Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam… và một số tỉnh bạn, cùng đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, tỉnh Thái Nguyên có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch. Việc tổ chức khai mạc Mùa du lịch có ý nghĩa quan trọng, đón đầu kỳ nghỉ hè sắp tới, hứa hẹn cho du khách một mùa du lịch hấp dẫn về vùng đất và con người Thái Nguyên.
Để phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ Nghị quyết 08 của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn, trong đó phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển các sản phẩm du lịch mới, đậm bản sắc, hấp dẫn, tăng cường và đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến, từ đó tạo nên sự đồng bộ trong phát triển du lịch.
Ngoài ra, tỉnh phát triển du lịch phải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt, Thái Nguyên phải có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng môi trường du lịch xanh, thân thiện, an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong việc quản lý các điểm đến, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá xúc tiến và ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hy vọng, qua sự kiện này, Thái Nguyên tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu phát huy được tiềm năng, lợi thế và nguồn lực để đến năm 2030, Thái Nguyên sẽ trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh về du lịch trong khu vực theo như Quyết định số 222/QĐ-TTg, ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thái Nguyên hiện có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích, 55 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 231 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Tỉnh có 19 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đặc biệt, Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tỉnh xác định việc phát triển du lịch gắn với văn hóa trà là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng 4 dòng sản phẩm du lịch, bao gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn; du lịch Mice (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm...), thể thao, khám phá hang động mạo hiểm..., từng bước hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao.
Tại sự kiện, lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa tỉnh Thái Nguyên và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã diễn ra. Nhân dịp này, tỉnh Thái Nguyên trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án khu thể thao sân Golf Tân Thái cho Công ty Cổ phần Golf Tân Thái tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Trong khuôn khổ lễ khai mạc, Ban Tổ chức đã trưng bày, giới thiệu với du khách thập phương những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên thông qua các gian hàng đến từ 9 huyện, thành phố trên địa bàn.