Mặc dù lực lượng chức năng mở nhiều đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên tuyến đường thủy nội địa này nhưng nguy cơ mất an toàn giao thông vẫn luôn tiềm ẩn. Ngoài ra, việc khai thác du lịch hồ Hòa Bình qua nhiều năm vẫn còn nhiều bất cập, chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình, bà Bùi Thị Hòa Bình cho biết, tuyến đường thủy hồ Hòa Bình có tổng chiều dài trên 75 km, với diện tích mặt nước trên 8.892 ha cùng các danh thắng có giá trị cao để khai thác du lịch, dịch vụ. Trên khu vực hồ Hòa Bình hiện có 260 phương tiện vận tải đường thủy nội địa vận chuyển hành khách, song chỉ có 91 phương tiện đủ điều kiện hoạt động, 169 phương tiện còn lại chưa được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc đã hết hạn cùng các lý do như không có hồ sơ thiết kế được được cơ quan đăng kiểm thẩm định, chiều dày tôn, kết cấu, chống chìm; tự ý hoán cải thay đổi công dụng, thay đổi thân vỏ, thay máy…
Nhiều phương tiện đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được đóng theo phương thức truyền thống, hoạt động tự phát nhiều năm, không có hồ sơ thiết kế ban đầu, chưa đăng ký, không đáp ứng đủ các yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về đăng kiểm phương tiện thủy. Cùng với đó, nhiều phương tiện vận tải thủy đã hết hạn kiểm định nhưng không kiểm định lại. Người dân cho rằng, việc sửa chữa, hoán cải lại các phương tiện để đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật đăng kiểm thường kéo theo chi phí lớn, gây khó khăn về kinh tế…
Theo ông Phạm Việt Công, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Ban An toàn giao thông tỉnh Hòa Bình cần khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả, thực trạng công tác quản lý hoạt động vận tải thủy nội địa trên địa bàn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, khắc phục bất cập, tồn tại, triển khai biện nâng cao hiệu quả, hoạt động quản lý phượng tiện thủy khu vực hồ Hòa Bình. Tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, gắn với tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết dừng hoạt động các bến, phương tiện không đảm bảo an toàn khu vực hồ Hòa Bình... Bên cạnh đó, tỉnh có đề xuất, kiến nghị cơ chế hỗ trợ người dân đăng ký, đăng kiểm để các phương tiện có đủ điều kiện hoạt động theo quy định.
Qua ghi nhận của phóng viên TTXVN tại khu vực này, hiện nay hoạt động kiểm tra đảm bảo an ninh an toàn của các đơn vị chức năng còn lỏng lẻo. Bến tàu neo đậu, ra vào tại các điểm tham quan không có thứ tự, điều tiết; khách du lịch chưa tuân thủ việc mặc áo phao trên hành trình; giá vé chưa được niêm yếu và tăng giảm thất thường...
Tại bến cảng Thung Nai, huyện Cao Phong, số phương tiện đủ điều kiện an toàn kỹ thuật hoạt động tại cảng là 51 phương tiện. Các nhà tàu tăng số chuyến vận chuyển trong ngày nhằm kịp thời phục vụ du khách, kéo theo giá vé hành khách hoặc thuê trọn gói một chuyến tàu cũng tăng cao so với những ngày thường trong năm.
Chị Hoàng Thị Nga du khách đến từ Hà Nội cho biết, năm nay số lượng khách du lịch đi lễ đền Chúa Thác Bờ tăng cao đột biến, lượng thuyền không đủ, gia đình tôi phải chờ đợi rất lâu mới có tàu, thêm vào đó giá vé cũng tăng lên từ 200.000 đồng đến 300.000/người trong ngày cuối tuần.
Một chủ tàu ở xã Thung Nai chia sẻ, lượng tàu tại các bến tương đối nhiều nhưng do chưa đủ điều kiện an toàn nên không được hoạt động, nhiều chủ tàu không dám chở khách vì sợ bị phạt. Tuy nhiên cũng có chủ tàu vẫn cố tình nhận và đón khách tại các điểm bến tự phát khác nhằm né tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Việc không chấp hành mặc áo phao để đảm bảo an toàn cho du khách như quy định cũng do nhiều nguyên nhân như nhiều du khách cố tình không tuân thủ thông báo của chủ tàu; du khách cảm thấy vướng víu, khó chịu khi mặc áo phao...
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại bến cảng Bích Hạ thuộc địa phận thành phố Hòa Bình. Ở đây có 3 hợp tác xã với 75 phương tiện nhưng hiện chỉ có 40 tàu đủ điều kiện được phép hoạt động, số còn lại không đủ điều kiện an toàn hoạt động do hết hạn đăng kiểm, gây tình trạng quá tải vận chuyển tại bến. Thế nhưng nhiều tàu không đủ điều kiện lưu thông vẫn vận chuyển hành khách "chui" do nhu cầu đi lại của khách du lịch tăng cao.
Ngoài ra, việc đi lễ chùa đầu năm tại đền Chúa Thác Bờ cũng tồn tại nhiều bất cập, thiếu quy hoạch đầu tư bài bản. Điều đáng nói, tại các khu vực danh thắng xuất hiện nhiều điểm ăn uống là các nhà hàng nổi (được tận dụng từ các tàu thuyền đã hỏng, xuống cấp) hoặc các lán trại nuôi cá lồng, gây mất mỹ quan và không an toàn trên khu vực hồ Hòa Bình.
Tại đền Chúa Thác Bờ (xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc), tàu thuyền ra vào tấp nập, các tàu neo đậu kín phía trước đền, mạnh tàu nào tàu nấy vào bến không theo trật tự. Các hạng mục đền Chúa vẫn đang được xây dựng ngổn ngang, những vị trí nguy hiểm được Ban quản lý đền ngăn cách bởi các cột luồng để tránh các du khách đi vào. Tiếng nhạc ồn ào phát ra từ tàu thuyền, những hàng quán buôn bán đồ lễ, viết sớ nở rộ ngay từ cổng vào đến sân đền với những mái che chắn, phủ bạt đủ loại màu sắc… làm ảnh hưởng đến cảnh quan chốn tâm linh. Cùng với đó là cảnh tượng đông nghịt người khấn vái, người đội lễ, người xem quẻ, tiếng loa đọc sớ của các cô đồng…
Cảnh tượng mất trật tự cũng diễn ra ở Đền thờ chúa Thác Bờ (xã Thung Nai, Cao Phong) và động Thác Bờ, dòng người đi lễ lấn nhau trên cầu phao tạm bợ để đi vào động khiến cầu phao quá tải trọng và chìm ngập xuống nước, nhiều du khách hoảng loạn, tiềm ẩn rủi ro rất cao về an toàn tính mạng cho người dân.
Anh Nguyễn Hoàng Linh, khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết: Cảnh tượng nhếch nhác ở đền Bờ diễn ra nhiều năm nay mà chưa được giải quyết. Với việc quản lý và khai thác như hiện nay, nhiều khách du lịch sẽ không muốn quay lại.
Để phát huy giá trị danh thắng và không gian văn hóa Mường đặc trưng cùng cảnh quan thơ mộng riêng có của hồ Hòa Bình, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền; quảng bá du lịch thật bài bản; quản lý và xây mới cơ sở hạ tầng, các khu kinh doanh, dịch vụ phù hợp với cảnh quan và mỹ quan; quản lý chặt chẽ các phương tiện tàu thuyền; xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh lịch sự tại các đền chùa, các bến cảng, các hoạt động vận chuyển… Có như vậy, mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước qua kết nối các khu du lịch trọng điểm hồ Hòa Bình bằng hệ thống giao thông đường bộ, bến cảng mới đạt được hiệu quả, góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh trong thời gian tới.