Nợ xây dựng cơ bản phải được xử lý xong trong năm 2015, việc vỡ đường ống dẫn nước sông Đà cần sớm khắc phục để đảm bảo đời sống cho người dân… là những vấn đề làm nóng “nghị trường” phiên chất vấn của kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 10/7.Vị trí vỡ lần thứ 5 của tuyến đường ống nước sạch sông Đà (ngày 1/4/2014). Ảnh: Dân Trí |
Giải quyết dứt điểm sự cố đường ống dẫn nướcNgay trong khi HĐND Hà Nội chất vấn liên quan đến những sự cố vỡ tuyến đường nước sông Đà, thì sáng ngày 10/7, đường ống dẫn nước sông Đà lại vỡ lần thứ 8, ảnh hưởng tới gần 70.000 hộ dân.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Nguyên nhân của sự cố đường ống là do vật liệu ống sử dụng cho công trình chưa phù hợp với điều kiện truyền tải nước về thành phố. Trách nhiệm để xảy ra tình trạng vỡ ống nước trước hết thuộc về chủ đầu tư Vinaconex trong việc khảo sát thiết kế, lựa chọn tiêu chuẩn, vật tư vật liệu, thi công giám sát nghiệm thu …
Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cũng có trách nhiệm vì trong quá trình chủ đầu tư thiết kế thi công đường truyền dẫn, cũng chưa có sự phối hợp với chủ đầu tư trong việc kiểm tra, giám sát về thiết kế, thi công dự án, nhất là tuyến đường ống.
Về việc xử lý trước mắt, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Vinaconex, Công ty nước sạch Hà Nội thành lập lực lượng xử lý nhanh sự cố lần thứ 8 này, chậm nhất 23 giờ tối ngày 10/7 các đơn vị phải xử lý xong sự cố. Sở Xây dựng và công ty nước sạch Hà Nội sẵn sàng lên phương án vận hành mạng lưới cấp nước, điều tiết giữa các nguồn cấp nhước chung của thành phố, hỗ trợ tối đa cho vùng bị ảnh hưởng.
Về lâu dài, thành phố đã chỉ đạo Tổng công ty Vinaconex lập dự án đầu tư giai đoạn 2 dự án cấp nước từ Hòa Bình về Hà Nội, trong đó ưu tiên đầu tư tuyến ống truyền dẫn cấp nước mới từ Hòa Lạc về đến vành đai 3, triển khai từ tháng 9/2014. “Trường hợp Vinaconex không đủ khả năng thực hiện, thành phố sẽ chỉ đạo công ty nước sạch Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp đủ năng lực chính thu hút xã hội hóa đầu tư tuyến truyền dẫn ốn nước từ Hòa Lạc về đường vành đai 3.
Trong quá trình đầu tư thi công tuyến đường ống truyền dẫn số 2 từ Hòa Lạc về vành đai 3, thành phố sẽ chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong việc giám sát kiểm tra từ khâu thiết kế, thi công, nghiệm thu đảm bảo công trình và an toàn trong quá trình vận hành”, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Xử lý xong nợ xây dựng cơ bản trong năm 2015Tại buổi tái chất vấn những nội dung đã kết luận tại kỳ họp thứ 8 (năm 2013) của HĐND thành phố, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc xử lý nợ xây dựng cơ bản (XDCB), đặc biệt là dự án ngoài kế hoạch.
Ông Ngô Văn Quý, giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, còn 3 huyện vẫn đang nợ xây dựng cơ bản ngoài kế hoạch, gồm huyện Đan Phượng với 39 dự án, huyện Phúc Thọ với 9 dự án và huyện Mỹ Đức với 1 dự án. Theo ông Quý, thành phố đang triển khai thanh tra chuyên đề về việc nợ đọng XDCB và sẽ báo cáo tổng hợp vào tháng 10/2014. “Khi có kết luận thanh tra, thành phố sẽ có biện pháp xử lý, trong đó sẽ làm rõ trách nhiệm từng cấp, ngành, đơn vị, cá nhân để xảy ra nợ XDCB”, ông Quý nhấn mạnh.
Về vấn đề bố trí vốn trả nợ, sau khi có kết luận của HĐND ở kỳ họp thứ 8, từ cuối năm 2013, thành phố đã yêu cầu các quận, huyện, thị có số nợ XDCB nhỏ hơn 50% tổng chi XDCB thành phố cấp cho năm 2014, phải bố trí đủ vốn để xử lý xong trong năm 2014; các quận huyện thị xã có số nợ XDCB lớn hơn 50% tổng chi XDCB thành phố cấp cho năm 2014, phải bố trí tối thiểu 50% tổng số nợ XDCB của đơn vị trong năm 2014, bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng XDCB.
“Năm nay, trong dự toán thu chi của các quận, huyện, thị đã bố trí giải quyết phần lớn số nợ này. Cụ thể, đã bố trí 1.927 tỷ đồng, đảm bảo giải quyết 59% tổng nợ, về cơ bản đạt mức yêu cầu về xử lý nợ; trong đó chú trọng bố trí vốn giải quyết nợ cho những công trình chuyển tiếp, hoàn thành. Đến ngày 30/6/2014, toàn thành phố đã giải ngân được 54%”, ông Quý cho biết.
Theo ông Lê Văn Dục, giám đốc sở Xây dựng Hà Nội: Khi mở mới tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu thuộc dự án vành đai 1 đã xuất hiện 58 nhà siêu mỏng, siêu méo.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, sở Xây dựng phối hợp với quận Đống Đa tập trung giải quyết được 30/58 trường hợp, trong đó có 20 trường hợp đã hợp khối, 7 trường hợp đất trống được thu hồi cho công trình công cộng, 3 trường hợp có đủ điều kiện đã được chấp nhận cấp phép xây dựng để chỉnh trang, đảm bảo mĩ quan đô thị.
Sở Xây dựng đang lập dự án thu hồi 8 trường hợp để xây dựng nút giao thông Ô Chợ Dừa, các trường hợp còn lại sẽ xử lý theo hướng: Hợp khối, thu hồi, chỉnh trang. |
Xuân Minh