Theo Giáo sư virus học John Oxford của Đại học Queen Mary University of London, lĩnh vực kinh doanh du lịch bằng du thuyền rất dễ bị ảnh hưởng bởi các loại virus gây cảm lạnh và nôn mửa cho các đối tượng bị nhiễm. Ông John Oxford cho rằng số lượng khách du lịch trên các du thuyền thường khá đông nên các quy định về vấn đề vệ sinh sẽ khó được đảm bảo.
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ngăn chặn 8 đợt bùng phát norovirus (loại virus thường gây dịch viêm đường ruột) trên các du thuyền nước ngoài trong năm 2019. Trong khi đó, bệnh sởi Đức (còn gọi là Rubella), E.coli, thủy đậu và bệnh nhiễm khuẩn đường ruột salmonella đều ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động du lịch bằng du thuyền trên thế giới trong những năm gần đây.
Hiện tại, những quan ngại đang gia tăng trên thế giới về dịch COVID-19 sau khi hai du khách lớn tuổi người Nhật Bản đã tử vong do dịch bệnh này vào ngày 20/2 vừa qua trên du thuyền Diamond Princess.
Các nhà chức trách Mỹ đề nghị các du khách nên xem xét lại kế hoạch du lịch trên các du thuyền đến hay có chương trình hoạt động ở châu Á với khuyến cáo rủi ro của việc hạn chế đi lại và các biện pháp khác do dịch COVID-19.
Trong khi đó, theo ông Stewart Chiron, một chuyên gia hàng đầu trong ngành, các du thuyền không phải là “ổ dịch” và luôn thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo vệ sinh và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ông Chiron, trích dẫn số liệu của CDC, cho hay trong hơn 31 triệu lượt người có kỳ nghỉ hay du lịch trên các du thuyền trong năm 2019, chỉ có 1.0 trường hợp nhiễm norovirus, tương đương tỷ lệ 0,003%.
Trong khi đó, Hiệp hội kinh doanh du thuyền quốc tế lớn nhất thế giới (CLIA) cho biết việc số hành khách đã có một kỳ nghỉ trên du thuyền đạt hơn 31 triệu lượt năm 2019 (tăng từ mức 17,8 triệu lượt năm 2009) cho thấy sự phát triển cũng như sự hấp dẫn ngày càng tăng của lĩnh vực này đối với du khách trên thế giới.