Theo ghi nhận từ các địa phương, du khách đến các điểm đông nhưng không quá tải. Do thời điểm nghỉ lễ cận với ngày 5/9, gần ngày khai giảng nên hầu hết khách đến các điểm là khách nội vùng, du khách tham gia tour tuyến cũng đi cự ly ngắn với thời gian chương trình 2-3 ngày.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9 (từ ngày 1/9 đến hết ngày 4/9), tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 422,7 nghìn lượt. Trong đó, Hà Nội ước đón 22,7 nghìn lượt khách quốc tế và 400 nghìn lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt xấp xỉ 1.300 tỷ đồng.
Ước tính 4 ngày nghỉ lễ, công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn tại Hà Nội đạt khoảng 40,5%, trong đó khách nội địa lưu trú đạt khoảng 23,5%; khách quốc tế lưu trú đạt khoảng 17%. Tại các khách sạn, nhà hàng và các trung tâm thương mại, mua sắm, ăn uống, giải trí... đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, lượt khách và sức mua tăng không quá cao, ước tính doanh thu tăng khoảng 35 - 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, TP đã đón 920.000 lượt du khách đến tham quan, vui chơi giải trí. Trong đó, khách quốc tế khoảng 32.484 lượt, khách du lịch nội địa khoảng 365.000 lượt; khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước khoảng 130.000 lượt, công suất phòng trung bình đạt 75%. Ngoài ra, một lượng lớn khách tại Thành phố cũng đã chọn vui chơi, giải trí ngay tại chỗ. Tổng doanh thu của ngành du lịch TP Hồ Chí Minh dịp này ước đạt 2.740 tỷ đồng.
Còn đại diện Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, Khánh Hòa đã đón trên 356 nghìn lượt du khách đến địa phương tham quan, nghỉ dưỡng; trong đó có gần 136 nghìn lượt khách lưu trú. Công suất sử dụng phòng bình quân của các cơ sở lưu trú đạt mức trên 65%. Tổng doanh thu về du lịch trong dịp này đạt 576 tỷ đồng.
Ngoài các tuyến đường bộ, các chuyến bay nội địa từ các tỉnh, thành phố đến Khánh Hòa đã được điều chỉnh tăng công suất để đảm bảo phục vụ nhu cầu của khách trong dịp lễ 2/9. Từ 31/8 đến ngày 4/9, bình quân mỗi ngày có khoảng 50 chuyến bay nội địa với khoảng 300 khách/chuyến và 6 chuyến bay quốc tế mỗi ngày đến sân bay Quốc tế Cam Ranh với khoảng 150 khách/chuyến. Đồng thời, ngành đường sắt đã tăng cường thêm nhiều đôi tàu khách trên tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang, qua đó bình quân mỗi ngày 16 chuyến đến Khánh Hòa với 1.300 khách/ngày.
Theo thống kê, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh (từ 1 - 4/9/2022), khu du lịch quốc gia Sa Pa (Lào cai) đón 93.244 lượt du khách, tăng 50.044 lượt và bằng 215% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19); trong đó, khách quốc tế đến Sa Pa là 2.579 lượt.
Tổng doanh thu từ khách du lịch đến Sa Pa đạt xấp xỉ 283 tỷ đồng, tăng 162 tỷ đồng và bằng 235% so với năm 2019. Tỷ lệ đặt phòng cho kỳ nghỉ lễ đạt khoảng 98% đối với các phân khúc từ 3 sao trở lên; phân khúc hạng trung đạt khoảng 82%; cơ sở kinh doanh homestay đạt khoảng 85%.
Còn thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, trong kỳ nghỉ lễ 2/9 địa phương đón khoảng 85.000 lượt khách (khách quốc tế chừng 1.500 lượt; khách nội địa ước đạt 83.500 lượt khách; khách qua lưu trú ước đạt khoảng 60.000 lượt khách). Công suất phòng trung bình 60-65%.
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt, lượng khách dịp lễ năm nay không tăng đột biến như trước. Bởi, suốt mùa hè lượng khách tới địa phương đông, cũng với việc nghỉ dưỡng ở thành phố tăng cao, nên dịp lễ vẫn diễn ra bình thường.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, hơn 245.000 lượt khách đã đến Thanh Hoá, tăng hơn 34,4% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2019, tổng thu du lịch đạt gần 500 tỷ đồng. Một số khu du lịch biển trọng điểm của tỉnh thu hút đông đảo du khách như: khu du lịch biển Sầm Sơn đón khoảng 174.200 lượt khách; khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) đón khoảng 28.000 lượt khách; khu du lịch sinh thái biển Hải Hòa và Nghi Sơn đón khoảng 32.700 lượt khách... Bên cạnh đó, các khu, điểm du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng thu hút lượng lớn khách du lịch nội tỉnh, nội địa. Trong đó phải kể đến một số điểm như: Khu di tích lịch sử Lam Kinh (3.000 lượt khách), Thành Nhà Hồ (2.300 lượt khách), suối cá Cẩm Lương (2.500 lượt khách), Bến En (1.400 lượt khách), bản Năng Cát, thác Ma Hao (2.000 lượt khách), Pù Luông (3.200 lượt khách)…
Theo đó, công suất sử dụng buồng phòng trong dịp nghỉ lễ trên dịa bàn tỉnh đạt khoảng 55%. Trong đó, khu du lịch biển Sầm Sơn khoảng 57%; khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến hơn 50%; khu du lịch sinh thái biển Hải Hòa và Bãi Đông khoảng 60%... Đặc biệt, khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông đạt 100% công suất phòng trong dịp nghỉ lễ.
Tổng hợp các thông tin từ các hiệp hội du lịch địa phương cho thấy, hầu hết lượng khách đến các điểm du lịch là khách nội vùng. Lượng khách đặt phòng đạt 70-80% tuỳ thời điểm.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho biết: Theo quy luật hàng năm, dịp nghỉ lễ 2/9 đánh dấu hết mùa du lịch hè và bước vào chu kỳ đón khách quốc tế. Thường tháng 9 là tháng giao mùa trong lĩnh vực du lịch. Đối với du lịch nội địa sẽ chuyển trọng tâm sang khách đi theo nhóm chuyên đề, có thời gian. Trong đó, rất nhiều khách sẽ chọn đi cung đường Tây – Đông Bắc để ngắm lúa vàng…
“Đây cũng là khoảng thời gian các đơn vị đón khách quốc tế sẽ đi kiểm tra lại các dịch vụ để chuẩn bị đón khách quốc tế. Thường khách quốc tế sẽ vào từ tháng 9 nhưng cao điểm sẽ từ tháng 10. Tuy nhiên, sau 2 năm dịch COVID-19, thị trường khách quốc tế có nhiều đổi thay, trong đó khách đi them nhóm nhỏ và khách lựa chọn những điểm không quá phức tạp về thủ tục visa và điều kiện phòng dịch”, ông Phùng Quang Thắng chia sẻ.