Hà Nội kết nối phát triển du lịch tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long

Với những giá trị nổi bật toàn cầu được hun đúc suốt 13 thế kỷ, Hoàng thành Thăng Long là một trong những điểm đến trọng điểm của du lịch Hà Nội, được du khách trong và ngoài nước biết tới.

Người dân tham quan Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Để quảng bá giá trị khu di sản, thu hút du khách, chiều 22/9, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Xây dựng sản phẩm và kết nối phát triển du lịch tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long” với sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp du lịch.

Nhiều chương trình đặc sắc

Một điều ai cũng nhận thấy, khu di sản Hoàng thành Thăng Long có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nổi bật là dấu tích khảo cổ học trong lòng đất, các công trình kiến trúc Kỳ đài, Đoan môn, Bắc môn, Hậu lâu, thềm điện Kính Thiên, dấu ấn lịch sử cách mạng Nhà và hầm D67, Hầm chỉ huy của Cục tác chiến cùng không gian thoáng đãng, trong lành.

Trong rất nhiều nỗ lực kéo khách đến tham quan, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội xây dựng nhiều tour du lịch giúp khách khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Các tour du lịch này phù hợp với từng nhu cầu của các đối tượng khách và thời gian khách tham quan ở đây.

Cụ thể, tour tham quan di sản tổng thể Hoàng thành Thăng Long được xây dựng giúp cho khách có cái nhìn tổng thể, chiều sâu về di tích. Tour tâm linh về nguồn tham quan thềm điện Kính Thiên, Hậu lâu và Bắc môn, dâng hương tưởng nhớ 52 vị vua các triều đại, dành cho du khách là phụ nữ, người trung niên và người cao tuổi. Tour tham quan cho học sinh cấp 2 - 3 tham quan, xem phim, tương tác dán quạt, vẽ gốm…

Tour dành cho trẻ em tiểu học, các em tham gia trò chơi, xem phim, tham quan di tích khảo cổ, tham gia chương trình tương tác “Em làm nhà khảo cổ”. Đặc biệt, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội xây dựng tour đặc thù khám phá Hoàng thành về đêm kết hợp với tổ chức các sự kiện văn hóa ngoại giao tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Bên cạnh đó còn có tour ngoài giờ phục vụ du khách.

Cũng để làm phong phú thêm các hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội thường niên các dịp lễ Tết như: Lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế vào đầu Xuân, chương trình Vui tết Trung thu, lễ trồng cây nêu và thả cá chép vào dịp Tết ông Công ông Táo...

Hiện tại, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội mở cửa tham quan cả buổi trưa, tạo điều kiện tốt nhất cho khách tham quan Hoàng thành Thăng Long.

Hoàn thiện để tăng tính hấp dẫn

Tại buổi tọa đàm, các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp lữ hành đánh giá cao các giá trị của Hoàng thành Thăng Long, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị để hoàn thiện hơn điểm đến, tăng tính hấp dẫn cho khu di sản.

Theo ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Hà Nội cho rằng, trong quá trình khai thác phát triển du lịch, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần bảo tồn các giá trị truyền thống, xây dựng các chương trình du lịch phù hợp với từng đối tượng và thị trường khách. Ví dụ đối với khách quốc tế cần giới thiệu sâu sắc hơn giá trị lịch sử thời hiện tại ở các di tích kháng chiến. Điểm đến này cần đầu tư cửa hàng lưu niệm, phòng chiếu phim giới thiệu về di sản, tổ chức thêm các sự kiện, hội thảo liên quan.


Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist đề nghị doanh nghiệp và Trung tâm cần có những buổi làm việc kỹ hơn về lộ trình tham quan để phù hợp với từng đối tượng khách. Trên cơ sở đó, khách có thể lựa chọn phương thức tham quan 1 giờ hoặc 2 giờ đồng hồ hay tham quan cả buổi.

Đánh giá Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội có sự đầu tư tương đối tốt trong thời gian gần đây nhưng cần đầu tư thêm sa bàn hoặc tái hiện lại Hoàng thành Thăng Long thông qua công nghệ 3D để khách có thêm những hình dung về di sản. Tại các điểm tham quan cần tạo những điểm dừng chân cho khách nghỉ và cần tính chu trình có điểm đến, điểm dừng, lộ trình tham quan và cả công tác thuyết minh.

Nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần có những nội dung trưng bày liên quan đến các vương triều hoặc phục dựng các nghi lễ cung đình, các buổi thiết triều.

Đại diện Công ty cổ phần lữ hành quốc tế Kim Liên đưa ra sáng kiến, Hậu Lâu chính là lầu công chúa vì vậy có thể trưng bày các sưu tập của công chúa, khoảng 2 - 3 tháng lại thay đổi một lần, có thể là trang phục, trang sức công chúa... Một mặt, tại đây có thể tổ chức các hoạt động văn hóa khác như tái hiện lại lễ gả công chúa cho các thủ lĩnh dân tộc, tổ chức các món ăn của người dân tộc để phục vụ khách du lịch vừa xem nghi lễ, vừa thưởng thức các món ngon.

Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã ghi nhận những đóng góp của các hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục kết nối sâu hơn với các doanh nghiệp để hoàn thiện sản phẩm du lịch tham quan Hoàng thành Thăng Long.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Đoan Môn Hoàng Thành Thăng Long được chỉnh trang, bảo quản
Đoan Môn Hoàng Thành Thăng Long được chỉnh trang, bảo quản

Việc quét vôi tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa lắng xuống thì dư luận lại tiếp tục xôn xao việc Đoan Môn Hoàng Thành Thăng Long được chỉnh trang mới với màu vàng rực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN