Du lịch Việt Nam vẫn trăn trở làm sao để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước. Để làm được điều này, trước tiên hạ tầng cần được nâng cấp, phát triển dịch vụ, quy hoạch du lịch dài hạn của từng địa phương... Những công việc này cần tạo bước đột phá mới từ chính địa phương tiềm năng du lịch và Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL).
Nhận xét về du lịch Việt Nam trong thời gian qua, ai cũng phải thừa nhận Việt Nam có tiềm năng nổi trội về cả tự nhiên lẫn con người, nhưng do khâu tổ chức quản lý còn kém nên hầu hết vẫn chỉ khai thác những cái sẵn có, chứ chưa tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách.
Tiềm năng lớn nhưng khai thác chưa hiệu quả
Các khảo sát và nghiên cứu ở trong và ngoài nước đều chỉ ra lực hấp dẫn với du khách khi đến du lịch Việt Nam là văn hóa truyền thống đặc sắc và khung cảnh tự nhiên hoang sơ, hấp dẫn.
Con số 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận (2 di sản thiên nhiên: Hạ Long và Phong Nha Kẻ Bàng; 5 di sản văn hóa gồm: Cố đô Huế; phố cổ Hội An; khu di tích Mỹ Sơn, khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, thành Nhà Hồ); bên cạnh đó là Cao nguyên đá Đồng Văn năm 2010 được gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và 82 bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, cũng đã nói lên thế mạnh của Việt Nam.
Hạ Long luôn là điểm hấp dẫn du khách. |
Đồng thời, các danh hiệu văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận cho thấy sự đa dạng của văn hóa Việt Nam như: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ, ca trù, hội Gióng ở Phù Đổng và đền Sóc, Mộc bản triều Nguyễn, hát Xoan.
Hơn nữa, nhiều ứng cử viên đang làm thủ tục như danh thắng Tràng An, vườn quốc gia Cát Tiên, đờn ca tài tử… cho thấy sự phong phú về tài nguyên văn hóa và thiên nhiên. “Những di tích và danh hiệu văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là tiền đề để hấp dẫn du khách đến Việt Nam. Thực tế, du khách quốc tế trước khi chọn địa điểm họ thường tìm kiếm thông tin trên mạng, họ quan tâm những danh hiệu này và rất muốn đến để trải nghiệm”, đại diện Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho biết. Và trên thực tế, các địa phương có di sản được công nhận cũng đã có những động thái để bảo tồn và phát huy. Và cách phát huy hiệu quả nhất là khai thác du lịch, bởi sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ để bảo tồn cũng như là động lực phát triển kinh tế của cả vùng. Với truyền thống làm du lịch, hiện mới có di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long và chuỗi di sản khu vực miền Trung bước đầu phát huy được hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, với tiềm năng đa dạng hiện có và so sánh với các nước trong khu vực, du lịch Việt Nam vẫn phát triển “chậm”. “Việc chuyển hóa tiềm năng thành sản phẩm du lịch cần có đầu tư và tổ chức quản lý hiệu quả; tuy nhiên điều này thì chúng ta lại đang thua các nước trong khu vực”, ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết.
Đâu là nguyên nhân?
Tính đến cuối năm 2011, Việt Nam đã đón 6 triệu lượt khách, một con số cho thấy sự nỗ lực nếu so với năm 1990 mới đón 250.000 lượt và năm 1994 đón 1 triệu lượt khách quốc tế.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận xét: Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng nhanh và liên tục trong nhiều năm, nhưng chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, tỷ trọng khách du lịch chi trả cao và nghỉ dưỡng dài ngày còn thấp. Khách du lịch nội địa tăng lên nhanh chóng; khách du lịch ra nước ngoài đang có xu hướng tăng trưởng rõ rệt. Du lịch đã đem lại nguồn thu nhập 130 tỷ đồng năm 2011.
“Năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch còn non yếu, chất lượng, hiệu quả thấp, thiếu bền vững trong khi môi trường cạnh tranh giữa các quốc gia, khu vực và giữa các ngành, vùng, sản phẩm ngày càng gay gắt. Với tiềm năng lớn như vậy, du lịch Việt Nam vẫn phát triển chậm, trước tiên là do nhận thức, kiến thức quản lý và phát triển du lịch tại nhiều cấp quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Là một ngành kinh tế tổng hợp nhưng ở nhiều địa phương, lĩnh vực du lịch vẫn chưa vận hành đúng quy luật; sự quan tâm chưa đúng mức nên cứ nói là tiềm năng, thế mạnh, nhưng sản phẩm thì nghèo nàn, dẫn đến hoạt động du lịch địa phương không phát triển”, ông Cường đánh giá.
Từ việc chưa nhận thức đúng về du lịch dẫn đến quy hoạch phát triển du lịch bị tác động mạnh bởi các quy hoạch chuyên ngành, còn tồn tại những tranh chấp về lợi ích và thiếu tầm nhìn trong đầu tư phát triển, dẫn tới không gian du lịch bị phá vỡ, tài nguyên có nguy cơ bị tàn phá, suy thoái nhanh và môi trường du lịch bị xâm hại. Bên cạnh đó là kết cấu hạ tầng yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, dẫn tới khả năng tiếp cận điểm đến du lịch khó khăn, đặc biệt đối với các vùng núi cao, vùng sâu vùng xa.
“Sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đặc sắc, trùng lắp và thiếu quy chuẩn; chất lượng chưa đáp ứng dẫn tới sức cạnh tranh yếu, kém hấp dẫn; xúc tiến quảng bá lại thiếu chuyên nghiệp nên khó đạt được kết quả rõ nét. Bên cạnh đó là thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp; thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành, lực lượng quản lý tinh thông và lao động trình độ cao… Đó là những tồn tại mà ngành du lịch đã chỉ ra sau chặng đường mười năm phát triển vừa qua. Nhưng để khắc phục được những vấn đề này cần sự quyết tâm của người đứng đầu ngành VH,TTDL cũng như lãnh đạo từng tỉnh”, ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.
Bài và ảnh: Xuân Cường
Bài 2: Các địa phương có tuân theo quy hoạch?