Phát huy giá trị văn hóa vùng ĐBSCL

Giữ gìn di sản để phát triển bền vững

Cộng đồng dân cư vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm người Kinh, Hoa, Khmer, Chăm… sống chan hòa và giao lưu văn hóa đã hình thành nên những di sản văn hóa riêng biệt, đa dạng. Bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn di sản văn hóa quý giá này có thể góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho vùng.


Đầu tư cho bảo tồn

Trong quá trình khai phá và định cư ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các thế hệ đi trước đã để lại kho tàng văn hóa bao gồm cả di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, in đậm dấu ấn tự nhiên và lịch sử của vùng đất phương Nam. Nhiều di sản không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được thế giới biết đến như: Di tích Óc Eo ở Thoại Sơn, miếu bà Chúa xứ Châu Đốc (An Giang); các ngôi chùa Khmer ở tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh; ngôi nhà trăm cột ở tỉnh Long An; những chợ nổi ở Tiền Giang, Cần Thơ… cùng nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc Khmer, Chăm. Trong đó có những di sản đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nét đẹp của hang động núi Mo So (Kiên Giang) cần được bảo vệ kịp thời. Ảnh: Trường Giang/TTXVN

Những năm qua, Chính phủ và các cấp, các ngành văn hóa cùng người dân địa phương đã quan tâm đầu tư và gìn giữ các di sản văn hóa. Trong đó tập trung mọi nguồn lực để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tại thành phố Cần Thơ, các di tích lịch sử đặc trưng đã được ưu tiên trùng tu, tôn tạo như: Nâng cấp khu tưởng niệm Lộ Vòng Cung (huyện Phong Điền), khu tưởng niệm cố soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền (quận Thốt Nốt), đền thờ các Vua Hùng (quận Bình Thủy). Mở rộng các khu lưu niệm danh nhân lịch sử văn hóa: Khu di tích mộ nhà thơ Phan Văn Trị (huyện Phong Điền), khu lưu niệm nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (quận Ô Môn), đền thờ Châu Văn Liêm (huyện Thới Lai).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục đầu tư 572 tỷ đồng nhằm trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng. Đồng thời xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng thêm 4 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp thành phố và tăng cường hoạt động của Ban quản lý di tích ở cơ sở, xử lý kịp thời, nghiêm túc các hành vi vi phạm Luật Di sản văn hóa. Về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của văn hóa phi vật thể, thành phố sẽ triển khai đề án bảo tồn và phát huy giá trị của đờn ca tài tử Cần Thơ, văn hóa sông nước chợ nổi Cái Răng, hò Cần Thơ…

Còn tại tỉnh An Giang, từ năm 2014, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh xúc tiến đầu tư trang bị 20 bộ nhạc cụ ngũ âm từ nguồn ngân sách tỉnh, hỗ trợ các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Đó là những hành động thiết thực nhằm “tiếp sức” cho sự quyết tâm của đồng bào dân tộc Khmer gìn giữ, khôi phục lại đội nhạc ngũ âm, một nét văn hóa dân gian độc đáo.

Khai thác chưa hiệu quả

Tuy nhiên, các chuyên gia về lĩnh vực văn hóa cho rằng, sự nghiệp đầu tư bảo tồn di sản văn hóa vẫn còn rất khiêm tốn, chưa đạt kết quả như mong muốn. Nhiều di sản văn hóa có giá trị chưa kịp trùng tu, tôn tạo đã gây ra nhiều thất thoát đáng tiếc. Theo Sở VHTT&DL Đồng Tháp, toàn tỉnh có 69 di tích, trong đó có 55 di tích cấp tỉnh, 13 di tích cấp quốc gia và một di tích cấp quốc gia đặc biệt đang cần được trùng tu, tôn tạo. Giai đoạn 2016 - 2020 cần nguồn vốn để thực hiện trùng tu, tôn tạo lên đến trên 1.000 tỷ đồng. “Đó là một nguồn kinh phí rất lớn. Trong khi trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia nhằm trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích hàng năm chỉ có từ 2 - 2,5 tỷ đồng. Có năm chỉ vài trăm triệu đồng, như năm 2015 này chỉ khoảng 600 triệu đồng. Nguồn lực của tỉnh bố trí thêm cũng không thấm tháp gì so với nhu cầu lên đến hàng ngàn tỷ”, ông Trần Văn Nam, Trưởng phòng Di sản, Sở VHTT&DL tỉnh Đồng Tháp, cho biết.

