Tổng nguồn lực thực hiện Chương trình dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong số đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khoảng 500 tỷ đồng (chiếm 20%); vốn ngân sách địa phương 550 tỷ đồng (chiếm 22%); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, đề án khác 560 tỷ đồng (chiếm 22,4%); vốn tín dụng và huy động từ các nguồn lực xã hội hoá khoảng 890 tỷ đồng (chiếm 35,6%).
Chương trình nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Đồng thời nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
Mục tiêu đến năm 2025 là phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Cụ thể mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; ít nhất 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận xếp hạng hoặc công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Chương trình đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với ít nhất có 80 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và được chuẩn hóa; trong đó ít nhất 50% dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Chương trình phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch… Đặc biệt là sẽ có cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.
Để thực hiện Chương trình, các ngành chức năng sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn. Xây dựng định hướng phát triển du lịch nông thôn và tích hợp, bổ sung trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia và quy hoạch nông thôn mới. Các địa phương có tiềm năng du lịch xây dựng đề án, chương trình hoặc kế hoạch phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2022-2025, gắn với rà soát các điểm du lịch nông thôn phù hợp với các quy hoạch liên quan.
Đồng thời, Chương trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về du lịch nông thôn; rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn; thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư (PPP), hợp tác công - tư - cộng đồng (PPCP), các mô hình quản trị tích hợp các khu vực công và tư nhân, doanh nghiệp và cộng đồng trong phát triển du lịch nông thôn.
Chương trình sẽ huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn đầu tư, đặc biệt là của doanh nghiệp, cộng đồng… cho phát triển du lịch nông thôn. Chương trình sẽ bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn. Đưa các nội dung bồi dưỡng, đào tạo về du lịch vào các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương và vùng…
Đặc biệt, để ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn, Chương trình sẽ lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn. Mặt khác xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn; hay các chuyên trang điện tử về du lịch nông thôn…