Khách sạn ở Hà Nội: Quy mô nhỏ, nhân viên là... người nhà

Với lợi thế là thủ đô, lượng khách du lịch đến với Hà Nội tăng trung bình 20% mỗi năm. Tuy nhiên, cơ sở lưu trú cho khách Hà Nội vẫn nhỏ lẻ và nguồn nhân lực thấp.


Thiếu khách sạn quy mô lớn


Hà Nội có 1.751 cơ sở lưu trú (CSLT) với hơn 25.500 buồng phòng; trong đó có 241 khách sạn đã được xếp hạng sao với hơn 12.000 buồng. Tuy nhiên, số lượng khách sạn quy mô nhỏ chiếm phần lớn. Số khách sạn từ 3-5 sao chỉ có 49 khách sạn với hơn 7.400 buồng. Với lượng khách sạn ít, thiếu dịch vụ bổ trợ và đón những đoàn khách lớn, du lịch MICE (du lịch sự kiện).


Khách sạn Paloma.


Điển hình như ở khu vực phố cổ - nơi được nhiều du khách nước ngoài lựa chọn, thì phần lớn các khách sạn đều nhỏ hẹp, dịch vụ cũng hạn chế. Các khách sạn trong khu vực này nằm xen lẫn khu dân cư, thiếu không gian, thậm chí chật chội, ồn ào. Bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam nhận xét: Khu vực phố cổ hiện nay nhiều khách sạn nhỏ, thậm chí là có những khách sạn chỉ 8 - 12 phòng nhưng giá rất cao, ở đó khó mà tìm được một phòng 30 USD, thường phải 50 USD/phòng mặc dù chỉ có mỗi dịch vụ ngủ, thậm chí khách du lịch phải ra ngoài ăn. Nơi đây chủ yếu khách du lịch là Tây ba lô.


Cùng với phố cổ, khu vực vùng ven Hồ Tây tập trung khá nhiều khách sạn bởi phong cảnh đẹp. Tuy nhiên, khu vực Hồ Tây hướng tới phục vụ khách công vụ, lượng khách ở Tây Hồ này có khả năng chi trả cao nhưng cũng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao hơn… nhiều khách sạn tổ chức dịch vụ bổ sung để đáp ứng nhu cầu của khách như dịch vụ hội thảo, giặt là, ẩm thực, giới thiệu các tour đặc trưng của Hà Nội như tour đi xích lô, làm các món ăn ẩm thực Hà thành, di tích lịch sử truyền thống quanh vùng…


Không gian phố cổ luôn chật chội.


Nhiều lý do du khách chọn khách sạn nhỏ trong nội thành là gần gũi. Anh Frost Chistopher Eric - du khách Anh cho biết: Ở khách sạn nhỏ tôi thấy thoải mái hơn, những người phục vụ thân thiện và gần gũi với khách, ở đây tôi có thể nhờ họ mua giúp nhiều thứ mỗi khi cần, chẳng hạn như thẻ điện thoại. Còn ở các khách sạn lớn có một khoảng cách rõ ràng giữa nhân viên phục vụ với du khách.


Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của khách chi tiêu cao, Hà Nội cần có những khách sạn quy mô lớn hơn với nhiều dịch vụ vui chơi giải trí để hấp dẫn khách. Những khách sạn nhỏ do hạn chế về diện tích, nhân lực khó có khả năng tổ chức các dịch vụ bổ sung cao cấp.


Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, tới đây, thủ đô cũng cần phải tăng cường gọi đầu tư để mà xây dựng thêm các cơ sở lưu trú, có thể là 5 sao, hoặc là 3 sao.


Để phát triển những cơ sở lưu trú có quy mô lớn tương ứng khách du lịch thì Hà Nội còn nhiều việc phải làm và khó khăn nhất là vấn đề quỹ đất cũng như không gian xây dựng. Do đó, phần lớn các khách sạn cao cấp sẽ hướng ra vùng ngoại ô.


Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao


Không chỉ là câu chuyện về quy mô số lượng, mà chất lượng dịch vụ cũng như nguồn nhân lực cho ngành khách sạn của Hà Nội cũng đang là vấn đề cần quan tâm. Với các khách sạn 4-5 sao, chất lượng nguồn nhân lực khá tốt, tuy nhiên, những khách sạn 1-3 sao nguồn nhân lực thiếu kiến thức chuyên ngành đang là vấn đề báo động.


Theo thống kê, tổng số nhân lực qua đào tạo chuyên ngành chưa tới 50%, nhiều khách sạn, nhà nghỉ lấy luôn người nhà chưa qua đào tạo làm các dịch vụ để giảm chi phí. Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, những đội ngũ quản lý tại khách sạn Hà Nội, chỉ có 50% đáp ứng công việc ở mức trung bình, 20% ở mức khá, 30% ở mức tập trung cao. Điểm yếu của đội ngũ nhân lực là khả năng ngoại ngữ và kỹ năng nghề.


Bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam: Các khách sạn 3 sao trở xuống, chất lượng dịch vụ, trang thiết bị tiện nghi và nguồn nhân lực thấp. Bà Lê Mai Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho rằng: Nhìn chung, nguồn nhân lực trong các cơ sở lưu trú du lịch Hà Nội thời gian qua cần có những bước thích ứng với hội nhập. Tại các khách sạn vừa và nhỏ, tiêu chuẩn dịch vụ vẫn chưa đáp ứng với thực tế. Nhất là ngoại ngữ chưa theo kịp với các hoạt động du lịch ngày một đa dạng.


Dễ nhận thấy là bộ phận lễ tân thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguyên Trưởng bộ môn Lễ tân khách sạn, Khoa Quản trị Khách sạn, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, bà Đỗ Thị Minh nhận định: “Hiện nay, các bộ phận lễ tân của nhiều khách sạn vừa và nhỏ trên cả nước nói chung và khu vực Hà Nội nói riêng đang gặp khó khăn lớn về thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực lễ tân chất lượng cao.


Phần lớn đội ngũ nhân viên lễ tân tại các khách sạn vừa và nhỏ là sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp. Họ chỉ đi làm thêm để kiếm sống, lấy kinh nghiệm nên chưa có ý thức gắn bó với doanh nghiệp. Họ coi công việc lễ tân là trạm trung chuyển trước khi tìm được việc khác.


Do đó, các nhà quản lý cần có đội ngũ nhân viên lễ tân dự phòng để khi cần có thể sử dụng ngay cũng như có chế độ đãi ngộ xứng đáng nhằm thu hút nhân lực. Về lâu dài, bà Minh cho rằng, các cơ sở lưu trú du lịch nên ưu tiên tuyển dụng những người đã tốt nghiệp chuyên ngành để có số lượng nhân viên ổn định.


Trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Hà Nội hướng tới phát triển khách sạn có quy mô lớn, chất lượng cao tại các vùng ven đô, gắn với phát triển hệ thống giao thông ở các khu vực này. Đồng thời nâng cấp chất lượng dịch vụ tại các khách sạn vừa và nhỏ, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực trong ngành khách sạn.



Bài và ảnh:Xuân Minh

Những khách sạn có tiền sảnh rất lạ và đẹp trên thế giới
Những khách sạn có tiền sảnh rất lạ và đẹp trên thế giới

Một số khách sạn trên thế giới có tiền sảnh được trang trí lạ mắt và hấp dẫn đến mức bạn có thể chỉ muốn ngồi đó suốt ngày và không muốn về phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN