyền thông số gồm website và mạng xã hội Facebook, YouTube, Zalo, Viber, Instagram... với nội dung thông tin, video clip, hình ảnh được chú trọng đổi mới đa dạng, phong phú nhằm truyền thông chính sách, xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam.
Vé máy bay tăng, khách chọn tour gần
Khách nội địa trong 3 tháng qua đã đạt mức 30 triệu lượt. Toàn ngành du lịch đang tích cực đón khách mùa cao điểm du lịch hè sẽ bắt đầu từ cuối tháng 4. Tuy nhiên, trần giá vé máy bay nội địa tăng từ đầu tháng 3/2024 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá tour, du khách ngại chọn đi tour bay xa nội địa. Các hãng lữ hành nhận định, giá vé máy bay tăng sẽ khiến nhu cầu tour đường bộ và tour quốc tế Đông Nam Á tăng mạnh trong ngắn hạn.
Gia đình anh chị Hà Lý - Lê Long (Hoàng Mai, Hà Nội) đã sớm tìm hiểu tour hè để đưa đại gia đình 12 người đi nghỉ hè ở Phú Quốc. Tuy nhiên, chặng Hà Nội - Phú Quốc dịp 30/4 của VietNam Airlines đã hết vé từ sớm. Chị Hà Trang cho biết: Hạng vé phổ thông thấp nhất mà chị tìm được lên đến gần 9 triệu đồng/người, cao hơn giá tour trọn gói đến Thái Lan cùng thời điểm. Vì vậy, gia đình chị không thể ưu tiên điểm đến Phú Quốc mà đã chuyển hướng sang Ninh Bình để đi bằng ô tô, tiết kiệm rất nhiều chi phí.
Ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc WonderTour chia sẻ: Với tour đường bay, vé máy bay cấu thành 40-60% giá tour, lợi nhuận trung bình trên giá bán của tour trọn gói chỉ khoảng 8-10%. Nên chắc chắn giá tour sẽ tăng tương ứng với giá vé để bảo đảm lợi nhuận.
Ông Lê Công Năng cho rằng: Tăng giá trần vé máy bay trong thời điểm ngành du lịch chưa hoàn toàn phục hồi sẽ có tác động tới thị trường. Tuy nhiên, xét về vĩ mô, việc tăng giá trần sẽ bảo đảm lợi nhuận cho hãng vận hành, đồng thời tác động tích cực đến hành vi mua hàng. Giá trần tăng sẽ làm giảm sự chênh lệch giữa giá vé khuyến mại và giá vé phổ thông, làm giảm nguy cơ khách hàng mua phải "vé ảo" hoặc "dính" chiêu trò lừa đảo trên mạng internet. Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 thường rất đông khách nội địa nên người có kinh nghiệm đã nhanh tay đặt tour từ sớm để có giá tốt hơn. Còn đơn vị cũng đẩy mạnh tour đường bộ trong nước và tour quốc tế, đặc biệt tour Đông Nam Á để đáp ứng nhu cầu du khách nghỉ lễ.
Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist chia sẻ: Với lợi thế về hợp tác bền vững với đối tác cung ứng dịch vụ trong và ngoài nước, Saigontourist vẫn đảm bảo chi phí tour hợp lý với các hành trình du lịch trong và ngoài nước ngoài dịp lễ này. Cụ thể, Saigontourist liên kết với Vietnam Airlines triển khai sớm chùm tour dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 với lịch khởi hành liên tục. Hãng bố trí giờ bay đi thuận tiện vào buổi sáng, về vào buổi chiều tối để du khách hưởng trọn ngày tham quan, đồng thời áp dụng chính sách giá trọn gói, hợp lý với nhóm khách 10 - 12 người và có giá ưu đãi cạnh tranh nhất dành cho khách nhóm mặc dù có sự biến động vé máy bay nội địa. Lượng khách đi tour nước ngoài của Saigontourist chiếm gần 60%...