Dự án Kè bảo vệ khu đô thị cổ Hội An từ Chùa Cầu đến cầu Cẩm Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án ưu tiên tại Công văn số 1443/TTg-QHQT ngày 19/9/2012.
Sau khi có kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thẩm định nguồn vốn ngân sách Trung ương cho dự án vào tháng 6/2015, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam đã trình UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình với tổng mức đầu tư là 135,650 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương từ Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) là 80,399 tỷ đồng, phần còn lại do ngân sách địa phương đối ứng.
Khách du lịch tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Công trình bao gồm tuyến kè dài gần 780 m kết cấu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, kết hợp nạo vét lòng sông, cải tạo vỉa hè, thoát nước, thảm tăng cường mặt đường cũ, cảnh quan môi trường và hệ thống điện chiếu sáng.
Công trình được khởi công ngày 16/11/2015. Quá trình thi công công trình đã gặp nhiều khó khăn, phức tạp do thi công trong khu vực phố cổ và khu vực chợ đông người. Đoạn kè gần sát nhà cổ được thi công hết sức thận trọng.
Đường công vụ thi công không có nên phải sử dụng đường Bạch Đằng, tuy nhiên do nền đường yếu nên đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển các loại vật tư, trang thiết bị. Công tác đóng cọc cừ bê tông cốt thép dự ứng lực cũng gặp nhiều khó khăn do địa chất khu vực bờ sông phức tạp.
Tuy vậy, các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế kỹ thuật thi công và các cán bộ kỹ thuật Ban quản lý dự án tỉnh Quảng Nam đã khắc phục khó khăn, bám sát công trường, nghiên cứu nhiều biện pháp thi công phù hợp để thi công công trình đảm bảo tiến độ, đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, mục tiêu của dự án là phòng chống bão lụt, đảm bảo an toàn cho các công trình kiến trúc cổ, tính mạng, tài sản nhân dân và phục vụ khách du lịch đô thị cổ Hội An; giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu đến đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng hưởng lợi; tăng cường khả năng thích ứng và sống chung với lũ lụt và nước biển dâng do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu; tạo cảnh quan môi trường sinh thái trong khu vực.