Với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”, Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa sẽ là cơ hội để các di sản được UNESCO công nhận trong cả nước phát huy được thế mạnh của mình, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.Cú hích mớiTheo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong Năm Du lịch quốc gia - Thanh Hóa 2015, có hơn 20 sự kiện diễn ra ở 15 tỉnh, thành phố có Di sản thế giới trong cả nước.
Du khách thăm quan hiện vật khảo cổ tại di tích Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa). |
Đó là lễ kỷ niệm 5 năm Hoàng thành Thăng Long được vinh danh là Di sản văn hóa Thế giới, cùng với đó là lễ hội Đền Cổ Loa (Hà Nội), chương trình Caraval Hạ Long 2015, chương trình lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Đền Hùng năm 2015 (Phú Thọ); lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang); chương trình về miền quan họ (Bắc Ninh), liên hoan Dân ca Ví dặm xứ Nghệ lần thứ III - 2015, lễ hội Làng Sen toàn quốc năm 2015 (Nghệ An), Festival Nghề truyền thống Huế 2015 (Thừa Thiên Huế), lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản” (Quảng Nam); lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên (Gia Lai)…
“Những di sản thế giới được UNESCO công nhận, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Vấn đề đặt ra là các địa phương có di sản khai thác như thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát huy được giá trị di sản để tạo động lực phát triển kinh tế của vùng. Hiện mới chỉ có Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng hình thành “Con đường di sản” và khai thác khá hiệu quả trong chục năm qua. Còn các khu vực khác, mức độ liên kết khá lỏng lẻo”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết.
Trong Năm Du lịch quốc gia - Thanh Hóa 2015, các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ kết nối với nhau để cùng quảng bá 18 di sản thế giới ở Việt Nam, trong đó Thanh Hóa giữ vai trò chủ trì.
“Sự kiện này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của nhân dân trong cả nước về sự phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị của mỗi di sản. Đồng thời thu hút vốn đầu tư để phát triển từng điểm du lịch di sản. Nổi bật ở khu vực nam sông Hồng là khu danh thắng Tràng An, đang là điểm đến thu hút du khách. Nếu triển khai việc liên kết quảng bá, kết nối dịch vụ, một luồng khách không nhỏ sẽ nối tuyến từ đây đến điểm di sản văn hóa Thành nhà Hồ”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch lấy ví dụ.
Tạo đà phát triểnViệc tổ chức Năm du lịch quốc gia là cơ hội để các địa phương quan tâm đầu tư, tạo sự đột phá trong phát triển du lịch, nhất là trong xây dựng các chuỗi sản phẩm mới.
“Thông qua việc tổ chức sự kiện sẽ tạo điều kiện để người dân địa phương nâng cao nhận thức về du lịch và cách làm du lịch; đồng thời biết tập trung cho những trọng tâm, trọng điểm, nét đặc sắc của địa phương mình, để tạo ra sản phẩm du lịch. Đối với Thanh Hóa, Năm du lịch mới chỉ là khởi đầu trong quá trình phát triển về du lịch và còn rất nhiều việc phải làm như đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các dịch vụ”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Với việc đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2015, tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, cùng sự nỗ lực vượt khó rất lớn.
Cùng với những bước đột phá trong quản lý Nhà nước ở một số điểm đến, mà tiêu biểu là Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng đang tập trung các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng du lịch; chú trọng liên kết với các tỉnh, thành phố có di sản thế giới; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh...
Với chủ đề Năm du lịch Quốc gia 2015 là “Kết nối các di sản thế giới”, mục tiêu hướng tới không chỉ nhằm làm nổi bật và khai thác hiệu quả giá trị các di sản; mà thông qua sự kết nối, còn mang đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng về sự độc đáo, hấp dẫn và khác biệt của văn hóa Việt Nam.
“Bên cạnh công tác xúc tiến quảng bá, Thanh Hóa sớm có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư hình thành dịch vụ chuyên nghiệp xung quanh các điểm di sản”, ông Vũ Thế Bình cho biết.
“Trước mắt, Thanh Hóa nên tập trung cho hai sản phẩm chính là du lịch biển và du lịch văn hóa, để tạo sức lan tỏa với đối tượng chính là dòng khách nội địa. Bên cạnh đó, để xây dựng được các tour, tuyến du lịch, cần phải định vị được điểm đến tiêu biểu và làm tốt công tác quản lý các điểm đến ấy. Tiếp đó, cần đầu tư hạ tầng tại các điểm đến và cuối cùng là tăng cường tuyên truyền, xúc tiến cho các điểm đến”, ông Nguyễn Văn Tuấn nhận xét.
Bài và ảnh: Xuân Cường