Từ ngày 27-29/3, nhiều hoạt động tái hiện lễ hội, phong tục truyền thống của các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là chuỗi sự kiện chào mừng Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU - 132) và nhân dịp Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4.
Phần hội trong Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn được tái hiện tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
Trong đó, đáng chú ý là vào chiều 29/3, gần 500 đồng bào của 25 dân tộc đến từ 14 tỉnh, thành phố, đại diện cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam sẽ tề tựu tại Làng để chào đón, giao lưu với các đại biểu tham dự IPU-132 cùng phu quân, phu nhân.
Đồng bào các dân tộc Việt Nam sẽ tạo dựng "Con đường văn hóa, du lịch Việt Nam" bằng những nét văn hóa, sản vật đặc trưng nhất để chào đón, giới thiệu văn hóa Việt đến các nghị sỹ và bè bạn quốc tế. Các dân tộc đón đại biểu bằng hình thức đón khách truyền thống, tái hiện một số lễ hội tiêu biểu, biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian đặc trưng trong không gian dân tộc.
Các đại biểu sẽ tham quan không gian trưng bày, giới thiệu sản vật địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, ẩm thực đặc trưng dân tộc, thăm quần thể tháp Chăm, chùa Khmer, giao lưu với dân tộc Chăm, dân tộc Khmer, dân tộc Hoa, sau đó dự tiệc chiêu đãi và thưởng thức chương trình nghệ thuật Đêm hội Đoàn kết Nghị viện tại sân khấu nổi.
"Con đường văn hóa, du lịch Việt Nam" được tạo dựng trên quãng đường khoảng 500m, bắt đầu từ không gian làng dân tộc Thái và kết thúc tại Quảng trường Làng II.
Trên đoạn đường này, Ban tổ chức đã dựng các gian hàng, trưng bày, giới thiệu sản vật địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, ẩm thực đặc trưng các dân tộc như: Không gian thư pháp, tranh Đông Hồ, cung đình Huế, cồng chiêng và cà phê Tây Nguyên...
Đồng thời, các nghệ nhân biểu diễn dân ca, dân vũ, tái hiện một số trò chơi, lễ hội đặc sắc... Điểm nhấn của "Con đường văn hóa, du lịch Việt Nam" là các hoạt động diễn ra tại không gian dân tộc Thái, không gian dân tộc Ba Na và quần thể tháp Chăm, chùa Khmer.
Tại không gian làng dân tộc, nhiều phong tục độc đáo của đồng bào các dân tộc sẽ được tái hiện như: Hội Sắc bùa của dân tộc Mường (Hòa Bình), lễ hội Cầu mùa của dân tộc Nùng (Lạng Sơn), lễ hội Yang Koi (cúng thần lúa) của dân tộc Mạ (Lâm Đồng), lễ Rước cây nêu vào nhà mới của dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), đám cưới dân tộc Giáy (Lào Cai), lễ ăn hỏi của dân tộc Sán Chay (Bắc Giang) và lễ hội Rija Praung của dân tộc Chăm (Bình Thuận).
Cùng với đó, các đại biểu sẽ tham quan không gian trưng bày, giới thiệu sản vật địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, thăm quần thể Tháp Chăm, chùa Khmer và thưởng thức chương trình nghệ thuật “Đêm hội đoàn kết nghị viện”.
Các sự kiện văn hóa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ góp phần tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ IPU-132, để lại ấn tượng sâu sắc đối với các đại biểu, khách quốc tế tham dự về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và Quốc hội Việt Nam, qua đó tăng cường sự hiểu biết, gắn kết các quốc gia, củng cố quan hệ hữu nghị giữa các nghị viện thành viên IPU.
Đây cũng là cơ hội tôn vinh, giới thiệu với bạn bè quốc tế về những giá trị văn hóa tiêu biểu, sự phong phú, đa dạng của văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam và giới thiệu về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Trong dịp này, Vietravel là đơn vị lữ hành duy nhất của Việt Nam đảm nhiệm tổ chức các chương trình tham quan bên lề cho các đại biểu tham dự IPU-132.