Chính phủ cũng đã xác định để công tác bảo tồn đạt hiệu quả thì cần khai thác tốt các di sản văn hóa, có nghĩa là làm cho di sản văn hóa có thể thâm nhập vào hệ thống kinh tế thị trường của xã hội. Qua đó có thể phát huy được giá trị của xã hội, giá trị văn hóa, giá trị kinh tế của di sản văn hóa để từ đó có thể tăng “sức sống” cho chính di sản đó.

Cụ thể, việc đưa di sản văn hóa vào hoạt động của lĩnh vực du lịch và xem là “tài nguyên” của du lịch, là một trong những phương cách hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có những di tích văn hóa qua quá trình triển khai, kết quả lại không như mong muốn, không những không được bảo tồn mà còn làm biến dạng, mất đi giá trị văn hóa. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do chính sự mâu thuẫn giữa hai lợi ích kinh tế và văn hóa.

Có thực tế, sự phát triển du lịch làm ảnh hưởng trực tiếp tới di tích văn hóa vật thể và phi vật thể. Để phát triển du lịch, các nhà quản lý và kinh doanh du lịch đã khai thác một cách bừa bãi giá trị của di tích hoặc phá hỏng không gian cảnh quan di tích. Vành đai bảo vệ của các di tích ngày càng bị thu hẹp bởi hàng loạt các cơ sở phục vụ khách tham quan, và cuối cùng là giá trị của di tích không còn được nhận biết.

Hang động núi Mo So rất kỳ thú nằm tại vùng du lịch Hà Tiên - Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) với hơn 20 hang lớn, nhỏ và mỗi hang gắn với tên của một đơn vị cách mạng trong kháng chiến. “Thạch đạo” này còn là một tuyệt tác thiên nhiên, ẩn chứa nhiều giá trị độc đáo về mỹ quan, mỹ thuật, địa chất, địa mạo… Thế nhưng, di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia Mo So hiện đang phải kêu cứu vì bị xâm hại, bức tử một cách thô bạo nhiều năm qua khiến những giá trị độc đáo của nó thui chột dần. Không ít những thạch nhũ ở các hang động mất đi và sẽ tiếp tục rơi rụng trong thời gian tới. Dưới chân núi Mo So dẫn vào các hang động là những dãy nhà ọp ẹp, hàng quán bày bán nhếch nhác, nhà vệ sinh tạm bợ, môi trường ô nhiễm... Là một trong những điểm du lịch được du khách thập phương biết đến nhiều nhưng Mo So không có điện, nước, nhà nghỉ… khiến khách du lịch đến đây ra về cùng với nỗi thất vọng.

Ngoài ra, không hiếm trường hợp, di sản văn hóa phi vật thể đã bị làm thay đổi đến mức biến dạng cả về nội dung và hình thức. Như nghệ thuật đờn ca tài tử là một ví dụ. Trong khi người nghệ sĩ biểu diễn thì những thực khách ăn uống xô bồ, nói cười ồn ã. Chính cách khai thác di sản như vậy đã vô hình chung làm giảm, thậm chí là làm mất đi giá trị của di sản.
Có thể nói hai phương diện bảo tồn và phát huy di sản trong phát triển du lịch chưa gắn bó được với nhau. Để giải quyết được bài toán bảo tồn và đồng thời khai thác du lịch bền vững, ngay lúc này cần phải xác định rõ cộng đồng là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa, trong nhiều trường hợp, cộng đồng chính là linh hồn, là tâm điểm của di sản. Chính vì vậy phát triển du lịch di sản không thể tách rời phát triển cộng đồng ở khu vực di sản.

Các chuyên gia cho rằng, cần phải làm rõ và gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động bảo tồn. Phải xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương để đảm bảo một phần từ thu nhập du lịch sẽ “quay lại” hỗ trợ cho cộng đồng và cho công tác bảo tồn, phát triển tài nguyên môi trường, du lịch nơi diễn ra hoạt động du lịch với sự tham gia của cộng đồng. Đồng thời, cần xây dựng một số mô hình và cơ chế cụ thể nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động phát triển du lịch như: hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo kỹ năng, cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.

Anh Đức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN