Hòn ngọc xanh - Cù Lao

Trong chuyến du ngoạn “Con đường di sản miền Trung” đã cho chúng tôi bao điều bổ ích thú vị. Nhưng có lẽ thú vị và ấn tượng nhất đối với tôi, đó là chuyến ra đảo Cù Lao Chàm. Một hòn đảo còn hoang sơ thô mộc đến ngỡ ngàng và đầy quyến rũ. Đặc biệt là màu xanh, xanh đến ngát mắt, xanh thăm thẳm, màu xanh cứ miên man đến nao lòng…


Cù Lao Chàm còn được gọi là hòn ngọc xanh của đại dương, làm bình phong che chắn khi sóng cồn biển động cho thành phố. Cù Lao Chàm, một xã cụm đảo mang tên Tân Hiệp thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.


Giữa không gian mênh mang, yên bình với biển xanh cát trắng nắng vàng, chúng tôi đi dưới nắng tháng sáu mà cứ dìu dịu, cái nắng gắt gỏng, ngột ngạt dường như bỏ lại trong đất liền. Không biết có phải do cái thẳm xanh của biển của rừng, của dừa kia lấn át hay không? mà nắng cứ vàng ong óng, đãi đàng trải khắp. Gió cứ rào rạt phóng túng, phiêu diêu hồn lữ khách. Những bãi tắm cát trắng mịn màng, ngả ngớn duỗi dài trong làn nước xanh ngắt như không thể trong xanh hơn được nữa. Phong cảnh sơn thủy hữu tình thật là nơi nghỉ mát tham quan lý tưởng.


Phong cảnh bãi Ông, Cù Lào Chàm.


“Đây Cù Lao Chàm, sóng nước quyện trời xanh” - câu thơ của Tường Linh được người bạn Hoàng Xuân Trung người gốc xứ Quảng đọc cho nghe như đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi lên tầu ra đảo. Từ cửa Đại, du khách có thể lên tầu cao tốc của Công ty Đầu tư và Phát triển Cù Lao Chàm. Rồi chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút bồng bềnh trên sóng nước đại dương, ngửa mặt nhìn trời, nhìn nước mênh mông, ngắm bầy hải âu sải đôi cánh chập chờn để lòng mỗi người thấy bâng khuâng xa nhớ điều gì, thì tầu đã đưa ta đến đảo.


Cù Lao Chàm trong bách khoa toàn thư ghi theo bản đồ Tây Phương xưa với tên “Champello” lấy từ tiếng Nam - Ấn (Autronesian) “PulauChampa”. Cù Lao Chàm còn có các tên khác như Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La, Ngọa Long. Ngẫm thấy cái tên nào cũng đẹp cũng đầy ý nghĩa về tính tự tôn dân tộc.


Tại đây có nhiều di tích lịch sử thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt. Có các công trình kiến trúc của người Chăm và Việt niên đại vài trăm năm tuổi. Các di chỉ khảo cổ khai quật tại Bãi Làng, Bãi Ông, các hiện vật có niên đại trên 3.000 năm, điều đó khẳng định con người đã sinh sống và chế tác các vật dụng sinh hoạt khá tinh xảo, khẳng định nền văn hóa lịch sử lâu đời trên cụm đảo Cù Lao Chàm. Tại nhà trưng bày trên đảo, các di khảo, các hiện vật đồ gốm, đồ đồng và các hiện vật gốm thời Chu Đậu được tìm thấy tại các tàu buôn bị chìm quanh đảo, càng cho thấy tầm quan trọng của thương cảng Hội An một thời.


Cầu cảng Bến Làng.


Cù Lao Chàm cách bờ biển cửa Đại hơn 10 hải lý, tương đương với 19 km. Cụm có diện tích 15,5 km2, dân số hơn 600 hộ, gần 3.000 người. Có tám hòn đảo gồm: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ (hình dáng giống như ngôi mộ), Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Đỉnh cao nhất trên Hòn Lao 517 mét, quanh đảo mực nước khá sâu thuận lợi cho thuyền bè lớn neo đậu nghỉ ngơi hoặc ẩn trú khi bão gió trên hành trình thương thuyền trên Biển Đông. Rừng nguyên sinh chiếm đến 90%, chỉ có 14 ha đất canh tác và 4 ha đất thổ cư.


Cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản. Kể từ khi Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, người dân nơi đây đã chuyển một phần lao động sang hoạt động kinh doanh du lịch và dịch vụ nhưng vẫn giữ được bản chất thật thà, thân thiện và mến khách.


Đến đây du khách còn được tham quan các di tích lịch sử, văn hóa trên đảo như: Lăng Ông, Miếu Bà, miếu Thần Nông, miếu thờ Tổ nghề yến, chùa Hải Tạng, giếng cổ Chăm. Các di tích ở đây có niên đại hàng trăm năm còn khá nguyên vẹn. Đến Cù Lao Chàm du khách còn được thưởng ngoạn dịch vụ lặn xem san hô. Dải san hô ở đây trải rộng trên 165 ha gồm 188 loài, 61 giống, 13 họ và nhiều rong tảo quí hiếm.


