Lễ khai mạc chương trình du lịch "Qua miền Tây Bắc - Sơn La 2011" đã diễn ra tối ngày 27/8, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ðến dự có đồng chí Giàng Seo Phử, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm UBDT Chính phủ; đồng chí Thào Xuân Sùng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh Hòa Bình, Ðiện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hóa.
Với sự tham gia của gần 1.000 nam, nữ diễn viên chuyên nghiệp, nghệ thuật quần chúng, nghệ nhân dân gian đến từ các tỉnh, thành trong khu vực 8 tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng, chương trình nghệ thuật khai mạc đã khắc họa hình ảnh vùng đất miền tây Tổ quốc với những tiềm năng, lợi thế, danh lam thắng cảnh và đặc trưng từng vùng miền. Đặc biệt, màn nghệ thuật với chủ đề "Hương sắc xuân Tây Bắc" với những lớp múa hoa ban, hoa đào đan xen kết hợp tạo nên một sân khấu tràn ngập các màu hoa và gợi nên hình ảnh ấm no của đồng bào các dân tộc Tây Bắc... đã tạo ấn tượng sâu sắc cho đồng bào các dân tộc, cũng như du khách tham gia chương trình.
Lễ khai mạc chương trình du lịch "Qua miền Tây Bắc - Sơn La 2011". |
Phát biểu tại Lễ khai mạc, đồng chí Giàng Seo Phử, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm UBDT Chính phủ, đã biểu dương truyền thống đại đoàn kết các dân tộc Tây Bắc, hoan nghênh việc Sơn La và các tỉnh Tây Bắc phối hợp tổ chức chương trình du lịch "Qua miền Tây Bắc – Sơn La năm 2011” và đón Tết Độc lập tại cao nguyên Mộc Châu. Đồng chí khẳng định, đây là nét đẹp văn hóa cần tiếp tục duy trì và phát triển, trở thành điểm nhấn về ngày hội văn hóa - du lịch của các dân tộc Tây Bắc, tôn thêm vẻ đẹp truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Tây Bắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Theo ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, chương trình du lịch “Qua miền Tây Bắc - Sơn La năm 2011” là món quà mà nhân dân các dân tộc Sơn La muốn gửi tới và tha thiết mời gọi bạn bè gần xa về với Sơn La, để tận hưởng bầu khí hậu trong lành, mát mẻ; hệ thống hang động kỳ vĩ, các đồng cỏ, đồi chè bát ngát xanh; các công trình thủy điện; thăm bản làng của đồng bào các dân tộc, với bao điều khám phá lý thú về nét văn hóa ẩm thực, văn hóa văn nghệ dân gian, lễ hội truyền thống; thăm những di tích lịch sử, ghi dấu một thời oanh liệt hào hùng…
Theo BTC chương trình cho biết, tiếp sau lễ khai mạc hoành tráng, chương trình "Qua miền Tây Bắc – Sơn La năm 2011” diễn ra với hàng loạt những hoạt động sôi nổi, giàu bản sắc văn hóa các dân tộc trong suốt thời gian từ ngày 27/8 - 2/9/201 như: Triển lãm tranh, ảnh về Bác Hồ; Hội chợ thương mại - du lịch; Lễ hội chè Mộc Châu; Tuần phim và ký sự du lịch Tây Bắc; Hội trại văn hóa Du lịch; Hội thảo du lịch triển khai dự án “Cung đường Tây Bắc”; Triển lãm tranh, ảnh giới thiệu thành tựu kinh tế, văn hóa của tỉnh Sơn La... "Chương trình "Qua miền Tây Bắc – Sơn La năm 2011” có sự tham gia của đông đảo đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Địa phương cũng đã huy động mọi tổ chức xã hội, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa tham gia vào các chương trình giao lưu, hội trại văn hóa, biểu diễn các tiết mục văn nghệ, các môn thể thao dân tộc, hoạt động trò chơi dân gian tại sân vận động huyện Mộc Châu như: Bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, tung còn, Rồng ấp trứng, vật gậy, ném pao... Dự kiến Tết Độc lập (Quốc khánh 2/9) của đồng bào các dân tộc Tây Bắc cũng sẽ được tổ chức long trọng trong khuôn khổ của chương trình vào đêm 1/9 với các màn bắn pháo hoa rực rỡ, các chương trình văn nghệ quần chúng đậm đà bàn sắc…"- đại diện BTC cho biết.
lChiều ngày 28/8, tại thị trấn Mộc Châu (tỉnh Sơn La), đã diễn ra "Hội thảo du lịch triển khai dự án Cung đường Tây Bắc". Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định: Việc khảo sát tài nguyên du lịch và sản phẩm du lịch độc đáo của các tỉnh Tây Bắc mở rộng, từ đó kết nối các tuyến, điểm du lịch tạo thành tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc, làm căn cứ lập hồ sơ trình Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận tuyến du lịch; sẽ thúc đẩy ngành du lịch 8 tỉnh Tây Bắc lên một tầm cao mới, xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh về du lịch của khu vực này. Được biết, dự án này đã được Tổ chức phát triển Hà Lan SNV tại Việt Nam hỗ trợ triển khai nghiên cứu từ 2 năm nay.
Tại buổi hội thảo, ông Phil Harman, Cố vấn Trưởng SNV cũng đã phân tích, đánh giá những lợi thế của cung đường Tây Bắc như là cung đường đẹp nhất, thiên nhiên hoang sơ, dự đa dạng bản sắc các dân tộc, thân thiện mến khách… Nhằm hỗ trợ việc phát triển du lịch của toàn cung đường Tây Bắc, cũng như của từng địa phương, SNV đã hỗ trợ nghiên cứu và thiết kế mẫu logo và slogan (biểu tượng và thương hiệu) của từng tỉnh, qua đó giới thiệu chính tiềm năng của từng tỉnh như Hòa Bình là cửa ngõ của vùng Tây Bắc với văn hóa Mường độc đáo; Sơn La với điểm nhấn ấn tượng là Mộc Châu với những loại sản phẩm đặc trưng như sữa tươi, hoa quả vùng ôn đới; Hà Giang với công viên đá Đồng Văn… Trong thời gian tới, SNV và Tổng cục Du lịch cũng sẽ hỗ trợ tập huấn cho tổ chức cá nhân về du lịch cộng đồng - loại hình du lịch thế mạnh của khu vực này; đồng thời hỗ trợ trường dạy nghề; tập huấn marketing; tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ các dự án của EC (Liên minh châu Âu)...
Bài, ảnh: Xuân Cường