Ưu tiên hàng đầu là an toàn
Năm nay, do tất cả các doanh nghiệp lữ hành còn hoạt động đều tập trung khai thác chương trình nội địa nên sản phẩm đa dạng. Bên cạnh những tour truyền thống thì các đơn vị đưa ra sản phẩm du lịch mới với sự linh hoạt theo nhu cầu của khách.
Với thông điệp “Cả nước du xuân – Khởi hành Tết mới”, Vietravel giới thiệu tour ghép xuyên Việt nhằm hướng đến đối tượng khách đi chơi dài ngày dịp Tết Nguyên đán.
Đại diện Vietravel cho biết: Dựa trên hành trình xuyên Việt 18 ngày 17 đêm đi qua các tỉnh từ Hà Nội đến Cần Thơ, du khách có thể tùy chọn tour ghép theo nhu cầu và không bắt buộc tham gia toàn bộ hành trình. Một trong những ưu điểm nổi bật khiến du khách hào hứng với hành trình mới đó chính là tự do lựa chọn tuyến điểm, tự do khám phá, văn hóa, ẩm thực mỗi vùng miền. Với mức giá trọn gói từ 900.000 đồng – 1.200.000 đồng/ngày hoặc lựa chọn đặt tour không bao gồm ăn + vé thăm quan từ 600.000 đồng – 700.000 đồng/ngày, du khách đã có thể sở hữu cho mình một vé trên chuyến xe đi xuyên Việt.
Để linh hoạt với sự đa dạng nhu cầu của khách hàng dịp Tết này, Vietravel triển khai các sản phẩm Free & Easy bao gồm dịch vụ lẻ vé máy bay, phòng khách sạn hay bán theo combo (vé máy bay + phòng khách sạn) và được giới thiệu thêm các dịch vụ bổ trợ đi kèm như đón/tiễn sân bay, tour thăm quan 1 ngày, hướng dẫn viên…
Trong khi đó, bà Dương Mai Lan, Giám đốc Ascend Travel cho biết: Đơn vị hướng đến thị trường xa như Tây Nguyên, Phú Quốc, Côn Đảo… Đến nay các tour đi dịp Tết Nguyên đán 2021, khách đã đặt trên 50% và thường khởi hành từ mùng 2 Tết. Nhìn chung dịch vụ năm nay được đảm bảo với tiêu chí an toàn lên hàng đầu và giá cả thấp hơn mọi năm.
Còn ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Neworld Travel cho biết: Đơn vị hướng vào thị trường khách đoàn dựa trên nhu cầu tổng kết của các doanh nghiệp, tổ chức vào dịp cuối năm. Dòng khách này tuy không rầm rộ nhưng năm trước nhưng vẫn gia tăng dịp cuối năm. Bên cạnh đó là ghép tour khách, tổ chức cho nhóm đi các điểm mới như vòng cung Tây Bắc, như Tà Xùa (Sơn La); thảo nguyên Đồng Lâm (Lạng Sơn)…
Theo Hiệp hội lữ hành Việt Nam, các năm trước vào dịp Tết, lượng khách đi du lịch outbound (du lịch quốc tế) chiếm đến 70% nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tất cả đều đang chào bán chương trình tour nội địa. Lượng khách dịp Tết Dương lịch chủ yếu là nhóm khách nhỏ tour ngắn ngày (từ 3 ngày đổ lại); còn dịp Tết Nguyên đán 2021 sẽ phổ biến tour 5-7 ngày. "Ưu tiên lớn nhất trong giai đoạn này là thực hiện đảm bảo an toàn phòng dịch theo khuyến cáo ngành y tế. Do đó, các cơ sở kinh doanh du lịch khi triển khai tour phải thực hiện nghiêm quy trình phòng dịch theo chỉ dẫn của ngành y", ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam khuyến cáo.
Sớm có nghiên cứu cụ thể về thị trường khách nội địa
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: Dự báo tình hình dịch trên thế giới còn diễn biến phức tạp nên dịp Tết 2021 và có khi cả năm 2021, thị trường du lịch nội địa vẫn là chủ đạo. Để thị trường này phát triển bền vững, Tổng cục Du lịch cần có nghiên cứu cụ thể về từng phân khúc và đối tượng khách để có kế hoạch cụ thể; không nên để tình trạng tự phát như thời gian vừa qua.
“Bản chất của du lịch là liên ngành, liên vùng và cần hướng đến ở mức độ quốc gia. Tuy nhiên, trước đây sự liên kết ấy còn manh mún, tự phát, chưa rõ ràng. Đã đến lúc, Chính phủ hình thành bộ phận chuyên ngành liên quan nhằm giám sát, ủng hộ, tập kết thường xuyên mối liên kết này”, ông Vũ Thế Bình đề nghị.
Ông Trần Trọng Kiên, Hội đồng tư vấn quốc gia về du lịch cho rằng: Phát triển thị trường du lịch nội địa trở thành thị trường nguồn quan trọng, đóng góp 55-75% tổng thu của ngành du lịch trong 2-3 năm tới. Để phát triển thị trường du lịch nội địa, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp có dòng tiền và kích cầu tạo thị trường.
“Năm 2021, với du lịch nội địa là chủ đạo sẽ theo xu hướng chuyển dịch sang các loại hình du lịch thiên nhiên, những hoạt động thân thiện hơn với môi trường. Những xu hướng này bắt đầu từ năm 2016, 2017 và đến năm nay tăng trưởng rất mạnh. Cùng với đó là xu hướng sử dụng các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động của các doanh nghiệp du lịch, hàng không. Có thể thấy rõ là hệ thống đặt phòng online, các nền tảng công nghệ du lịch nội địa của Việt Nam tăng nhanh trong năm 2020 và sẽ tăng trong thời gian tới theo đà du lịch nội địa”, ông Kiên nhận định.