Du lịch của một địa phương phục hồi, phát triển kéo theo nhiều tỉnh, thành lân cận và trong khu vực kích cầu thị trường hơn. Trên cơ sở này, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực thực hiện kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm, du lịch liên vùng và từng bước khẳng định vị thế đầu tàu, hạt nhân trong quá trình phát triển của mình.
Chủ động đồng hành
Tiếp nối các hoạt động du lịch nội vùng, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh mở rộng đồng hành cùng nhiều địa phương trong công tác xúc tiến, phục hồi và phát triển du lịch. Trong đó, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh làm việc với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu... để thí điểm sản phẩm tour du lịch theo hình thức khép kín. Ngành Du lịch Thành phố chủ động đồng hành cùng nhiều địa phương phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa, huy động nguồn lực và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả kích cầu du lịch.
Cụ thể, chương trình du lịch liên tỉnh đầu tiên giữa TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh mang đến nhiều cảm xúc cho lực lượng y bác sĩ tuyến đầu khi được tham quan những địa chỉ đỏ, địa danh nổi tiếng của hai địa phương. Chương trình cho thấy những tín hiệu khả quan về sự phục hồi của du lịch, khơi dậy tâm lý phấn khởi cho nhân dân sau thời gian dài giãn cách xã hội, góp phần thúc đẩy nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội khác cùng phục hồi và phát triển.
Một số chuyên gia cho rằng, những giá trị vật chất do du lịch mang lại trong giai đoạn phục hồi có thể bước đầu còn hạn chế nhưng sức mạnh về tinh thần ở giai đoạn này vô cùng quý giá. Hiện nhiều địa phương còn thận trọng khi liên kết du lịch nhưng mô hình liên kết du lịch có kiểm soát giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành là bước đi chủ động, sáng tạo, mở ra triển vọng liên kết du lịch giữa các địa phương theo nguyên tắc "Thích ứng, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành Du lịch thành phố phát huy vai trò đẩy mạnh liên kết du lịch giữa các tỉnh, thành, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa trên nền tảng kết quả đã liên kết thành công với hơn 40 tỉnh, thành phố giai đoạn 2019-2020 để nối lại, tái khởi động. Trong đó, ngành Du lịch các tỉnh, thành phố cần tập trung chọn "vùng xanh" để kết nối tuyến, tour khép kín và đảm bảo thống nhất tiêu chí an toàn giữa các địa phương.
Nhiều doanh nghiệp du lịch chủ động vượt khó, liên kết hợp tác, chuẩn bị nguồn lực tái hoạt động; xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ nhau, làm mới hoặc bổ sung giá trị gia tăng cho sản phẩm; tích cực tham gia chương trình kích cầu và truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch. Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện rà soát, tổ chức lại mạng lưới điểm tham quan, tuyến phố, cơ sở dịch vụ lưu trú, mua sắm, ăn uống… theo hướng đảm bảo an toàn, chất lượng, lấy sự hài lòng của du khách làm tiêu chí hoàn thiện.
Mở tour du lịch liên tuyến
Hiện nay, lần lượt các tỉnh, thành phố và cả nước đều đã khôi phục lại hoạt động du lịch trên tinh thần trách nhiệm cao, với nhiều giải pháp cơ bản, đáp ứng tình hình mới.
Cụ thể, ngành Du lịch nhiều địa phương phối hợp với ngành hàng không, đường sắt, xúc tiến liên kết các tỉnh, thành trong cả nước. Một số tỉnh, thành phố chuẩn bị nguồn lực, phương án... nhằm khôi phục du lịch tại địa phương, góp phần vào phát triển chung.
Hầu hết các tỉnh, thành phố đều cam kết tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong phục hồi du lịch, bảo đảm chất lượng khu du lịch, hướng tới bảo đảm an toàn cho du khách, an toàn cho dân cư. Trong đó, chủ trương liên kết du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai từ rất sớm, nâng lên cấp độ vùng giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long được hiện thực hóa từ năm 2019 đến nay.
TP Hồ Chí Minh có lợi thế là cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế trên các phương diện gồm đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Ngoài lợi thế về hạ tầng giao thông, TP Hồ Chí Minh còn sở hữu mạng lưới cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành và đội ngũ nhân sự hoạt động trong lĩnh vực này. Những lợi thế này có ý nghĩa rất lớn trong việc liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua khảo sát, một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre có mạng lưới điểm đến là làng nghề, khu du lịch sinh thái, dịch vụ lưu trú… cho thấy địa phương có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch nhất là du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, làng nghề gắn với các sản phẩm đặc trưng từ cây dừa... cách TP Hồ Chí Minh không xa. Long An có khu bảo tồn và nghiên cứu dược liệu Đồng Tháp Mười, khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập... Đồng Tháp có mô hình du lịch cộng đồng tham quan đồng sen ở huyện Tháp Mười, mô hình du lịch cộng đồng làng hoa Sa Đéc và các sản phẩm du lịch gắn với mùa nước nổi, sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, ẩm thực vùng đất Sen hồng...
Theo đó, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long có thể tăng cường mở rộng xây dựng, chào bán sản phẩm liên tuyến, liên vùng (vùng xanh) dựa trên lợi thế sẵn có của từng địa phương. Điển hình, ngoài những chương trình du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố, ngành Du lịch trở thành cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp để tổ chức thêm chương trình du lịch kết nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kích thích nhu cầu đi du lịch và giải trí của du khách.
Cộng đồng doanh nghiệp lữ hành tại TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, các doanh nghiệp quan tâm khai thác đa dạng chương trình du lịch phục vụ du khách nội địa đến điểm du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long với chương trình du lịch dành cho phân khúc thị trường khách đoàn từ TP Hồ Chí Minh và kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong vùng, tạo nên sự phong phú cho chương trình du lịch liên tuyến.
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết, liên quan đến liên kết du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong giai đoạn phục hồi, phát triển du lịch, doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược, triển khai hàng loạt sản phẩm, hướng đến thúc đẩy phát triển du lịch liên vùng. Trong đó, có thể kể đến các hành trình như: TP Hồ Chí Minh - Khu du lịch Xẻo Quýt - Sắc màu Làng hoa kiểng Tân Quy Đông (1 ngày); TP Hồ Chí Minh - Long An - Khám phá con đường xuyên rừng Tràm Tân Lập (1 ngày); TP Hồ chí Minh - Cần Giờ - Bến Tre (3 ngày)...
Bài 4: Đầu mối xúc tiến thị trường cả nước