Trong bối cảnh Việt Nam mở cửa hoàn toàn mọi hoạt động du lịch, Hà Nội đang thúc đẩy phát triển du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, sản phẩm du lịch của Thủ đô sẽ triển khai trên kênh truyền thông, truyền hình trong nước và kênh CNN quốc tế. Ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thông qua website, nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin đại chúng và đường dây hỗ trợ khách du lịch.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, từ nay đến cuối năm, ngành Du lịch triển khai hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là thị trường trọng điểm khu vực phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung-Tây Nguyên... nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến, xây dựng tour du lịch hấp dẫn, có tính kết nối cao. Ngành Du lịch hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không tổ chức chương trình, sự kiện kích cầu, quảng bá du lịch trên địa bàn thành phố cũng như thị trường trong nước và nước ngoài, đón đoàn phóng viên báo chí, doanh nghiệp lữ hành nước ngoài vào Việt Nam, Hà Nội khảo sát, liên kết, quảng bá du lịch.
Năm 2022, Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp, tầm cỡ, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô và hướng đến hội nhập quốc tế. Trong đó, thành phố tập trung vào các hoạt động, sản phẩm, chương trình tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hà Nội trước, trong và sau thời gian diễn ra SEA Games 31. Cùng với đó, thành phố tổ chức các sự kiện lễ hội định kỳ hàng năm như: Lễ hội Du lịch - Văn hóa ẩm thực, Lễ hội Quà tặng Du lịch, Festival Áo dài Hà Nội, chương trình Hành trình hữu nghị, tổ chức tuyển chọn đại sứ du lịch Hà Nội và bài hát dành cho du lịch Hà Nội.
Thành phố tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của Hà Nội. Trong đó, thành phố phát triển sản phẩm dành cho người Hà Nội trải nghiệm dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí cao cấp với giá hấp dẫn tại các khách sạn 4-5 sao. Hà Nội cũng nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đêm; phối hợp với các đơn vị lữ hành, đơn vị điểm đến đặc biệt là điểm đến di tích, di sản xây dựng sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác sản phẩm du lịch truyền thống.
Sở Du lịch phối hợp cùng các quận, huyện, thị xã xây dựng tuyến phố du lịch ẩm thực đặc sắc, tuyến phố đi bộ theo chủ đề như: Đề án mở rộng các tuyến phố đi bộ hiện có tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; Đề án phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; Đề án tổ chức khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc-Ngũ Xã; Đề án tổ chức khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Đề án tổ chức không gian đi bộ hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng...
Tại khu vực ngoại thành, thành phố sẽ đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các địa phương có tiềm năng, thế mạnh như Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Gia Lâm, Đan Phượng… Thành phố tiếp tục phát triển sản phẩm nhóm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, làng nghề truyền thống (gắn với giáo dục, nông nghiệp) tại các địa phương có tiềm năng và điều kiện thuận lợi nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của du khách.