Với làn nước trong vắt nếu du khách nào không muốn tắm lặn cũng có thể nhìn san hô qua thuyền đáy kính, đủ các màu sắc như nơi thủy cung. Nghề khai thác yến sào đã có từ xa xưa nay vẫn đang là thế mạnh trong phát triển kinh tế và du lịch. Theo các chuyên gia nhận định, yến sào Cù Lao Chàm có chất lượng vượt trội so với các sản phẩm cùng loại. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm có hệ sinh thái phong phú và đa dạng. Các tổ chức khoa học, các nhà bảo tồn đang triển khai nhiều dự án phát triển nguồn gen quí hiếm.


Xóm chài bình yên trên Cù Lao Chàm .


Bước chân lên đảo có nhiều điều thú vị nhưng với tôi cũng như nhiều du khách, ấn tượng nhất vẫn là màu xanh hoang sơ của rừng. Cả cánh rừng uy nghiêm với 1.549 ha rừng nguyên sơ, nhiều loại cây quí hiếm hàng trăm năm tuổi như thiên tuế, kền kền, dẻ chua… các dược liệu quí chất lượng tốt như mã tiền, ối tím, ngũ gia bì… có đến gần 200 loại dược liệu đang được Viện Dược liệu Việt Nam triển khai và hướng dẫn người dân bảo tồn và thu hái.


Động vật có đến 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và nhiều loài lưỡng cư hiếm. Đặc biệt, hai loài chim yến và khỉ đuôi dài có tên trong sách đỏ. Hải sản quí đặc sản nhiều nơi không có như ốc hương lệ, ốc vú nàng, hải sâm, đồi mồi, cua đá…


Trong cái miên man của rừng, của biển, âm âm những ngọn sóng đổ dài lên bãi như tiếng vọng xa xôi của quá khứ về bờ cõi thiêng liêng, chủ quyền đất nước, chúng tôi ngồi quanh bếp than nướng những con ốc vú nàng bốc hương thơm phưng phức.


Có nhiều cách chế biến ốc vú nàng như nướng, hấp, xào... Song món gỏi ốc vẫn hấp dẫn du khách nhất. Hương vị đậm đà quyến rũ quyện trong vị cay của ớt, vị ngọt bùi giòn của ốc, chua mát của rau rừng thật hấp dẫn.


Có người dân ở đây nói rằng: Chưa thưởng thức ốc vú nàng thì chưa phải là người đã ra Cù Lao. Có người còn đọc câu ca dí dỏm: “Ra Lao nhớ ghé bãi Làng/Hỏi thăm hương lệ, vú nàng lớn chưa/Anh hỏi thì em xin thưa/Vú nàng đã lớn nhưng chưa ai sờ”... Câu ca của người dân đảo làm cho mấy nữ khách thoáng đỏ mặt, bẽn lẽn thẹn thùng nhưng sau nghĩ ra loài ốc đặc sản vú nàng đang thưởng thức, đã làm mọi người cười ngả nghiêng liêu xiêu cả chiều đảo.


Được biết trong tương lai Cù Lao Chàm sẽ được xây dựng thành là một thiên đường du lịch xanh. Các dự án xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp rộng hàng trăm ha tại bãi Hương, bãi Bìm. Khu resort cao cấp 5 sao rộng 4 ha tại bãi Ông…


Không biết có phải vì nghe tương lai phát triển Cù Lao Chàm hay do thứ men rượu Hồng Đào xứ Quảng ngấm vào từng đường gân thớ thịt; hay say câu hát bài chòi mặn nồng của Lâm Phạm Mỹ Hòa, một thiếu nữ Cù Lao, mà ruột gan tôi cứ thơ thới lâng lâng?


Tôi nghĩ khai thác du lịch đó là hướng đi đúng. Khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế tạo việc làm cho người dân địa phương thoát khỏi bần hàn sao lại không? Nhưng làm gì thì cũng phải gìn giữ cảnh sắc thiên nhiên ban tặng, phải tôn trọng danh hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới mà UNESCO công nhận. Phải để cái màu xanh đến nao lòng của biển của rừng kia ngày một xanh thêm. Và tôi tin rằng người xứ Quảng thủy chung, trung dũng kiên cường trong kháng chiến, nay đang chung tay xây dựng quê hương phát triển kinh tế, hẳn đang gìn giữ trên quê hương mình những di sản quí báu của nhân loại ngày một bền vững và sạch đẹp để du khách thập phương chiêm ngưỡng.


Bởi hiện tại, chính quyền và người dân Cù Lao đã “nói không với túi ni lông”. Hỏi đã có mấy nơi làm được như vậy?… Thật đáng tự hào, đáng học tập. Cám ơn màu xanh Cù Lao Chàm!



Bài và ảnh: Công Thế

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN