Hải Phòng: Thêm điểm du lịch tâm linh 'ba không' thu hút du khách gần xa

Di tích lịch sử quốc gia - Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những địa danh tâm linh "ba không" (không thu phí, không hàng quán và không rác thải), có sức hút đặc biệt với mọi tầng lớp nhân dân thành phố Cảng và du khách trong ngày đầu Xuân Kỷ Hợi.

Chú thích ảnh
Nhà tưởng niệm không hàng quán, rác thải đem lại cho du khách cảm giác thoải mái, dễ chịu. Ảnh: baohaiphong.com.vn

Đúng ngày 3/2 cách đây 1 năm, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức lễ khởi công công trình Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Sau 12 tháng thi công, công trình đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 111 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. 

Quần thể Nhà tưởng niệm có diện tích 3,04 ha, với các hạng mục: Nhà lưu niệm (đền chính), gồm nhà tiền bái, hậu cung, nơi đặt ban thờ và tượng thờ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh; nhà Tả vu, nhà Hữu vu để trưng bày các hiện vật về thân thế sự nghiệp của đồng chí, về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, đón tiếp khách, chuẩn bị soạn lễ; 2 nhà bia và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 110 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa, do các tập đoàn, doanh nghiệp, nhân dân và công nhân, viên chức, người lao động công đức.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng, đã góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ thành phố Hải Phòng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước nồng nàn, sự giác ngộ chủ nghĩa cộng sản một cách sâu sắc, tinh thần học tập, rèn luyện không mệt mỏi, trọn đời hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc... Ngày 30/7/1932, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về Hải Phòng và sáng 31/7/1932, chúng đã thi hành bản án tử hình đồng chí cùng với đồng chí Hồ Ngọc Lân trước cửa Đề lao Hải Phòng (Nhà lao Sông Lấp).

Sau 75 năm thất lạc do thăng trầm và biến cố của lịch sử, ngày 21/9/2007, tại khuôn viên Công ty Cổ phần Giày Thống Nhất (xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng), di hài lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân đã được tìm thấy. Thể theo nguyện vọng của giai cấp công nhân, công đoàn cả nước và thành phố, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhất trí chủ trương xây dựng Nhà tưởng niệm ngay tại nơi đã tìm thấy di hài của hai đồng chí. Công trình được khởi công ngày 24/8/2008, hoàn thành ngày 10/5/2009 do Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng làm chủ đầu tư... Chín năm sau đó (tháng 2/2018), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thành ủy Hải Phòng đã thống nhất đầu tư, nâng cấp, mở rộng khuôn viên Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân với quy mô lớn. 

Từng là người lính, ông Nguyễn Văn Trí, 83 tuổi (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đến dâng hương, vãn cảnh ngày đầu Xuân Kỷ Hợi tại di tích lịch sử này, xúc động nói: "Tôi khâm phục sự quyết tâm chỉ đạo của Trung ương, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Phòng. Chỉ trong thời gian ngắn, một công trình ý nghĩa đã hoàn thành, với quy mô lớn, xứng đáng với tầm vóc vị lãnh tụ của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là nơi giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc cho các thế hệ hôm nay và mai sau."
 
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định: Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã trở thành một trong những địa chỉ đỏ của thành phố, nơi gửi gắm niềm tin, tâm tư nguyện vọng, giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng sâu sắc về tấm gương sáng của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân trước Đảng, trước nhân dân. Trong những năm qua, nơi đây đã đón các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành về thăm; hàng ngàn tập thể, cá nhân trong và ngoài thành phố đến dâng hương tưởng niệm.

Tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia - Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư Lê Văn Thành yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, Ban Quản lý khu di tích xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức tốt, khai thác khu tưởng niệm bảo đảm hiệu quả cao nhất, phù hợp với ý nghĩa và tính chất quan trọng của công trình.

Cùng với Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, điểm đến tâm linh "ba không" là Tràng Kênh - Bạch Đằng cũng không thu phí, không hàng quán và không rác thải. Vào các ngày 14,15 tháng Giêng, Khu di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng mở lễ khai ấn Đức Thánh Trần. Trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, mỗi ngày khu di tích đón hàng vạn lượt du khách tới vãn cảnh, dâng hương... 

Hải Phòng không chỉ được biết đến là thành phố biển, cửa ngõ kết nối vùng, kết nối Việt Nam với thế giới, mà còn biết đến một Hải Phòng - nơi lưu giữ, bảo tồn những danh thắng, di tích lịch sử trường tồn cùng thời gian. Những địa danh ý nghĩa, độc đáo này luôn mở cửa chào đón nhân dân, du khách bốn phương đến tham quan, vãn cảnh.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Người dân hành hương đầu năm hài lòng với tiêu chí '3 không' tại khu di tích Bạch Đằng Giang
Người dân hành hương đầu năm hài lòng với tiêu chí '3 không' tại khu di tích Bạch Đằng Giang

Người dân đến thăm quan, dâng hương tại khu di tích Bạch Đằng Giang hài lòng với tiêu chí "3 không": Không phí dịch vụ, không rác thải, không hàng quán và được phục vụ nước uống miễn phí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN