Khai thác tiềm năng phát triển du lịch biển, đầm phá ở Thừa Thiên - Huế

Tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định đến năm 2012 phát triển mạnh du lịch biển và đầm phá nhằm khai thác thế mạnh tự nhiên, nhất là du lịch sinh thái, tập trung ở khu vực Chân Mây - Lăng Cô và vùng ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Thừa Thiên - Huế có 127 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như Thuận An, Cảnh Dương, Tư Hiền, Lăng Cô... bên cạnh là một vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn, với hơn 22.000 ha diện tích mặt nước, cũng là nơi hợp lưu nhiều con sông lớn như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu... có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Hiện tại, ngoài các đơn vị có "chỗ" đứng chân ở đây từ cách đây hàng chục năm về trước như Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang, Công ty TNHH Thanh Tâm, Du lịch Cố đô, và hệ thống nhà nghỉ của khách sạn Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh), mới đây đã có thêm các dự án đầu tư nước ngoài triển khai xây dựng.

Tác phẩm sắp đặt trong lễ hội "Lăng Cô huyền thoại biển".


Điển hình là khu du lịch Laguna Huế, có tổng số vốn đầu tư 875 triệu USD đã được khởi công đầu tư xây dựng trên vùng vịnh Lăng Cô thuộc khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, do Tập đoàn Banyan Tree (Xinhgapo) làm chủ đầu tư. Qua các kỳ Festival Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đều gắn với việc tổ chức các tuor du lịch tham quan đầm phá, ngắm "mặt trời mọc" từ bãi biển Lăng Cô, kết hợp với việc tổ chức các lễ hội "Thuận An biển gọi", "Lăng Cô huyền Thoại biển" để thu hút khách du lịch. Mới đây, Thừa Thiên - Huế tiến hành khảo sát, xây dựng tour du lịch đầm phá Tam Giang để đưa vào khai thác. Tour du lịch được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Hà Lan (IUCN-NL) tài trợ thông qua Quỹ dự án nhỏ về du lịch bền vững và đa dạng sinh học.

Khởi hành từ Huế, du khách sẽ được tham quan đình làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa), đây là Di tích Lịch sử cấp quốc gia và còn giữ được nét kiến trúc cổ xưa; sau đó đến thôn Ngư Mỹ Thạnh tham quan nhà trưng bày các loài sinh vật, tham quan trình diễn đan lưới, quy cách sử dụng các ngư lưới cụ trong đánh bắt. Tiếp đến, du khách có thể đi xe đạp đến thăm vườn rau, tham gia vào hoạt động chăm sóc cây cỏ và mua các sản vật rau, củ, quả ngay tại địa phương và có thể vào sâu trong làng Thủy Lập để tham gia hoạt động đan lát; chứng kiến các bước để hoàn thiện một sản phẩm mây tre đan, và có thể tự tay mình thực hiện các kiểu đan đơn giản trước khi trở lại thôn Ngư Mỹ Thạnh.

Sau khi thưởng thức ẩm thực địa phương và nghỉ trưa tại nhà cộng đồng thôn Ngư Mỹ Thạnh, du khách lại cùng nhau vượt phá Tam Giang đến xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) tham quan khu lăng mộ, xem múa Náp truyền thống do các em thiếu nhi biểu diễn và tắm biển tại bãi biển thôn Tân Mỹ. Cuối cùng, trước khi về Huế, du khách ghé thăm làng nghề sản xuất các sản phẩm mây tre đan lát Bao La, với nhiều mặt hàng tinh xảo, có giá trị kinh tế cao. Du lịch biển và đầm phá ở Thừa Thiên - Huế đang là bước đi đúng hướng, góp phần thu hút du khách, làm đa dạng thêm dịch vụ du lịch, vốn lâu nay chỉ bó hẹp trong khung cảnh lăng tẩm, đền đài và hệ thống Di tích Cố đô Huế. Tuy nhiên, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần lựa chọn bước đi thích hợp, nhằm biến tiềm năng thành hiện thực. Hiện, có thực trạng chung là du lịch "ăn theo" lễ hội, xong lễ hội thì khách cũng thưa vắng theo.

Các bãi biển nổi tiếng khác như Cảnh Dương, Tư Hiền... đều hình thành một cách tự phát, các dịch vụ tại chỗ đều do người dân địa phương tự tổ chức, chất lượng không ổn định và thiếu tính chuyên nghiệp nên khó thu hút được khách du lịch, nhất là người nước ngoài. Tại bán đảo Sơn Trà đã từng hợp tác với các nhà đầu tư để phát triển du lịch lặn biển, kết hợp với các trò chơi trượt nước, lướt ván... trên biển, đáp ứng nhu cầu cho những du khách thích cảm giác mạnh nhưng sau nhiều năm "lên kế hoạch" vẫn chưa thấy triển khai...

Quốc Việt
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN