Du lịch sau 6 tháng mở cửa:

Khách tăng kéo theo dịch vụ tại các điểm du lịch nhộn nhịp trở lại

Sau 6 tháng mở cửa du lịch trở lại (từ 15/3/2022), du lịch Việt Nam đã thực sự hồi sinh. Trong đó, du lịch nội địa hồi phục hoàn toàn, du lịch quốc tế đang ấm dần trở lại kéo theo sự nhộn nhịp các dịch vụ tại các điểm du lịch.

Du lịch nội địa phục hồi hoàn toàn

Sau 6 tháng mở cửa trở lại, trong 3 mảng du lịch (du lịch nội địa, inbound (khách quốc tế vào Việt Nam), outbound (khách Việt đi du lịch nước ngoài)) thì chỉ có mạng du lịch nội địa hồi phục hoàn toàn, còn 2 phân mảng còn lại phụ thuộc vào thị trường khách, điểm đến và đường bay. Theo Tổng cục Du lịch, dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, tổng lượng khách mà các địa phương trong cả nước đón trong 4 ngày nghỉ lễ khoảng 3 triệu lượt. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 60-65%. Tính chung với số liệu đón khách trong 8 tháng đầu năm, tổng lượt khách đạt gần 83 triệu lượt và gần bằng số lượng khách cả năm 2019 (85 triệu lượt). Tổng thu từ khách du lịch trong 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 356.600 tỷ đồng, đạt 80,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Chú thích ảnh
Du khách chụp ảnh trên ruộng bậc thang tại Mù Căng Chải, Yên Bái. Ảnh: Hà Trường Giang.

Chính sách mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3, cùng với hàng loạt chương trình liên kết, hợp tác, kích cầu du lịch, sự ra đời của nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách du lịch sau dịch bệnh... đã thúc đẩy thị trường du lịch nội địa phục hồi hoàn toàn. Còn thị trường du lịch quốc tế đang ấm dần lên.

Còn thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, số doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch quay trở lại hoạt động tăng 63,5% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm và du lịch tăng 50,5%. Hoạt động du lịch mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm cho người lao động. Hiện cả nước hiện có 219 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao với 73.724 buồng và 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao với 45.315 buồng. Cả nước hiện có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.000 buồng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 buồng.

Ghi nhận từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thị trường lao động Việt Nam tăng mạnh mẽ về số người tham gia làm việc trong khu vực dịch vụ. Trong 3 quý gần đây nhất, bình quân mỗi quý, khu vực này đón nhận thêm gần 900 nghìn lao động, cao hơn rất nhiều so với mức tăng của 2 khu vực còn lại nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng. Chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch từ tháng 3/2022 là cú hích quan trọng giúp lao động trong khu vực dịch vụ dần lấy lại được trạng thái ban đầu khi chưa xuất hiện đại dịch, tạo cơ sở cho đà tăng trưởng và phát triển.

Là ngành kinh tế tổng hợp, sự hồi phục của du lịch đã kéo theo sự tăng trưởng của các ngành khác. Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: Khi có nguồn khách, các đơn vị doanh nghiệp mới huy động vốn mở lại dịch vụ, tuyển thêm lao động … Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ, giá trị kinh tế mà du lịch nội địa mang lại vẫn chưa đạt như kỳ vọng bởi du lịch nội địa thường chỉ chiếm khoảng 30-40% doanh thu của ngành.

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên phong cho rằng: Sau dịp nghỉ lễ 2/9, du lịch nội địa sẽ trầm xuống do hết mùa du lịch hè. Học sinh đã quay trở lại trường học nên du lịch mùa thu với khách nội sẽ là dòng sản phẩm du lịch chuyên biệt. Nổi bất nhất là du lịch sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long và du lịch vòng cung đông Tây Bắc mùa lúa vàng. Để hút khách, các đơn vị phải thiết kế những sản phẩm độc đáo. Đơn cử như tour đi Mộc Châu thường 2 ngày -1 đêm, nay kéo dài hành trình, hiện đơn vị đang liên kết với tỉnh mở tour đường bộ qua thăm tỉnh biên giới của Lào 1 ngày 1 đêm để tăng tính trải nghiệm cho du khách.

Tương tự, một số đơn vị khai thác tuyến vòng cung Đông Tây Bắc cũng đang kết hợp với địa phương lựa chọn những điểm nhấn, khai thác loại hình du lịch cộng đồng, dân tộc mang lại trải nghiệm văn hoá mới, nhất là các điểm đến du lịch cộng đồng tại Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn…

Du lịch quốc tế đang ấm dần

Theo ông Vũ Thế Bình, nhìn vào cơ cấu giá trị kinh tế do du lịch mang lại các năm trước cho thấy, dù lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn khách nội địa nhưng lại chiếm phần lớn doanh thu toàn ngành. Do vậy, phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam sẽ là định hướng trước mắt cũng như lâu dài. Khôi phục đón khách quốc tế, nhất là loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, chữa bệnh sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ, sự chuyên nghiệp.

Chú thích ảnh
Khách quốc tế đi tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: XM.

Ngay khi mở cửa du lịch hoạt động trở lại từ 15/3, lượng khách quốc tế vào Việt Nam tăng trở lại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đón trên 1,4 triệu lượt khách quốc tế. Số liệu thống kê cho thấy các thị trường khách quốc tế đang dần phục hồi tuy nhiên tốc độ không đồng đều. Một số thị trường gần như Đông Nam Á phục hồi tốt, tăng từ 30% đến 200%. Trong khi đó, các thị trường khách châu Âu hồi phục dần với nhiều tín hiệu khả quan. Thị trường khách Nga tăng trưởng thấp do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine kéo dài, làm gián đoạn kết nối hàng không cũng như thị trường du lịch. Còn thị trường khách Trung Quốc vẫn rất thấp do vẫn áp dụng chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Trong khi đó, năm 2019, Việt Nam đón gần 18,1 triệu lượt khách quốc tế, trong đó, khách quốc tế đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chiếm khoảng 66% lượng khách. Các chuyên gia du lịch nhận định, khi những thị trường truyền thống ở khu vực Đông Bắc Á mở cửa hoàn toàn trở lại, thì du lịch Việt Nam mới có thể hồi phục. Trước mắt, thị trường khách Việt Nam hướng tới là những nước không quá thắt chặt các điều kiện y tế, kết nối đường hàng không. Hiện đang nổi lên là thị trường Ấn Độ và Ả rập.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, từ tháng 9, số lượng khách quốc tế đến các địa phương có chiều hướng tăng… Trong đó, chủ yếu là khách mang các quốc tịch như: châu Âu, Mỹ và Úc...với thời gian lưu trú khoảng 5 đêm. Sản phẩm du lịch được du khách ưa chuộng hơn cả là du thuyền trên sông, vịnh và các dịch vụ vui chơi giải trí trên biển. Đây là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch inbound của Việt Nam từ tháng 10 sắp tới.

Từ góc độ doanh nghiệp, nhìn về cơ cấu lượng khách quôc tế vào Việt Nam, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên phong cho rằng: Thực tế khách đi du lịch thuần tuý thời gian còn ít. Ngay như khách Hàn Quốc được đánh giá là top 3 thị trường khách đến Việt Nam nhưng nhiều người trong số họ là thăm thân, kết hợp công việc. Còn như đơn vị tôi chủ đón chủ yếu khách lẻ đến từ châu Âu, Úc nhưng đa phần cũng là đi có công việc kết hợp đi du lịch.

