Với vị thế là trung tâm du lịch lớn của cả nước, Hà Nội luôn quan tâm đầu tư phát triển du lịch, thu hút khách, quảng bá hình ảnh Thủ đô thân thiện, mến khách. Ngay sau khi Tổng cục Du lịch phát động chiến dịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", Hà Nội nhanh chóng triển khai tới các đơn vị lữ hành, đề nghị liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch nội địa với giá cả tốt, chất lượng đảm bảo nhằm kích cầu du lịch trong nước; tập trung thực hiện các giải pháp xúc tiến, thu hút khách nội địa và Việt kiều đến Thủ đô. Chương trình hành động của ngành du lịch Hà Nội nhanh chóng được các đơn vị tham gia, tạo hiệu ứng tốt. Tăng cường liên kết, tạo sản phẩm có sức cạnh tranh Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, cho biết: Ngay sau khi phong trào Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam chính thức được phát động, Sở đã gửi công văn đến tất cả các đơn vị kinh doanh du lịch đề nghị hưởng ứng phong trào này, nhất là trong bối cảnh hiện nay, ngành du lịch đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan. Trong đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp tăng cường liên kết với nhau tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, mang tính kích cầu.
“Cứ hô hào sẽ không giải quyết được vấn đề gì, điều cần thiết phải tạo ra được những sản phẩm mang tính kích cầu, giá thấp hơn thị trường mà vẫn đảm bảo chất lượng. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp phải gắn kết với nhau mới thực hiện tốt được điều này” – Ông Mai Tiến Dũng khẳng định.
Du khách nước ngoài chọn các món quà lưu niệm về Việt Nam. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Gắn kết ở đây là sự chủ động liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành, giữa các đơn vị lữ hành với cơ sở lưu trú, các điểm ăn uống, mua sắm, các đơn vị vận chuyển. Đặc biệt, liên kết với các đơn vị vận chuyển hàng không rất quan trọng bởi giá thành vận chuyển hàng không chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành tour. Giá vé hàng không giảm sẽ tạo ra đột biến lớn về giá tour. Ngoài ra, giá buồng phòng lưu trú giảm cũng là cơ sở tốt để giá tour giảm theo.
Trước những thực tế đó, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch đã cùng hợp sức tham gia kích cầu, thu hút khách đi du lịch nội địa. Trong đó, Câu lạc bộ lữ hành Hà Nội – UNESCO đang tích cực vận động hội viên tham gia phong trào, cùng liên kết tạo ra những sản phẩm du lịch nội địa tốt nhất.
Ông Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành Hà Nội - UNESCO, Giám đốc Công ty Du lịch Ánh Dương cũng cho rằng: “Để thực hiện tốt phong trào 'Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam' cần phải tạo ra các sản phẩm khuyến mại sâu, chất lượng đảm bảo nhằm tăng tính cạnh tranh. Với lợi thế nhiều hội viên cùng trong một sân chơi chung, Câu lạc bộ sẽ không khó để tìm ra tiếng nói chung trong việc liên kết, cùng xây dựng các sản phẩm du lịch tốt, hấp dẫn người dân đi du lịch trong nước”.
Tăng cường sản phẩm du lịch biển đảo Đối với du lịch nội địa, đặc biệt trong dịp hè, du lịch biển đảo luôn là điểm đến thu hút đông đảo du khách. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà tình hình Biển Đông đang xảy ra căng thẳng thì việc phát triển du lịch biển đảo càng trở nên cần thiết. Bởi không đơn thuần là những chuyến nghỉ dưỡng, trải nghiệm, du lịch biển đảo còn khơi dậy tình yêu biển đảo, ý thức đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Công ty Du lịch Vietravel Hà Nội, mùa hè năm nay đánh dấu sự tăng trưởng mạnh về lượng khách đăng ký tuyến du lịch nội địa. Theo thống kê, chỉ tính đến đầu tháng 6, lượng khách đăng ký tour trong nước tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tour khởi hành đến giữa tháng 8 đã kín chỗ, nhiều khách hàng đã có kế hoạch đặt tour đến tận dịp nghỉ lễ 2/9.
Ông Phạm Văn Bảy, Trưởng phòng du lịch nội địa Vietravel Hà Nội cho biết, các tour thu hút đông khách dịp hè này vẫn tập trung chủ yếu ở các tuyến biển đảo như: Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc, Côn Đảo…Năm nay, các tuyến du lịch biển đảo của Vietravel Hà Nội chia làm hai dòng nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của khách hàng: Dòng tour kích cầu cùng hãng hàng không Vietnam Airline sử dụng khách sạn 3 sao trung tâm và dòng sản phẩm cao cấp sử dụng hệ thống khách sạn 4 sao hoặc resort nghỉ dưỡng. Ngoài ra, các đảo mới hoặc chuẩn bị được cấp hệ thống điện lưới quốc gia như Cô Tô, Lý Sơn cũng được Công ty nhanh chóng xây dựng hành trình tour, đưa vào phục vụ du khách.
Chợ đêm ở huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: TTXVN |
Tại các hãng lữ hành khác, tour du lịch biển đảo được chào bán mạnh và lượng khách đặt tương đối lớn. Ngoài những điểm đến truyền thống như Hạ Long – Cát Bà, bãi biển Mỹ Khê, Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo…, năm nay nhiều điểm đến được khai thác như: đảo Cô Tô, Quan Lạn, bán đảo Sơn Trà, bãi biển Ninh Chữ, Tuy Hòa, Quy Nhơn…. Đặc biệt, các tuyến du lịch biển đảo phía Bắc đang được khách Hà Nội ưa chuộng bởi ưu điểm chi phí tour thấp, đi lại gần.
Ông Lương Duy Ngân, Giám đốc Công ty Du lịch Newstatour cho biết: “Từ đầu dịp hè đến nay, đơn vị đã đưa gần 7.000 khách đi du lịch trong đó du lịch nội địa chiếm phần lớn và tập trung vào du lịch biển đảo. Hè năm nay, hướng về du lịch biển đảo, công ty đẩy mạnh khai thác du lịch đảo Cô Tô, đảo Thanh Lâm, đảo Bạch Long Vĩ… thu hút sự quan tâm của du khách”.
Hiện nay, cùng với việc khuyến khích doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch nội địa có chất lượng, giá cả tốt, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội xúc tiến chương trình quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh truyền hình dành cho người Việt ở nước ngoài, nhằm thu hút Việt kiều về nước du lịch. Ngoài ra, Sở đang thiết kế chương trình quảng bá du lịch tại ba nước Đông Âu: Ba Lan, Séc, Hungary trong đó chú trọng đến cộng đồng người Việt Nam . Với những hướng đi đó, tin rằng, sẽ tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động du lịch thời gian tới.
Đinh Thị Thuận