Hàng không “ngủ đông”, khách du lịch quốc tế sụt giảm nghiêm trọng, cơ sở lưu trú, điểm đến vắng vẻ… Trong bối cảnh khó khăn đó, Việt Nam nổi lên là điểm sáng trên thế giới về kiểm soát tốt dịch COVID-19. Dù không có khách quốc tế nhưng du lịch nội địa đã “cứu cánh” đắc lực, góp phần phục hồi du lịch nước ta. Ngành Du lịch đang nỗ lực chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới.
Bài 1: Nỗ lực “vực dậy” ngành Du lịch sau tổn thất nghiêm trọng
Năm 2020, ngành Du lịch Việt Nam đã phải chịu tổn thất nghiêm trọng nhất từ trước tới nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy vậy, với tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”, toàn ngành đã rất nỗ lực vượt khó để vực dậy du lịch trong nước bằng cách khai thác chính nội lực trong nước.
2020 – Năm “lên ngôi” của du lịch nội địa
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2019, ngành Du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước; tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927.000 việc làm trực tiếp. Thành tựu của du lịch Việt Nam được thế giới đánh giá cao, Tổ chức Du lịch thế giới (UNTWO) xếp Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Trong năm 2019, du lịch Việt Nam liên tiếp đạt được những giải thưởng danh giá mang tầm vóc châu lục và thế giới.
Sang năm 2020, đại dịch COVID-19 gây tác động trực tiếp đến ngành Du lịch. Theo Tổ chức Du lịch thế giới, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm tới 1,1 tỷ lượt. Tổng thu du lịch toàn cầu mất đi 1.100 tỷ USD; khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành bị mất việc.
Ở Việt Nam, dù dịch COVID-19 đã nhanh chóng được khống chế, nước ta trở thành điểm sáng về an toàn phòng dịch trên toàn thế giới nhưng ngành Du lịch cũng không tránh khỏi những tổn thất nặng nề.
Ngay từ tháng 3/2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế. Do vậy, trong năm nay, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với cùng kỳ 2019. Khách du lịch nội địa ước đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 ước đạt 312.200 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá, đại dịch COVID-19 tác động đã làm thay đổi toàn diện, sâu sắc tới ngành Du lịch, đòi hỏi phải có biện pháp để ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó là cần đánh giá, tư duy lại về cách làm du lịch và kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch trong bối cảnh đại dịch. Do đó, ngành Du lịch đã chủ động chuyển hướng, tập trung phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh du lịch quốc tế bị ngưng trệ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa từ tháng 5/2020 với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và đợt 2 từ tháng 9/2020 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Chương trình kích cầu nội địa đã nhận được sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp và hưởng ứng tích cực của nhân dân, đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Đến giữa tháng 7/2020, lượng khách đến một số địa phương, trung tâm du lịch được ghi nhận tăng từ 1,5 - 3 lần, hầu hết các đường bay nội địa được nối lại. Đồng thời, nhiều đường bay mới được đưa vào khai thác để phục vụ khách du lịch nội địa. Đến hết năm 2020, lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt. Công suất sử dụng phòng khách sạn ở nhiều địa phương như ở Đà Lạt, Sầm Sơn, Sa Pa, Hạ Long, Phú Quốc... đã đạt tới 30- 50%, thời kỳ cao điểm, cuối tuần lên tới 80 - 90%.
Mặc dù chưa thể khai thác lại khách du lịch quốc tế nhưng du lịch nội địa đã góp phần duy trì hoạt động của ngành, hạn chế thấp nhất tổn hại do dịch bệnh gây ra.
Sẵn sàng đón khách trong năm 2021
Dịch COVID-19 đến cuối năm 2020 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, đòi ngành Du lịch càng phải nỗ lực, chủ động, sáng tạo “biến nguy thành cơ”, ứng phó linh hoạt với mọi hoàn cảnh để đưa du lịch tiếp tục phát triển, sẵn sàng đón khách trong năm 2021.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ: Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng các doanh nghiệp du lịch, nhiều địa phương đã nỗ lực vượt khó. Các bên đều sẵn sàng trong việc tạo ra các sản phẩm mới, hấp dẫn du khách trong bối cảnh mới với chính sách giá hấp dẫn, làm đòn bẩy thu hút khách đi du lịch dịp cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Cụ thể là ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát ở giai đoạn 2, chương trình kích cầu “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, địa phương trong cả nước, nhất là các vùng trọng điểm. Hàng loạt địa phương đã tổ chức mô hình liên kết 3 miền Bắc - Trung- Nam hoặc giữa các địa phương có sản phẩm du lịch khác biệt để từ đó hình thành các sản phẩm hấp dẫn, chính sách giá cả hợp lý để thu hút khách từ các thị trường nguồn…
Đà Nẵng - tâm điểm đợt dịch COVID-19 cuối tháng 7/2020 nay đã phục hồi du lịch nhanh chóng với 12 đường bay nội địa từ các điểm du lịch cả nước tới đây. Được biết, lượng khách đặt tour tới Đà Nẵng dịp cuối năm tăng mạnh. Trong năm 2021, du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung mạnh mẽ khai thác thị trường nội địa với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, cộng đồng, sinh thái... Trong đó, chương trình “Lễ hội Đà Nẵng - Chào Năm mới 2021” diễn ra trong 5 ngày (30/12/2020 -3/1/2021) tại Quảng trường Công viên châu Á, đường Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu (Đà Nẵng). Thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động như diễu hành xích lô du lịch; du ngoạn trên sông Hàn về đêm với 3.000 vé được phát miễn phí cho người dân và du khách; ngắm cầu Rồng phun lửa, phun nước; chương trình âm nhạc đường phố...
Dịp Tết Dương lịch năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các công ty lữ hành Hà Nội xây dựng nhiều tour du lịch khám phá Hà Nội phục vụ chính người dân Thủ đô. Theo đó, người dân Hà Nội du lịch tại chỗ, khám phá các giá trị lịch sử, nhân văn tại đô thị mình đang ở. Với những khách có thể sắp xếp được chuyến đi xa, nhiều công ty du lịch tung ra chương trình du lịch ngắn ngày, từ 2 - 3 ngày, khám phá những địa danh gần Hà Nội...
Để đón chào năm mới, du lịch Bình Thuận tổ chức các chương trình Chào năm mới 2021 với đêm tiệc "Gala Dinner" bằng những món ăn truyền thống Việt Nam, ẩm thực phương Tây và chương trình nghệ thuật độc đáo… nhằm góp phần tạo sân chơi cho du khách, tiếp tục kích cầu du lịch nội địa. Các doanh nghiệp du lịch xây dựng các chương trình giảm giá, triển khai nhiều gói sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút du khách...
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, nhu cầu đi du lịch của du khách đã hoàn toàn thay đổi. Hiện khách không đi theo đoàn lớn mà theo nhóm nhỏ, gia đình. Xu hướng rất rõ nét là đi ngắn ngày, đi các địa điểm gần và đi bằng phương tiện cá nhân là chủ yếu. Ngành Du lịch đã sớm nắm bắt thay đổi trong nhu cầu khách hàng để đưa ra các sản phẩm phù hợp nhất. Rất nhiều điểm đến, khu lưu trú, resort đã thiết kế sản phẩm dành riêng cho các nhóm nhỏ, gia đình…
Không chỉ kích cầu du lịch nội, Tổng cục Du lịch vẫn duy trì quảng bá hình ảnh đất nước, con người, du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông của nước ngoài. Cụ thể là Tổng cục Du lịch đã triển khai clip 30s mang tên “Why not Viet Nam?” trên kênh CNN đúng dịp bầu cử Tổng thống Mỹ, hướng tới khách ở thị trường Đông Bắc Á. Đây là cơ hội tốt để thu hút người dân, công chúng khu vực Đông Bắc Á quan tâm đến tình hình thời sự và du lịch Việt Nam, từ đó gợi nhớ, gợi nhắc cho các du khách về các sản phẩm du lịch Việt Nam, tạo kích thích cho họ quay lại Việt Nam khi dịch bệnh dược kiểm soát trên thế giới.
Sắp tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh CNBC, hướng tới khách thu có thu nhập cao với loại hình du lịch golf do Đại sứ du lịch Việt Nam Greg Norman thúc đẩy.
Một điều rất đáng tự hào là trong năm 2020, Việt Nam đã giành nhiều giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards – WTA). Trong đó, trong đó đáng chú ý là giải “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” (World's Leading Heritage Destination). Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giành chiến thắng ở hạng mục này, khẳng định sức hút của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Việt Nam được tôn vinh ở các hạng mục: “Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á”. Đây cũng là minh chứng rõ nét, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tự nhiên của đất nước.
Một tin rất mừng nữa là vào những ngày cuối năm 2020, Vietravel Airlines (thuộc Tập đoàn Vietravel Holdings) đã đi vào vận hành. Đây là hãng hàng không lữ hành cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không, các gói du lịch trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không, phát triển du lịch.
Chuyến bay đầu tiên của Vietravel Airlines cất cánh theo lộ trình Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm kết nghĩa giữa 3 thành phố - cũng là các điểm đến du lịch nổi tiếng nước ta. Hãng dự kiến triển khai mạng đường bay rộng khắp cả nước, gắn với các tuyến du lịch trọng điểm, kết nối các địa phương có lượng khách cao; mở rộng tới những điểm đến mới có nhiều tiềm năng du lịch.
Bài cuối: Ứng dụng công nghệ số để phát triển bền vững