Mặt khác, các đường bay và chuyến bay quốc tế chưa phục hồi như giai đoạn trước dịch, lượng vé khan hiếm. “Chúng tôi đang có một số đoàn, nhưng không thể đặt được vé máy bay, giá vé một số đường bay thậm chí đắt gấp đôi so với thời điểm trước dịch, ảnh hưởng đến lựa chọn của khách. Họ có tâm lý chờ đợi, vì giá đắt, trong khi tâm lý cũng chưa muốn du lịch xa”, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA travel cho biết.

Đồng quan điểm, ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty Du lịch Mai Việt (Hà Nội) cho biết: Trước đây, giá vé từ thị trường Pháp sang Việt Nam tầm 900 Euro nhưng nay tầm 1.300-1.400 euro. Vé đắt khiến du khách phải cân nhắc lịch trình và lựa chọn thời điểm đặt giá vé rẻ.

Ở góc độ địa phương, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Lượng khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chưa đạt kế hoạch đề ra. Riêng Hà Nội, thành phố cũng đã đặt mục tiêu, đến hết năm 2022 đón khoảng 1-1,2 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2022, lượng khách này mới đạt được 582.000 lượt người. Có thể thấy, hai thị trường trong nước và quốc tế có sự chênh lệnh khá rõ. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, Sở Du lịch sẽ tổ chức các sự kiện lớn để quảng bá, thu hút du khách, như: Festival áo dài Hà Nội, trao giải cuộc thi ảnh du lịch Hà Nội và cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022...

Trước những khó khăn của ngành du lịch trong việc thu hút khách quốc tế, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, thông thường, mùa cao điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Hơn nữa, đặc thù của nguồn khách quốc tế đến từ các thị trường chi tiêu cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… là thường lên kế hoạch trong thời gian dài. Việt Nam mới mở cửa du lịch, nên du khách cần thời gian để sắp xếp kế hoạch.

Đặc biệt, chính sách visa của Việt Nam vẫn là “điểm nghẽn”. Đến nay, Việt Nam mới thực hiện miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia với thời hạn 15 ngày, trong khi khách quốc tế thường có nhu cầu đi du lịch 18 - 30 ngày. Đây là những nguyên nhân chính khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng qua chưa như mong đợi. Các doanh nghiệp du lịch quốc tế Để thị trường inbound (đón khách quốc tế tới Việt Nam) kiến nghị áp dụng thị thực xuất, nhập cảnh nhiều lần, có giá trị miễn visa 30 ngày, thay vì 15 ngày như hiện nay. Ngoài ra, cần mở rộng danh sách miễn thị thực tới một số thị trường khách mục tiêu. Đây là giải pháp quan trọng nhất và có thể triển khai ngay để hấp dẫn du khách quốc tế.

Ông Ngyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần phân tích thị trường để xác định những thị trường quốc tế trọng điểm, từ đó quảng bá, xúc tiến có trọng tâm, có những sản phẩm và ưu đãi phù hợp để Việt Nam trở thành điểm đến được du khách ở thị trường trọng điểm ưu tiên lựa chọn khi có ý định đi du lịch nước ngoài.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá, du lịch Việt Nam đang phục hồi nhanh và tiếp tục khẳng định là một trong những điểm đến hấp dẫn trên thế giới.
Theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021, du lịch Việt Nam xếp hạng 52/117 nền kinh tế, trong đó có 6 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, ngoài chỉ số về tài nguyên du lịch, đáng chú ý là nhóm “An toàn, an ninh” xếp hạng 33. Cũng theo đánh giá của Nikkei, Việt Nam đã tăng từ vị trí 14, lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng “Chỉ số phục hồi COVID-19” nhờ vào số ca mắc và tử vong giảm liên tục.
XM/Báo Tin tức
Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng 18% trong tháng 9
Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng 18% trong tháng 9

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 9/2022, Thủ đô Hà Nội ước đón khoảng 1,48 triệu lượt khách, giảm 15,5% so với tháng 8/2022. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế ước đón 184,4 nghìn lượt khách, tăng 18% so với tháng 8/2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3,75 nghìn tỷ đồng, giảm 7% so với tháng 8/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN